Thời sự
80% thuốc bảo vệ thực vật phải nhập từ Trung Quốc
Diệu Thúy - 18/12/2014 08:38
Đó là thông tin mà ông Trần Quang Hùng - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Sản xuất và Kinh doanh Thuốc BVTV Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm “Những bất cập trong công tác quản lý ngành thuốc bảo vệ thực vật”.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Cẩn trọng với nông sản ngoại đội lốt nội
Vụ Nicotex: Đời giám đốc nào cũng chôn hóa chất?
Khoai tây nghi nhiễm độc vẫn ùn ùn về Hà Nội
Khoai tây Trung Quốc "đội lốt" Đà Lạt vẫn ngập chợ

Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Trần Quang Hùng cho biết tồn tại lớn nhất hiện nay trong ngành thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là việc nhập lậu, buôn bán và sử dụng thuốc ngoài danh mục, thuốc giả, sử dụng thuốc tuỳ tiện không theo hướng dẫn kỹ thuật.

Cụ thể, hiện nay cả nước có trên 20.000 đại lý buôn bán thuốc BVTV. Các đại lý có tác dụng trực tiếp nhất đối với người sử dụng thuốc và cũng là thành phần chủ yếu vi phạm trong các vụ bán thuốc giả, thuốc ngoài danh mục và nhập lậu thuốc qua biên giới nhưng lại chưa được quản lý chặt chẽ. Đáng nói, có đến 70% hộ nông dân nghe theo đại lý phân phối thuốc.

Kết quả kiểm tra thuốc BVTV trong những năm gần đây cho thấy khoảng 0,6 - 0,8 % các lô thuốc nhập chính ngạch không đạt chất lượng và phải tái xuất; 3-10,2 % lô thuốc gia công chưa đạt chất lượng phải tái chế lại.

Mỗi năm ngành nông nghiệp phải nhập khẩu gần 1 tỷ USD thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, nhiều bà con nông dân còn mang nặng tính tuỳ tiện trong việc sử dụng thuốc BVTV. Họ chưa có ý thức cộng đồng và tinh thần trách nhiệm đối với sức khoẻ xã hội khi dành luống rau cho gia đình và luống rau để bán riêng.

Theo ông Hùng, hiện nay cả nước có trên 200 doanh nghiệp thuốc BVTV, 97 nhà máy chế biến thuốc, chế biến được 50% lượng chế phẩm sử dụng trong nước tương đương khoảng 30.000 - 40.000 tấn/năm. Tuy nhiên nước ta chưa vượt ra khỏi tầm của một nền “công nghiệp đại lý, kinh doanh thuốc BVTV”, tức là chúng ta chưa xây dựng được nền móng cho một nền công nghiệp sản xuất thuốc BVTV quốc gia. Gần 100% hoạt chất, 90% phụ gia và 50% chế phẩm chúng ta còn phải nhập của nước ngoài. Trong đó 80% nhập từ Trung Quốc. 

Cùng chung ý kiến này, Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng – Tổng Thư ký VCCI cho biết, việc sử dụng các hoá chất bảo vệ thực vật đã trở thành một trong những phương tiện hữu hiệu nhất trong công tác phòng trừ dịch hại và bảo quản nông sản, đảm bảo an ninh lương thực. Theo con số thống kê, mỗi năm ngành nông nghiệp phải nhập khẩu từ 0,8 đến 1 tỷ USD thuốc bảo vệ thực vật mới đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.

“Mặc dù nhu cầu và tiềm năng đối với ngành thuốc BVTV lớn như vậy, tuy nhiên trong suốt những năm qua, việc sản xuất thuốc BVTV trong nước vẫn chỉ dừng lại ở mức nhập khẩu, sang chiết và đóng chai, dán nhãn… phụ thuộc hoàn toàn vào sự cung cấp của các nhà cung cấp nước ngoài, gây thất thoát nguồn ngoại tệ, lãng phí nguồn lao động trong nước. Một trong những nguyên nhân chính được cho là đã kìm hãm sự phát triển ngành thuốc BVTV trong nước những năm qua là do các cơ chế chính sách thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, gây khó khăn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các Doanh nghiệp ngành Thuốc bảo vệ thực vật”, – bà Hằng nói.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Đàm Quang Thắng - Chủ tịch Hội Hóa chất và Nông nghiệp Hà Nội khẳng định trên thế giới chưa có một nền sản xuất nông nghiệp nào mà không phụ thuộc vào thuốc BVTV. Song ông Thắng cũng thừa nhận: “Có một điều bất hợp lý là mặc dù nhu cầu về thuốc bảo vệ thực vật như vậy, nhưng cho đến nay nền công nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam chưa phát triển, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài. Hầu hết các loại thuốc nhập về  nước ta đều ở dạng nguyên liệu, phụ gia và thành phẩm sau đó được gia công, đóng gói và cung ứng trên thị trường”.

Tin liên quan
Tin khác