Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.
Đề xuất nâng cấp, cải tạo tuyến đường kết nối Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ
UBND quận Bình Thủy đề xuất nâng cấp, cải tạo đường dẫn của 5 cầu; dặm vá mặt đường một số điểm xuống cấp; sơn kẻ đường toàn tuyến với tổng mức đầu tư trên 44 tỷ đồng.
Đường Võ Văn Kiệt kết nối trung tâm TP. Cần Thơ với Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ |
UBND quận Bình Thủy vừa có tờ trình gửi UBND TP. Cần Thơ, xin ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, cải tạo đường Võ Văn Kiệt (đoạn từ nút giao với đường Nguyễn Đệ đến Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ) thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Theo UBND quận Bình Thủy, tuyến đường Võ Văn Kiệt được xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2012, tổng chiều dài hơn 6,9 km, bề rộng B = (9,0+13,0+6,0+13,0+9,0) = 50 m, kết cấu mặt đường thảm bê tông nhựa nóng; trên tuyến có các cầu giao thông.
Đường Võ Văn Kiệt có vai trò là tuyến đường “đối ngoại”, tuyến đường cảnh quan của quận Bình Thủy và TP. Cần Thơ, nối liền quận Ninh Kiều - trung tâm TP. Cần Thơ đến Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ.
Qua thời gian khai thác sử dụng, đến nay tuyến đường đang có hiện tượng xuống cấp (mặt đường bị lún), mặt nhựa răn nứt, bong tróc, các dốc cầu bị sụp lún.
Đặc biệt, do tình hình biến đổi khí hậu, mực nước tại Cần Thơ tăng dần hàng năm, dẫn đến ngập cục bộ một số vị trí dẫn đến tuyến đường rất mau xuống cấp…
Do đó, việc đầu tư công trình nâng cấp, cải tạo đường Võ Văn Kiệt là rất cấp bách và cần thiết, nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông để tránh tác động bất lợi từ thiên nhiên, cũng như cải thiện môi trường và phát triển bền vững; đồng thời góp phần chỉnh trang cảnh quan trên trục đường mang tính chất đối ngoại của Thành phố.
UBND quận Bình Thủy đề xuất UBND TP. Cần Thơ chấp thuận hỗ trợ kinh phí thực hiện công trình nâng cấp, cải tạo đường Võ Văn Kiệt (Đoạn từ đường Nguyễn Đệ đến Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ) với tổng chiều dài 6.163 m. UBND quận Bình Thủy đưa ra 2 phương án.
Phương án 1 là nâng cấp hoàn chỉnh toàn tuyến (dài 6.163 m), điểm đầu tại đường Nguyễn Đệ và điểm cuối giáp Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ. Tổng mức đầu tư là hơn 198 tỷ đồng.
Ưu điểm của phương án này là đầu tư nâng cấp toàn diện, đảm bảo chống ngập dự phòng cho tương lai; cao độ thiết kế phù hợp với quy hoạch chung của Thành phố; tạo vẽ mỹ quan đô thị, chỉnh trang hoàn chỉnh trục đường mang tính đối ngoại của Thành phố.
Tuy nhiên, phương án này có kinh phí đầu tư cao, rất khó cân đối bố trí vốn trong tình hình hiện tại.
Còn phương án 2 là nâng cấp, cải tạo đường dẫn của 5 cầu (gồm: cầu Bà Bộ, Rạch Súc, Bình Thủy, Rạch Chanh, Rạch Cam); dặm vá mặt đường một số điểm xuống cấp, răn nứt, bong tróc, sụt lún, ngập cục bộ; sơn kẻ đường toàn tuyến. Tổng mức đầu tư trên 44 tỷ đồng.
Phương án 2 có ưu điểm là đầu tư cục bộ những vị trí hư hỏng, sụp lún nhưng vẫn đảm bảo lưu thông tốt, đảm bảo cảnh quan đô thị, cơ bản chỉnh trang hoàn chỉnh trục đường mang tính đối ngoại của Thành phố, thực hiện nhanh, dễ cân đối nguồn vốn để thực hiện.
Nhược điểm của phương án 2 là chưa đáp ứng được cao độ quy hoạch chung của quận, tuy nhiên vẫn đảm bảo điều kiện cao hơn mực nước lũ cao nhất thời điểm hiện tại.
Trên cơ sở phân tích những ưu, nhược điểm của hai phương án, UBND quận Bình Thủy trình UBND TP. Cần Thơ xem xét, chấp thuận hỗ trợ kinh phí thực hiện theo phương án 2.
Ngày 6/9/2021, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ giao Sở Giao thông vận tải xem xét có ý kiến về sự cần thiết đầu tư công trình nói trên theo nội dung đề nghị của UBND quận Bình Thủy, báo cáo đề xuất trình UBND Thành phố xem xét, quyết định.
Phú Yên: Đánh giá lại khả năng cấp nước Nhà máy nước Sông Cầu 2
Thị xã Sông Cầu được định hình là cực tăng trưởng phía Bắc tỉnh Phú Yên; dân số, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp nên nhu cầu dùng nước sạch sẽ tăng cao.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế đã có ý kiến chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Tuy An và các cơ quan kiểm tra, đánh giá lại khả năng cấp nước của Dự án Nhà máy nước Sông Cầu 2 do Công ty Cổ phần Đô thị Sinh thái Việt Nam làm chủ đầu tư.
Chỉ đạo dựa trên dựa theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư (tại Báo cáo số 269/BC-SKHĐT ngày 16/8/2021) về kết quả thẩm định chủ trương đầu tư dự án của Công ty Cổ phần Đô thị Sinh thái Việt Nam.
Đối với dự án Nhà máy nước Sông Cầu 2 và Công ty Cổ phần Đô thị Sinh thái Việt Nam, ông Trần Hữu Thế yêu cầu các Sở, ngành liên quan đánh giá về khả năng cấp nước cho dự án nêu trên và đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; tổng hợp, báo cáo tham mưu đề xuất cho UBND tỉnh xem xét, quyết định. Thời gian thực hiện hoàn thành trước ngày 25/9/2021.
Tại Sông Cầu, hiện Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Phú Yên đang vận hành nhà máy nước Sông Cầu công suất 5.000 m3/ngày. Theo quy hoạch mạng lưới cấp nước Phú Yên đến năm 2025, sẽ nâng công suất Nhà máy nước thị xã Sông Cầu từ 5.000 m3/ngày đêm lên 8.000 m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu dùng nước cho thị xã Sông Cầu là đô thị loại 3 vào năm 2025 (cấp nước các phường nội thị, xã Xuân Phương và xã Xuân Thọ 1). Đến năm 2030 khi nhu cầu dùng nước tăng, tiếp tục đầu tư xây dựng Nhà máy nước mới phía nam thị xã Sông Cầu công suất 10.000 m3/ngày đêm, cung cấp nước cho các khu vực còn lại.
Cùng với đó, sẽ nâng công suất Nhà máy nước khu vực Đông Bắc Sông Cầu từ 900 m3/ngày đêm lên 5.000 m3/ngày đêm, cấp nước toàn bộ các xã khu vực phía Bắc thị xã Sông Cầu và Khu Công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu. Đến năm 2030 tiếp tục nâng công suất Nhà máy nước khu vực Đông Bắc Sông Cầu từ 5.000 m3/ngày đêm lên 8.000 m3/ngày đêm.
Bộ GTVT lên tiếng về việc bố trí vốn cho các dự án giao thông tại Quảng Trị
Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT đã ưu tiên cân đối 10.812 tỷ đồng cho các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Bộ GTVT vừa có công văn số 9334/BGTVT – KHĐT gửi UBND tỉnh Quảng Trị đầu tư xây dựng hoàn thành 4,2 km còn lại của đường tránh phía Đông Tp. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
Tại công văn này, Bộ GTVT cho biết, trong thời gian vừa qua hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã được Đảng, Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT ưu tiên đầu tư nhiều công trình, Dự án bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác như: cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 9; cải tạo, nâng cấp luồng vào cảng Cửa Việt; các dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ thị xã Đông Hà đến thị xã Quảng Trị; tuyến tránh QL.1 đoạn qua thị xã Quảng Trị; cầu An Tiêm trên Quốc lộ 49C; 3 công trình thuộc Đề án đầu tư xây dựng cầu treo dân sinh; 16 tuyến với tổng chiều dài 53,3km và 42 cầu thuộc Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP); Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, đoạn Cam Lộ - La Sơn.
Trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025, Bộ GTVT đã báo cáo cấp có thẩm quyền ưu tiên các dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Đồng thời, Bộ GTVT đã giao các cơ quan, đơn vị lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các Dự án đường tránh phía Đông Tp. Đông Hà; Dự án nâng cấp Quốc lộ 15D đoạn từ Quốc lộ 1 1 đến cao tốc Cam Lộ - La Sơn và đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đến cửa khẩu La Lay; Dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống đê chắn cát luồng Cửa Việt để dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Bộ GTVT cho biết, để đáp ứng các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng của Ngành trong giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 462.031 tỷ đồng, tuy nhiên, các cơ quan chức năng hiện chỉ cân đối bố trí cho Bộ GTVT 221.428 tỷ đồng vốn trong nước và 31.267 tỷ đồng vốn nước ngoài.
Do vậy, sau khi bố trí đầy đủ vốn xử lý các khoản nợ đọng thuộc trách nhiệm của NSNN và hoàn thành các dự án chuyển tiếp, số vốn được phân bổ chỉ đủ để đầu tư nối thôngt oàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, một số rất ít các tuyến đường bộ cao tốc quan trọng khác và một số ít các dự án mang tính động lực, một số công trình cấp bách, điểm nghẽn thuộc các chuyên ngành giao thông khác.
Giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, Bộ GTVT đã ưu tiên cân đối 10.812 tỷ đồng cho các dự án: triển khai hoàn thành Dự án thành phần đoạn Cam Lộ - La Sơn (khoảng 4.677 tỷ đồng); khởi công mới Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ (phần hỗ trợ từ NSNN 5.295 tỷ đồng); Dự án đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà (tổng mức đầu tư khoảng 400 tỷ đồng); nâng cấp Quốc lộ 9 đoạn từ Cảng Cửa Việt đến Quốc lộ 1 (khoảng 440 tỷ đồng).
Hiện Bộ GTVT đã tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc chưa cân đối được nguồn vốn để đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 cho nhiều công trình cấp bách, mất an toàn giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, trong đó có các dự án chưa cân đối được nguồn vốn trên địa bàn tỉnhQuảng Trị và sẽ xem xét, xử lý khi cân đối được nguồn lực.
Đối với đoạn từ điểm đầu tuyến tránh phía Đông Tp. Đông Hà đến giao với Quốc lộ 9, theo dự kiến ban đầu Bộ GTVT chỉ cân đối được khoảng 333t ỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Tuy nhiên, trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ý kiến của UBND tỉnh Quảng Trị , Bộ GTVT đã phải cắt giảm các dự án khác để bố trí đủ vốn cho Dự án đường tránh phía Đông – T. Đông Hà là 400 tỷ đồng để triển khai thực hiện.
Bộ GTVT ghi nhận đề nghị của UBND tỉnh Quảng Trị về việc đầu tư đường tránh phía Đông Tp. Đông Hà đoạn từ Nam cầu Sông Hiếu đến đường Nguyễn Hoàng dài khoảng 4km và sẽ tiếp tục vận động, tìm kiếm nguồn vốn để sớm triển khai đầu tư đoạn tuyến nêu trên
Đồng Tháp: Đề xuất Dự án thực phẩm nông nghiệp an toàn, vốn trên 457 tỷ đồng
UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có Công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Dự án thực phẩm nông nghiệp an toàn tỉnh Đồng Tháp, từ nguồn vốn ODA vay của Ngân hàng Thế giới.
Quy mô và nội dung đầu tư của dự án dự kiến gồm 4 hợp phần. Đó là hợp phần “Nâng cao năng lực cho vùng sản xuất tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP)”; hợp phần “Nâng cao năng lực chế biến và tiêu thụ đảm bảo ATTP”; hợp phần “Nâng cao năng lực quản lý ATTP” và hợp phần “Quản lý dự án”.
Dự án sẽ đầu tư hạ tầng công từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ thực phẩm cho vùng sản xuất cây ăn trái an toàn tập trung trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp |
Mục tiêu đầu tư dự án nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng và giảm rủi ro ATTP trong các chuỗi giá trị (thịt, cá, rau màu, cây ăn quả...) từ sản xuất đến tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Nâng cao năng lực về quản lý và cảnh báo nguy cơ rủi ro ATTP, hướng tới phát triển hệ thống sản xuất nguyên thực phẩm bền vững, kết hợp các vùng sản xuất cây ăn trái trọng điểm theo hướng thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và đa dạng các hoạt động kinh tế, tạo dựng hình ảnh ẩm thực du lịch thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Địa điểm thực hiện dự án: tập trung đầu tư hạ tầng công từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ thực phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cho 3 vùng sản xuất rau an toàn chuyên canh tập trung, 5 vùng sản xuất cây ăn trái an toàn tập trung (xoài, nhãn, cây có múi...), 2 vùng sản xuất chanh, 2 khu chăn nuôi trọng điểm, 1 vùng chuyên canh nuôi cá sặc rằn tại xã Láng Biển, 1 chợ đầu mối kết hợp Trung tâm logistics, 1 trung tâm sản xuất giống cây ăn trái; 2 phòng thí nghiệm phân tích nguy cơ ATTP, 1 trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông và chẩn đoán xét nghiệm điều trị bệnh động vật; 4 phòng Phòng xét nghiệm nhanh các chỉ tiêu ATTP tại chợ đầu mối và chợ truyền thống.
Dự án cũng sẽ đầu tư nâng cấp cơ sở dữ liệu ATTP cho tỉnh Đồng Tháp và xây dựng và triển khai chương trình giám sát cảnh báo rủi ro ATTP và chương trình truyền thông nguy cơ ATTP và sự tham gia của người tiêu dùng.
Tổng mức vốn đầu tư của dự án là 457,440 tỷ đồng, tương đương 19,466 triệu USD. Cơ cấu nguồn vốn: Vốn ODA/vốn vay ưu đãi là 368,295 tỷ đồng (trong đó, vốn cấp phát (Trung ương) là 184,1475 tỷ đồng, vốn Tỉnh vay lại 184,1475 tỷ đồng); vốn đối ứng của Tỉnh 65,145 tỷ đồng; vốn tư nhân 24 tỷ đồng.
UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét, chấp thuận đề xuất Dự án để vận động từ nguồn vốn ODA vay của ngân hàng Thế giới (WB) và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt danh mục dự án Dự án thực phẩm nông nghiệp an toàn tỉnh Đồng Tháp, sử dụng từ nguồn vốn ODA vay của Ngân hàng Thế giới để triển khai dự án phù hợp với quy định hiện hành về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Đây là dự án nhóm B, công trình nông nghiệp và hát triển nông thôn cấp II. Cơ quan chủ quản là UBND tỉnh Đồng Tháp. Chủ dự án (dự kiến) là Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp.
Ninh Thuận kiến nghị thay thế 4.600 MW điện hạt nhân bằng điện khí LNG
Ninh Thuận kiến nghị thay thế quy mô 4.600 MW điện hạt nhân Ninh Thuận trong Quy hoạch điện VII bằng điện khí LNG cập nhật trong Quy hoạch điện VIII.
UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị thay thế quy mô 4.600 MW điện hạt nhân Ninh Thuận trong Quy hoạch điện VII bằng điện khí LNG cập nhật trong Quy hoạch điện VIII.
UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận thay thế quy mô công suất 4.600MW điện hạt nhân Ninh Thuận được phê duyệt trong quy hoạch điện VII bằng điện khí LNG thực hiện tại Trung tâm điện lực LNG Cà Ná và cập nhật trong Quy hoạch điện VIII giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045, làm cơ sở để tỉnh Ninh Thuận triển khai thực hiện các Dự án điện khí LNG tại Trung tâm điện lực LNG Cà Ná trong thời gian tới.
Việc phát triển điện khí LNG Cà Ná sẽ là động lực quan trọng và quyết định cho yêu cầu thay thế kịch bản tăng trưởng kinh tế - xã hội của Ninh Thuận sau khi có chủ trương dừng xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Tại Quyết định số 428, ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ xác định phát triển điện hạt nhân có công suất 4.600 MW trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên, hiện nay điện hạt nhân đã dừng thực hiện theo chủ trương tại Nghị quyết số 31/2016 của Quốc hội.
Do đó, việc thay thế phần quy mô công suất điện hạt nhân này thành công suất 4.600 MW điện khí LNG Cà Ná trong quy hoạch điện VIII giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 là cần thiết, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đúng quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã ban hành kế hoạch về việc triển khai thực hiện dự án Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW.
Ngày 13/9/2021, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Quyết định điều chỉnh tiến độ đầu tư dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW (điều chỉnh Quyết định số 2162 ngày 8/12/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận). Theo đó, tiến độ đầu tư dự án được điều chỉnh: “Hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và khởi công dự án trong quý II/2022; Hoàn thành xây dựng và đưa dự án vào hoạt động trong quý II/2026”.
Đồng Tháp được phép chuyển 31,41 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp
Ngày 13/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Văn bản số 1155/TTg-NN về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Đồng Tháp được phép chuyển 31,41 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp |
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận UBND tỉnh Đồng Tháp quyết định chuyển mục đích sử dụng 31,41 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp như ý kiến thẩm định và nội dung trình của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 3791/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 12/7/2021 về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng đất trồng lúa và các pháp luật khác có liên quan; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ về quyết định thực hiện Dự án và việc tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai; thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật, thực hiện dự án bảo đảm đúng thẩm quyền, thực hiện đúng và đủ quy định của pháp luật đất đai cũng như quy định của pháp luật khác liên quan và ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu tại Công văn trên.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi, giám sát và hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo quy định của pháp luật.
Tập đoàn xe đạp GIANT (Đài Loan) sắp có dự án đầu tiên tại Việt Nam
Nhà đầu tư Đài Loan dự kiến xây dựng nhà máy ở Bình Dương, với vốn đầu tư giai đoạn I là 50 triệu USD.
Tập đoàn sản xuất xe đạp lớn nhất thế giới GIANT (Đài Loan), với năng lực sản xuất 6,5 triệu chiếc/năm, vừa công bố kế hoạch đầu tư Dự án nhà máy sản xuất đầu tiên tại Việt Nam.
Dự kiến nhà máy tại Việt Nam sẽ đi vào hoạt động từ năm 2023, sử dụng trên 500 lao động. |
Dự án dự kiến đặt tại tỉnh Bình Dương, nơi được cho là có chuỗi cung ứng linh phụ kiện xe đạp khá hoàn chỉnh của Việt Nam.
Dự án sắp tới của GIANT được xây dựng trên diện tích khoảng 10 ha, tổng vốn đầu tư giai đoạn I là trên 50 triệu USD và sẽ tăng thêm tùy theo tình hình thực tế. Sản phẩm sẽ dành cho xuất khẩu tới hai thị trường trọng điểm là Mỹ và châu Âu.
Theo đại diện của GIANT, Việt Nam với quy mô dân số 100 triệu người, đa số là người trẻ, cũng là thị trường nội địa rất tiềm năng. Ngoài ra, các sản phẩm của GIANT sản xuất tại Việt Nam khi cung cấp cho thị trường ASEAN 600 triệu dân đều được hưởng các ưu đãi về thuế quan.
Đây chính là một trong những nguyên nhân để GIANT quyết định đầu tư vào Việt Nam. Dự kiến nhà máy tại Việt Nam sẽ đi vào hoạt động từ năm 2023, sử dụng trên 500 lao động. Nhà máy này sẽ giúp nâng công suất sản xuất của GIANT trên toàn cầu lên gần 8 triệu sản phẩm/năm.
GIANT là nhà sản xuất xe đạp hàng đầu của Đài Loan và thế giới. Được thành lập vào năm 1972, đến nay GIANT đã có 15 nhà máy tại Đài Loan, Hà Lan, Trung Quốc và Hungary.
Năm 2020, sản lượng của GIANT trên toàn cầu đạt 6,5 triệu chiếc, tăng gần gấp 2 lần năm 2018 với chỉ khoảng 3,7 triệu chiếc. Doanh thu năm 2020 tại Đài Loan cũng ở mức kỉ lục với 70 tỷ đài tệ (khoảng 2,7 tỷ USD).
Việc GIAN quyết định đầu tư sang Việt Nam trong bối cảnh Covid-19 cho thấy nhà đầu tư này thực sự đánh giá cao điểm đến đầu tư Việt Nam.
Những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư Đài Loan cũng đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến và tăng cường đầu tư . Foxconn, Luxshare, Winston, Pegatron… đều đã và đang tăng cường đầu tư vào Việt Nam, với các dự án quy mô lớn.
Theo Bộ kinh tế Đài Loan, Việt Nam là một trong 5 quốc gia và vùng lãnh thổ doanh nghiệp Đài Loan đầu tư ra nước ngoài nhiều nhất (sau Hungary, B.V.I, Hồng Kông, Mỹ) trong năm 2020.
Trong khu vực ASEAN, đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam lũy kế chiếm khoảng 55%, vượt xa vị trí thứ hai là Indonesia chỉ chiếm khoảng 23%.
Bộ Kinh tế Đài Loan nhận định, năm 2021, nếu Chính phủ Việt Nam xem xét nới lỏng việc cho phép các doanh nhân, nhà đầu tư Đài Loan đi Việt Nam khảo sát đầu tư, thì các dự án đầu tư mới sẽ còn tăng nhiều hơn năm 2020.
8 tháng đầu năm, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp Đài Loan đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam trên 1,1 tỷ USD. Đài Loan đứng thứ 6 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam trong 8 tháng qua.
Phú Yên: Đấu giá 41 mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường
41 mỏ khoảng sả, vật liệu xây dựng trải đều ở 8 huyện, thị xã của tỉnh Phú Yên. Trong đó, huyện Tây Hoà giàu khoáng sản, vật liệu nhất với 8 vị trí mỏ vật liệu.
Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên vừa phê duyệt việc đấu giá quyền khai thác 41 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, san lấp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
Các mỏ khoáng sản được đấu giá có diện tích hơn 400 ha bao gồm diện tích đất do nhà nước và cá nhân, hộ gia đình quản lý. Trong đó, 21 mỏ đất làm vật liệu san lấp, 8 mỏ đá vật liệu xây dựng, 12 mỏ cát xây dựng và sét gạch. Thời gian thực hiện đấu giá và khai thác là trong năm 2021 và các năm tiếp theo.
Trong đó, thị xã Đông Hoà có 5 điểm mỏ; Huyện Tây Hoà có 8 điểm mỏ; huyện Sông Hinh có 6 điểm mỏ; huyện Sơn Hoà có 3 điểm mỏ; huyện Phú Hoà có 4 điểm mỏ; Huyện Tuy An có 5 điểm mỏ; Huyện Đồng Xuân có 6 điểm mỏ; Huyện Sông Cầu có 4 điểm mỏ.
Việc đấu giá quyền khai thác các mỏ khoáng sản làm căn cứ pháp lý cho việc lập thủ tục cấp giấy phép hoạt động khoáng sản theo quy định, đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng giữa các nhà đầu tư; đồng thời cũng là để quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng, san lấp trên địa bàn.
Các khu vực khoáng sản được đấu giá phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn của tỉnh đến năm 2020 định hướng đến năm 2030.
Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên giao Sở Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ xác định vị trí, diện tích, đánh giá sơ bộ trữ lượng, lựa chọn tổ chức đấu giá theo quy định; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố bổ sung các khu vực mỏ đấu giá vào kế hoạch sử dụng đất của địa phương, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức và triển khai hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Đồng thời, Phú Yên cũng loại bỏ 7 khu vực với hơn 31 ha nằm trong danh mục khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản để đưa vào đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định.
Vĩnh Long thực hiện 6 biện pháp nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh
Để tiếp tục cải thiện chỉ số PCI của Vỉnh Long, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long chỉ thị các cấp, các ngành và địa phương tập trung thực hiện tốt 6 nội dung quan trọng.
Ngày 14/9, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời đã ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Vĩnh Long.
Khu công nghiệp Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long |
Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, kết quả khảo sát điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp cảm nhận, đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh của Tỉnh vẫn còn một số mặt chưa tốt, thể hiện ở các lĩnh vực có chỉ số thành phần tụt giảm điểm số hoặc thứ hạng.
Do đó, tỉnh Vĩnh Long cần nỗ lực nhiều hơn để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, thu hút nhiều nhà đầu tư đến Vĩnh Long. Đồng thời, phải quyết liệt hơn trong việc khắc phục những hạn chế nhằm cải thiện cả về điểm số và thứ hạng đối với các chỉ số trong thời gian tới.
Để tiếp tục cải thiện chỉ số PCI của Tỉnh trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long chỉ thị các cấp, các ngành và địa phương tập trung thực hiện tốt 6 nội dung quan trọng.
Đó là, tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của các sở, ban, ngành và các đơn vị được phân công chủ trì cải thiện chỉ số PCI và từng chỉ số PCI thành phần.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong giải quyết khó khăn, hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp.
Đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Tăng cường kiểm tra để thực hiện ngày càng tốt hơn tính minh bạch, giảm chi phí không chính thức, tạo cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp.
Tăng cường gặp gỡ, đối thoại, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố xem việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước UBND Tỉnh, Chủ tịch UBND Tỉnh về kết quả cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên lĩnh vực, địa bàn quản lý.
Theo kết quả công bố PCI năm 2020, tỉnh Vĩnh Long đạt 69,34 điểm và đứng vị trí thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (giảm 3 bậc so với năm 2019); xếp hạng 3 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (sau tỉnh Đồng Tháp và Long An).
Đề án Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030: Mục tiêu điện đi trước
Dự thảo Đề án Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 đã được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi với mục tiêu sẽ trình Chính phủ ngay trong tháng 9 này.
Dự thảo Đề án Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Đề án Quy hoạch điện VIII), sau khi được Bộ Công thương hoàn tất rà soát, cập nhật tình hình mới, đã được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi với mục tiêu sẽ trình Chính phủ ngay trong tháng 9 này.
Điểm rất đáng chú ý là dù Dự thảo có tính chuyên ngành và tính kỹ thuật cao, nhưng lại nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp (với 681 ý kiến gửi tới Bộ Công thương hồi tháng 2/2021). Ngoài 141 ý kiến từ các bộ, ngành, các đơn vị của Bộ Công thương có 89 ý kiến; các đơn vị ngành điện cũng nhiệt tình đóng góp tới 254 ý kiến; UBND, Sở Công thương các tỉnh có 117 ý kiến; các chuyên gia phản biện có 80 ý kiến. Số còn lại đến từ một số đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp quan tâm tới lĩnh vực năng lượng…
Thực tế trên cho thấy sự quan trọng của điện trong nền kinh tế, nhất là khi xu hướng số hoá đã trở thành hiện thực hay làm việc online diễn ra liên tục trong điều kiện Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Nhưng cũng chính bởi vai trò quan trọng của điện, mà việc cân đối cung - cầu, tối ưu hoá hệ thống về mặt kỹ thuật lẫn kinh tế phải được tính toán cẩn trọng, để không gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Trong bản cập nhật Dự thảo mới nhất, đã có 7.700 MW điện được rút ra so với với phương án được trình hồi tháng 3/2021. Nguồn điện bị giảm tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và nhập khẩu điện từ Lào, với mức giảm gần 10.000 MW, trong khi nguồn điện than sẽ tăng thêm khoảng 3.076 MW với mục tiêu bù lại sản lượng điện thiếu hụt.
Rất nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm nguồn năng lượng tái tạo là chưa phù hợp với xu hướng thế giới. Thế nhưng, để chọn phương án phù hợp nhất cho Việt Nam thì phải nhìn vào thực tế hệ thống điện Việt Nam lẫn sức chịu đựng của nền kinh tế và doanh nghiệp.
Tính tới cuối năm 2020, công suất nguồn năng lượng tái tạo (chủ yếu là điện mặt trời và phong điện) là 17.369 MW, chiếm xấp xỉ 25% tổng công suất nguồn điện cả nước. Tuy vậy, sản lượng điện huy động được từ năng lượng tái tạo mới chiếm hơn 4% tổng sản lượng điện sản xuất. Tám tháng đầu năm 2021, tỷ trọng này tăng lên 11%, nhưng đi kèm với đó là những nguy cơ tiềm ẩn về an ninh năng lượng.
Sự đổ bộ thần tốc của điện mặt trời, điện gió với cơ chế giá mua ưu đãi cũng đã phá vỡ cân bằng vùng miền, gây ra hiện tượng thừa nguồn tại khu vực miền Trung và miền Nam.
Bộ Công thương cũng đã thẳng thắn thừa nhận, dù tổng công suất lắp đặt hệ thống điện đảm bảo đáp ứng nhu cầu phụ tải cực đại của toàn quốc, nhưng mức độ dự phòng công suất khả dụng của hệ thống khá thấp, nên việc vận hành còn gặp nhiều khó khăn. Kèm theo đó, việc phát triển lưới điện chưa theo kịp phát triển nguồn điện đã dẫn tới tình trạng nghẽn mạch trên lưới truyền tải và cắt giảm công suất nguồn năng lượng tái tạo.
Câu chuyện thừa nguồn cả nước, nhưng vẫn thiếu điện ở miền Bắc, trên thực tế đã diễn ra tại một số thời điểm trong mùa hè 2021. Trong khi đó, miền Trung và miền Nam càng có xu hướng dư thừa điện khi công suất lắp đặt tăng thêm tại hai khu vực này trong giai đoạn 2021-2030 cao hơn so với mức tăng nhu cầu phụ tải theo mức tương ứng là 294% và 91%.
Đáng tiếc là điều này chưa được làm rõ trong Dự thảo Đề án hồi tháng 3/2021 để từ đó kiên quyết rút bớt Dự án nguồn điện ra khỏi Dự thảo Đề án Quy hoạch điện VIII. Bởi vậy trong lần rà soát này, câu chuyện giảm/giãn mật độ phát triển dự án điện đã được chú ý nhiều hơn.
Thực tế triển khai Quy hoạch điện VII điều chỉnh giai đoạn 2016-2020 đã cho thấy, công tác điều hành, quản lý việc thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế, thiếu quyết liệt và chưa có giải pháp kịp thời thúc đẩy các dự án nguồn điện vào đúng tiến độ. Quá trình điều hành còn thiếu chặt chẽ, chưa có chế tài xử lý chủ đầu tư các dự án nguồn điện lớn, có vai trò quan trọng bị chậm tiến độ. Nhiều quy định pháp luật về quy hoạch, về đầu tư còn chồng chéo, vướng mắc và không có giải pháp tháo gỡ.
Việc một số địa phương hoặc một số chủ đầu tư không tuân thủ nghiêm quy hoạch đã được phê duyệt đã làm cho hệ thống điện phát triển mất cân đối, ảnh hưởng tới an ninh cung cấp điện. Đó là chưa kể thực tế nhiều công trình lưới điện truyền tải đi qua địa bàn tỉnh, nhưng không mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho địa phương đó, nên cũng không nhận được sự đồng thuận, khiến nhiều dự án không đạt hiệu quả như kỳ vọng ban đầu.
Bởi vậy, Quy hoạch điện VIII khi được phê duyệt cũng mới chỉ là khởi đầu cho chặng đường đầy khó khăn để thực hiện mục tiêu điện đi trước một bước, phải tối ưu hóa và để đáp ứng nhu cầu về năng lượng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Quảng Ngãi: Đề xuất bổ sung phương án đấu nối thủy điện Đắk Re1A và Đăk Re 3
Nếu hai dự án thuỷ điện này được xây dựng thành công, hệ thống sông Đăk Re từ Kon Tum chảy vào địa bàn Quảng Ngãi qua huyện Ba Tơ sẽ có đến 4-5 nhà máy thuỷ điện.
Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ký văn bản đề xuất Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt bổ sung phương án đấu nối cụm Dự án thủy điện Đăk Re 1A và Đăk Re 3 vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, làm cơ sở triển khai các bước thủ tục tiếp theo.
Dự án thủy điện Đăk Re 1a và Đăk Re 3 có tổng công suất 25,5 MW tại huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) đã được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện nhỏ tỉnh Quảng Ngãi.
Theo chủ đầu tư Công ty CP thủy điện Ba Tơ, đơn vị này đã phối hợp với tư vấn tiến hành khảo sát và đề xuất phương án đấu nối bổ sung: Xây dựng trạm biến áp 220/35/10kV tại nhà máy thủy điện Đăk Re 3 công suất 63MVA vận hành năm 2025.
Xây dựng đường dây 220kV mạch kép đấu nối cụm thủy điện Đăk Re 1A và Đăk Re 3 chuyển tiếp trên mạch đường dây 220kV Thượng Kon Tum – Quảng Ngãi, dây dẫn AC330mm2, chiều dài 1,5km, vận hành 2025.
Xây dựng đường dây 35kV mạch đơn Đăk Re 1A và Đăk Re 3 tiết diện AC 120mm2 dài 6km và máy biến áp nâng áp 6.3/35 kV, công suất 12,5 MVA tại nhà máy thủy điện Đăk Re 1A.
Theo ý kiến của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia tại Công văn số 3387/EVNNPT-KH+KT ngày 24/8/2021, phương án đấu nối cụm thủy điện Đăc Re 1A và Đăk Re 3 đấu nối chuyển tiếp trên 1 mạch đường dây 220 kV Thượng Kon Tum – Quảng Ngãi khả thi về kinh tế-kĩ thuật, không gây quá tải cho đường dây 220kV Thượng Kon Tum – Quảng Ngãi trong điều kiện vận hành bình thường.
Tuy nhiên, phương án đấu nối này chưa được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện lực quốc gia.
Bình Định sẽ đồng loạt đầu tư 5 dự án giao thông trọng điểm
Ban Quản lý Dự án Giao thông tỉnh Bình Định đang cấp tốc triển khai công tác chuẩn bị phương án giải phóng mặt bằng để Bình Định đồng loạt đầu tư 5 dự án giao thông trọng điểm.
Theo Ban Quản lý Dự án Giao thông tỉnh Bình Định, đây là 5 dự án tỉnh đang triển khai thủ tục đầu tư xây dựng liên quan đến các huyện: Tây Sơn, Tuy Phước, Phù Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, thị xã An Nhơn và TP. Quy Nhơn.
Đó là: Dự án xây dựng tuyến đường ven biển (ĐT.639), đoạn từ Quốc lộ 1D đến Quốc lộ 19 mới, có quy mô chiều dài tuyến 4,3 km, bề rộng nền đường 29m. Dự án này Ban GPMB tỉnh Bình Định được UBND tỉnh giao nhiệm vụ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Hiện Ban QLDA Giao thông tỉnh đã bàn giao cọc GPMB đoạn từ Quốc lộ 1D đến đường sắt cho Ban GPMB tỉnh Bình Định và đang chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ thiết kế cơ sở để xác định số hộ dân bị giải tỏa, từ đó phối hợp với Ban GPMB tỉnh đề xuất vị trí xây dựng khu tái định cư cho dự án.
Dự án xây dựng tuyến đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại có quy mô chiều dài tuyến 9,4 km, bề rộng nền đường 22m; UBND thị xã An Nhơn, UBND huyện Tuy Phước được tỉnh Bình Định giao GPMB. Ban QLDA Giao thông tỉnh đang triển khai công tác cắm cọc giải phóng mặt bằng ngoài hiện trường để sớm bàn giao cho địa phương thực hiện trong tháng 9/2021. Sắp tới, chủ đầu tư sẽ làm việc với các địa phương kiểm tra thực địa và đề xuất vị trí tái định cư.
Dự án xây dựng tuyến đường kết nối đường phía Tây tỉnh (ĐT.638) với đường ven biển (ĐT.639), trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn có quy mô chiều dài tuyến 7 km, bề rộng nền đường 22m; UBND thị xã Hoài Nhơn được tỉnh giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng. Theo báo cáo, chủ đầu tư đang tiến hành cắm cọc giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao cho địa phương thực hiện trong tháng 9/2021; đồng thời thỏa thuận với Bộ GTVT về các vị trí giao cắt giữa tuyến với QL1 và đường sắt Bắc Nam. Về công tác tái định cư, Dự án sẽ xây dựng 02 khu tái định cư thuộc phường Hoài Thanh Tây và phía sau đồn biên phòng Tam Quan Nam.
Dự án xây dựng tuyến đường kết nối đường phía Tây tỉnh (ĐT.638) đến đường ven biển (ĐT.639), trên địa bàn huyện Phù Mỹ; có quy mô chiều dài tuyến 19,2 km, bề rộng nền đường 12m; UBND huyện Phù Mỹ được UBND tỉnh giao nhiệm vụ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư đang tiến hành cắm cọc GPMB để sớm bàn giao cho địa phương thực hiện; đồng thời thỏa thuận với Bộ GTVT về các vị trí giao cắt giữa tuyến với QL1 và đường sắt Bắc Nam. Về công tác tái định cư, Chủ đầu tư sẽ làm việc với các địa phương kiểm tra thực địa và đề xuất vị trí tái định cư.
Đối với Dự án xây dựng tuyến đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn có quy mô chiều dài tuyến 18 km, bề rộng nền đường 12m. Hiện UBND huyện Tây Sơn được UBND tỉnh Bình Định giao nhiệm vụ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Hiện nay, Ban QLDA Giao thông đang tiến hành cắm cọc giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao cho địa phương thực hiện; đồng thời chuẩn bị về thủ tục đấu nối tuyến đường với QL19. Về công tác tái định cư, chủ đầu tư sẽ phối hợp với UBND huyện Tây Sơn đề xuất vị trí xây dựng khu tái định cư cho dự án.
Theo ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, hoàn thiện hệ thống giao thông đồng bộ là một trong những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của nhiệm kỳ 2021-2025; nhằm tạo điều kiện khai thác tiềm năng lợi thế trên địa bàn, kết nối các vùng động lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.
“Để việc đầu tư 5 dự án này được hiệu quả, Bình Định sẽ thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh. Trước mắt, yêu cầu các cấp, các ngành hữu quan tập trung triển khai công tác chuẩn bị 5 dự án, phấn đấu đến cuối tháng 12/2021 phải khởi công ít nhất là 1 dự án, còn lại các dự án sẽ khởi công trong quý I năm 2022”.
Đề nghị giao Đồng Tháp là cơ quan có thẩm quyền cao tốc An Hữu - Cao Lãnh
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa vừa ký Công văn gửi UBND tỉnh Tiền Giang về việc thống nhất giao tỉnh Đồng Tháp là cơ quan có thẩm quyền của dự án cao tốc An Hữu-Cao Lãnh.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, từ khi đoạn tuyến cao tốc phía Tây: Cao Lãnh - Vàm Cống - Rạch Sỏi đưa vào hoạt động, lưu lượng phương tiện qua lại trên tuyến Quốc lộ 30 đoạn An Hữu (Tiền Giang) - Cao Lãnh (Đồng Tháp) tăng đột biến, gây ách tắc, quá tải cho tuyến đoạn tuyến quốc lộ này, trong khi hiện trạng tuyến Quốc lộ 30 An Hữu - Cao Lãnh qua nhiều lần nâng cấp nhưng mặt đường còn nhỏ, hẹp, chỉ 2 làn xe lưu thông, không đáp ứng lưu lượng xe lưu thông ngày càng tăng trên tuyến.
Dự án cao tốc An Hữu - Cao Lãnh đóng vai trò quan trọng kết nối với mạng lưới giao thông trong khu vực |
Do đó, việc đầu tư xây dựng mới đoạn tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, kết nối giữa trục cao tốc phía Đông với trục cao tốc phía Tây là nhu cầu rất cấp thiết.
UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh và đã trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định, để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, Dự án được đề xuất thực hiện theo phương thức hợp tác đối tác công tư (PPP).
“Để chủ động trong việc đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện, hoàn thành Dự án trong thời gian sớm nhất, phát huy lợi thế từ Dự án mang lại, tạo động lực cho cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực, UBND tỉnh Đồng Tháp rất mong UBND tỉnh Tiền Giang ủng hộ việc sớm triển khai thực hiện Dự án đường bộ cao tốc An Hữu - Cao Lãnh (theo phương thức PPP, với quy mô, hướng tuyến theo đề xuất tại Tờ trình số 2341/PMUMT-KHTH ngày 23/8/2021 của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận); đồng thời thống nhất giao UBND tỉnh Đồng Tháp là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định thực hiện đối với Dự án để triển khai thực hiện các bước tiếp theo”, UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị.
Theo Tờ trình 2341/PMUMT-KHTH ngày 23/8/2021 của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận gửi Bộ Giao thông vận tải về thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, Dự án này có điểm đầu tại nút giao An Thái Trung, kết nối với đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thuộc địa phận huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang; điểm cuối kết nối với đường Tỉnh 856 tại TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Tổng chiều dài tuyến khoảng 33,8 km, trong đó đoạn đi qua địa phận tỉnh Tiền Giang là 8,4 km và tỉnh Đồng Tháp là 25,4 km.
Theo quy hoạch, tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh có quy mô 4 làn xe, mặt cắt ngang 24,75 m, vận tốc thiết kế 100 km/h, với tổng mức đầu tư 9.508 tỷ đồng. Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, Dự án được phân kỳ theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 Dự án sẽ xây dựng với quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, vận tốc 80 km/h, chiều rộng mặt cắt ngang 17 m, với tổng mức đầu tư là 6.944 tỷ đồng.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị Bộ Giao thông vận tải triển khai Dự án cao tốc An Hữu - Cao Lãnh theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Trong đó, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách chiếm 50% tổng mức đầu tư (3.472 tỷ đồng).
Tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh khi hoàn thiện sẽ kết nối các tuyến Quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam phía Đông (cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau), cao tốc Bắc - Nam phía Tây (đường N2 - Mỹ An - Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi) tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
Đà Nẵng yêu cầu đẩy nhanh các dự án giao thông trọng điểm
Thành phố Đà Nẵng yêu cầu các Ban quản lý và đơn vị thi công các dự án giao thông trọng điểm phải chịu trách nhiệm về việc chậm trễ tiến độ của dự án.
Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Thông báo số 05/TB-HĐND về kết luận của Thường trực HĐND tại phiên họp thường kỳ tháng 8/2021.
Tuyến đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan chậm tiến độ so với quy định. |
Liên quan đến nội dung triển khai một số Dự án trọng điểm về giao thông như đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan, Đường vanh đai phía Tây, Đường vành đai phía Tây 2, Đường ĐT601, Đường ĐH2 và triển khai các khu tái định cư phục vụ giải tỏa các tuyến đường nêu trên; HĐND TP.Đà Nẵng đề nghị tăng cường trách nhiệm của Giám đốc các Ban quản lý dự án, chủ tịch hội đồng giải phóng mặt bằng và các cơ quan tham mưu liên quan. Đồng thời tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư các khu tái định cư, tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng.
HĐND TP.Đà Nẵng nhấn mạnh, trên cơ sở mặt bằng đã được bàn giao, yêu cầu các Ban quản lý xây dựng tiến độ chi tiết, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án và chịu trách nhiệm trước lãnh đạo UBND Thành phố về việc chậm trễ tiến độ của dự án. Rà soát, điều chỉnh các biện pháp thi công phù hợp với điều kiện thực tế của dự án.
Liên quan đến tái định cư cho người dân giải tỏa tại các dự án đường vành đai phía tây 2, đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan, đường Vành đai phía tây, đường ĐH1, đường ĐH2; HĐND TP.Đà Nẵng đề xuất giải pháp sử dụng đất nông nghiệp không sản xuất được để xây dựng khu tái định cư tạm thời.
Đối với các khu tái định cư như Khu tái định cư xã Hòa Khương, Khu tái định cư Hòa Khương 2, Khu tái định cư tại các xã Hòa Phong, Hòa Phú (huyện Hòa Vang) thì các đơn vị chức năng khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị đầu tư (lập và phê duyệt quy hoạch, phê duyệt dự án đầu tư...); tổ chức đấu thầu để sớm triển khai thi công các dự án.
Đắk Lắk kiến nghị gia hạn thời gian cho các dự án điện gió
Tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện gió, khi các dự án này chậm tiến độ bởi dịch bệnh COVID-19.
UBND tỉnh Đắk Lắk mới đây đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu tư điện gió tại địa bàn tỉnh, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, kéo dài.
Dự án điện gió Ea Nam mới hoàn thành đạt khoảng 80% khối lượng công trình. |
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2020, tỉnh Đắk Lắk đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung danh mục các Dự án điện gió vào Quy hoạch phát triển điện lực tại Văn bản số 795/TTg-CN ngày 25/6/2020, trong đó có 05 dự án, quy mô công suất 657MW; Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Đắk Lắk giai đoạn đến năm 2020 có xét đến năm 2030 tại Quyết định số 234/QĐ-BCT ngày 18/01/2018, trong đó có 06 dự án, quy mô công suất 85MW.
UBND tỉnh Đắk Lắk đã cấp chủ trương đầu tư cho 08 dự án điện gió với quy mô công suất 685MW. Đến nay, Dự án điện gió Ea Nam có khối lượng hoàn thành đạt khoảng 80% công trình; 04 dự án điện gió tại huyện Krông Búk có khối lượng hoàn thành đạt khoảng 40-45% khối lượng công trình. Các Doanh nghiệp đầu tư dự án điện gió đã tích cực, khẩn trương tiến hành các thủ tục pháp lý theo quy định, triển khai thi công; chính quyền tỉnh Đắk Lắk cũng đã hỗ trợ, tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ, nhằm đưa dự án vào vận hành thương mại trước trước ngày 01/11/2021.
Tuy nhiên, việc thi công các dự án điện gió gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, do ảnh hưởng của Covid-19 trên phạm vi toàn thế giới nên tiến độ cung cấp tuabin gió bị chậm. Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TT ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ nên việc vận chuyển thiết bị tuabin gió (hàng siêu trường, siêu trọng) gặp khó khăn; cán bộ, kỹ sư, chuyên gia nước ngoài phải thực hiện cách ly tập trung theo quy định, người lao động thi công trên công trình cũng hạn chế…
Ngoài ra, trình tự, thủ tục về đầu tư xây dựng một dự án lớn, trong đó có hạng mục trạm biến áp 500kV, đường dây 500kV đấu nối cần nhiều thời gian để hoàn thiện đầy đủ, các thủ tục về đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng, triển khai thi công tốn nhiều thời gian.
Chính các khó khăn, vướng mắc trên, các Doanh nghiệp đầu tư điện gió trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép gia hạn thời gian áp dụng giá mua điện gió theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 01/11/2022. Vì vậy, UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét các ý kiến đề nghị nêu trên của các Doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư dự án điện gió trên địa bàn tỉnh.
Hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 47 dự án điện gió đăng ký đầu tư, với tổng công suất khoảng 10.000 MW. Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk về phát triển năng lượng tái tạo đặt mục tiêu đến năm 2025 công suất vận hành thương mại các dự án điện gió toàn tỉnh sẽ đạt 1.000 MW.
Cần Thơ đề nghị hỗ trợ vốn đầu tư cầu Ô Môn dự kiến 7.000 tỷ đồng
Dự án cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu nối TP. Cần Thơ với tỉnh Đồng Tháp, có tổng mức đầu tư dự kiến 7.000 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường vừa ký Công văn số 3944/UBND-XDĐT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hỗ trợ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách trung ương cho TP. Cần Thơ.
Cầu Vàm Cống trên tuyến Quốc lộ 80 nối liền đôi bờ sông Hậu giữa quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) và huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Nguyệt Ánh |
Theo UBND TP. Cần Thơ, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối liên vùng; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế là các nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra tại Nghị quyết số 98/NQ-CP của Chính phủ.
Trong giai đoạn 2021-2025, TP. Cần Thơ đã tập trung các nguồn lực để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội quan trọng, trong đó tập trung đầu tư các Dự án giao thông mang tính đột phá, kết nối liên vùng. Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước của Thành phố còn hạn chế, nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư giai đoạn 2021-2025.
Trên cơ sở đó, UBND TP. Cần Thơ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, chấp thuận tổng hợp, hỗ trợ từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025, để thực hiện đầu tư dự án cầu Ô Môn.
Mục tiêu đầu tư: Kết nối giao thông liên vùng từ Kiên Giang - Cần Thơ - Đồng Tháp (kết nối từ tuyến đường Ô Môn, TP. Cần Thơ với huyện Giồng Riềng tỉnh Kiên Giang, đấu nối với Đường tỉnh 853 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và định hướng kết nối vào Cầu Mỹ Thuận 2).
Địa điểm đầu tư: quận Ô Môn, TP. Cần Thơ - huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp (bắc qua sông Hậu).
Tổng mức đầu tư dự án dự kiến 7.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 2.500 tỷ đồng, ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác 4.500 tỷ đồng. Hình thức đầu tư: Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Dự kiến thời gian thực hiện dự án: năm 2023-2028.
Theo UBND TP. Cần Thơ, sau khi được Trung ương chấp thuận, Thành phố sẽ phối hợp tỉnh Đồng Tháp và các Bộ, ngành Trung ương triển khai các thủ tục đầu tư theo quy định.
Đầu tư 7.717 tỷ đồng xây cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1
Chi phí đầu tư Dự án PPP xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú giai đoạn 1 vào khoảng 7.717 tỷ đồng, tăng khoảng 905 tỷ đồng so với đề xuất hồi tháng 4/2021.
Ban quản lý Dự án Thăng Long vừa có văn bản báo cáo Bộ GTVT kết quả rà soát tổng mức đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức PPP.
Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú sẽ kết nối với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện nay. |
Theo đó, sau khi cập nhật các yếu tố đầu vào, tổng mức đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú là 7.717,8 tỷ đồng, tăng 905,3 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được Bộ GTVT đề xuất trong công văn đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án vào tháng 5/2021. Với tổng mức đầu tư nói trên, thời gian thu phí hoàn vốn của Dự án sẽ là 20 năm 3 tháng.
Các chi phí tăng thêm đáng kể nhất là giá cả nguyên vật liệu (698,1 tỷ đồng); chi phí quản lý, tư vấn tăng 83,78 tỷ đồng; chi phí dự phòng tăng 123,4 tỷ đồng; chi phí duy tu, bảo dưỡng vận hành, khai thác (từ 0,55 tỷ đồng/km/năm lên 0,76 tỷ đồng/km/năm). Ngoài các chi phí về giá, Dự án cơ bản không thay đổi khối lượng và hạng mục so với tờ trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tháng 5/2021.
Để đảm bảo tính khả thi, phần vốn Nhà nước tham gia vào Dự án là 1.300 tỷ đồng, tương đường 16,8% tổng mức đầu tư; phần còn lại sẽ do nhà đầu tư huy động bằng vốn chủ sở hữu và vốn vay thương mại.
Trước đó, vào đầu tháng 3/2021, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án thành phần 1: đoạn Dầu Giây – Tân Phú giai đoạn I, thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương.
Theo đề xuất của Ban quản lý dự án Thăng Long, Dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú có điểm đầu (Km0) giao với Quốc lộ 1 tại Km1829+500, trùng với điểm cuối cao tốc Tp.HCM - Long Thành – Dầu Giây, thuộc địa phận xã Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, cách ngã ba Dầu Giây khoảng 2,7km về phía Bắc (tại xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai); điểm cuối tại Km59+594, giao cắt với QL20 tại Km69+400, thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 59,6km được đầu tư hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100km/h, trong đó phân kỳ giai đoạn 1 xây dựng với quy mô 4 làn xe hạn chế, chiều rộng nền đường 17m), vận tốc khai thác 80km/h.
Ban quản lý dự án Thăng Long đề xuất đầu tư Dự án theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT, trong đó nhà đầu tư huy động vốn chủ sở hữu và vốn vay để thực hiện đầu tư xây dựng công trình dự án, thu hồi vốn thông qua thu phí sử dụng đường bộ; Nhà nước hỗ trợ kinh phí 1.300 tỷ đồng thực hiện Dự án.
Nếu được thông qua, chủ trương đầu tư, Dự án sẽ tổ chức lựa chọn Nhà đầu tư (bao gồm cả thành lập doanh nghiệp dự án và ký kết hợp đồng Dự án) từ quý IV/2021 - quý I/2022; khởi công công trình vào quý IV/2022; hoàn thành công trình và đưa vào khai thác vào quý I/2025.