“Mục tiêu đặt ra cho năm 2015 là giảm 5-7 ngân hàng. Trước mắt, tôi chưa thể chia sẻ về thương vụ cụ thể, nhưng không loại trừ một số ngân hàng thương mại có vốn nhà nước sẽ sáp nhập thêm ngân hàng nhỏ, yếu kém”, ông Thanh nói.
Bên cạnh thương vụ sáp nhập SouthernBank vào Sacombank, nhiều ngân hàng yếu kém khác cũng sẽ phải sáp nhập tronbg năm 2015 |
Các trường hợp M&A ngân hàng khác là Vietcombank sẽ sáp nhập thêm Saigonbank. Hiện Vietcombank là cổ đông lớn của Saigonbank với lượng cổ phần nắm giữ hơn 8,2%. Thương vụ sáp nhập này cũng đã được thông qua về mặt chủ trương. Sau khi cổ đông thông qua chủ trương sáp nhập, 2 ngân hàng sẽ trình đề án sáp nhập và chỉ khi NHNN thông qua đề án sáp nhập, thương vụ mới bắt đầu được xúc tiến.
BIDV cũng sẽ sáp nhập thêm một nhà băng khác và thông tin đang lan truyền đối tượng sáp nhập là MHB. VietinBank sáp nhập một ngân hàng nhỏ, từng được xác định là PGBank.
Sức ép Thông tư 36/2014/TT-NHNN bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/2 tới buộc các nhà băng thoái vốn về mức quy định 5% sẽ càng tạo áp lực thúc đẩy làn sóng M&A trong ngành ngân hàng. Vì thế, ngoài các thương vụ trên, thị trường cũng đang ngóng chờ thông tin của nhiều vụ sáp nhập ngân hàng khác sắp được thông qua.
Hiện NHNN đã chấp thuận chủ trương Southern Bank sáp nhập Sacombank, Mekong Bank sáp nhập Maritime Bank. Tuy tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu giữa Southern Bank sang cổ phiếu Sacombank hay Mekong Bank sang Maritime Bank vẫn là một ẩn số, nhưng giữa 2 ngân hàng này có sự chênh lệch khá lớn về cả quy mô, cũng như kết quả sinh lời trong kinh doanh, nhất là trong những năm gần đây. Tuy nhiên, Southern Bank - Sacombank; Mekong Bank - Maritime Bank chung dáng dấp của một chủ sở hữu, nên việc sáp nhập sẽ là cơ hội để xóa tình trạng tỷ lệ cổ phần sở hữu vượt trần mà NHNN đang quyết liệt xử lý trong thời gian này.
Theo NHNN, năm 2015, sẽ có khoảng 6 thương vụ sáp nhập, hợp nhất ngân hàng được thông qua. Vì vậy, không chỉ có nhà băng lớn mà ngân hàng nhỏ cũng đang chủ động tìm kiếm đối tác M&A để tồn tại.
Trong những ngày qua, thông tin về việc Nam A Bank sẽ M&A với một ngân hàng khác có quy mô lớn hơn được thị trường quan tâm. Nhưng đối tác của Nam A Bank là ai và liệu sau M&A, thương hiệu của nhà băng này có còn tồn tại thì vẫn là dấu chấm hỏi.
Chủ trương của NHNN định hướng trong việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành là hết sức quan trọng, kể cả việc M&A giữa các ngân hàng lớn với nhau, nên xu hướng trong thời gian tới, M&A trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng được đánh giá sẽ rất sôi động.
Thùy Vinh