Thời sự
6 tháng đầu năm, xuất khẩu lâm sản đạt hơn 4,3 tỷ USD
Thu Phương - 09/07/2018 16:34
Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu lâm sản 6 tháng tháng đầu năm đạt hơn 4,33 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt hơn 4,33 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vừa qua, tại hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018 của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn đánh giá, ngành lâm nghiệp đã duy trì được thành quả tăng trưởng cao của những năm trước đây.

6 tháng đầu năm sản xuất lâm nghiệp ước đạt gần 13.000 tỷ đồng, tăng trên 12,7% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu cũng gặt hái nhiều thành công với hơn 4,33 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời là ngành xuất siêu cao nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp với giá trị 3,23 tỷ USD.

Kết quả này là nhờ ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm và bám sát các chủ trương của Đảng, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong bảo vệ và phát triển rừng, tái cơ cấu ngành vào trong tổ chức thực hiện. Cùng với đó là sự gắn kết, tham gia mạnh mẽ từ hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến lâm sản.

Với các chỉ tiêu được giao trong năm nay là giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 6-6,5%; giá trị xuất khẩu lâm sản 9 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng 41,65%, Thứ trưởng Hà Công Tuấn tin rằng, ngành lâm nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng sẽ hoàn thành và vượt các chỉ tiêu trên.
Hiện ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển mạnh với nhiều thành phần kinh tế. Đồ gỗ Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 100 nước và vùng lãnh thổ; trong đó, các thị trường chủ yếu là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Để mở rộng thị trường xuất khẩu, ngành lâm nghiệp đã chủ động đàm phán quốc tế, đặc biệt là về quy định gỗ hợp pháp để mở của thị trường và tháo gỡ các khó khăn trong xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tại các thị trường Lào, Campuchia, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và Australia.

Còn về việc giảm thiểu rủi ro xuất khẩu, theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, các doanh nghiệp chế biến cần lưu ý sử dụng nguồn nguyên liệu hợp pháp trong xuất khẩu.

Về lâu dài tiếp tục duy trì và đa dạng hóa nguồn gỗ nhập khẩu, tiếp cận nguồn nguyên liệu từ các thị trường ít rủi ro; đồng thời xây dựng các khu rừng gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ để chủ động hơn về nguồn nguyên liệu thông qua liên kết chuỗi giữa người trồng rừng với công ty chế biến để gia tăng giá trị xuất khẩu.

Tin liên quan
Tin khác