Cụ thể, nhóm giải pháp 1 là tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đảm bảo duy trì niềm tin và tăng cường đầu tư kinh doanh bền vững của doanh nghiệp khu vực tư nhân;
Nhóm giải pháp 2 là khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường;
Nhóm giải pháp 3: Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Nhóm giải pháp 4: Hỗ trợ nâng cao năng suất lao động trong doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp;
Nhóm giải pháp 5: Khuyến khich doanh nghiệp khu vực tư nhân ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0;
Nhóm giải pháp 6: Tăng cường vai trò của các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp trong hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển hiệu quả, bền vững.
Ảnh minh họa |
Đổi mới sáng tạo doanh nghiệp tư nhân
6 nhóm giải pháp trên nhằm hướng tới mục tiêu thúc đẩy doanh nghiệp khu vực tư nhân tăng trưởng chất lượng và hiệu quả, tạo nền tảng vững chắc, động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Mục tiêu cụ thể là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp khu vực tư nhân, phấn đấu có ít nhất 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 và 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng cường liên kết trong doanh nghiệp khu vực tư nhân. Đến năm 2030, thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nâng cao tỉ lệ doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu ngang bằng với các nước dẫn đầu trong khối ASEAN (ASEAN-4).
Giai đoạn 2021-2030, phấn đấu doanh nghiệp khu vực tư nhân có mức tăng trưởng bình quân số lao động đạt khoảng 6-8%/năm; tăng trưởng bình quân thu nhập của người lao động đạt khoảng 25-30%/năm; tăng trưởng bình quân mức đóng góp vào ngân sách nhà nước đạt 23-25%/năm.
Để triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần lồng ghép các nội dung, giải pháp phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân với các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, các chương trình mục tiêu của các Bộ, ngành, địa phương liên quan nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần chủ trì theo dõi, khảo sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ hàng năm về tình hình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả Kế hoạch; tổng hợp, xem xét, cân đối và báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí kinh phí chi phí đầu tư phát triển hỗ trợ triển khai thực hiện các giải pháp trong Kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân theo quy định; phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong năm 2019 thiết lập cơ chế phối hợp xác định phân loại doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định từng bước xây dựng hệ thống kết nối liên thông để phân loại doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân trong các chương trình, kế hoạch, đề án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của địa phương và xây dựng lộ trình thực hiện, bố trí nhân lực, ngân sách hàng năm để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp; giao trách nhiệm cho đơn vị đầu mối là Sở Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thực hiện Kế hoạch tại địa phương, kịp thời gửi báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư các vấn đề vướng mắc, phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch để có giải pháp xử lý.