Nhập khẩu vải từ thị trường Trung Quốc tăng mạnh, đạt gần 7,4 tỷ USD. |
Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch nhập khẩu vải để phục vụ sản xuất hàng may mặc xuất khẩu và tiêu dùng trong nước trong tháng 9/2024 tăng tới 14% so với cùng kỳ, đạt 1,25 tỷ USD.
Lũy kế 9 tháng năm 2024, Việt Nam đã chi gần 10,95 tỷ USD để nhập khẩu vải, tăng 14,3% so với cùng kỳ.
Việt Nam nhập khẩu vải nguyên liệu chủ yếu từ thị trường Trung Quốc. Trong tháng 9/2024, riêng thị trường này cung cấp 803 triệu USD vào cho nước ta, tăng 10,8% so với tháng 9/2023; cộng chung cả 9 tháng đầu năm 2024 đạt trên 7,33 tỷ USD, tăng 20,4%.
Thị trường nhập khẩu tỷ USD thứ 2 là Đài Loan (Trung Quốc), với kim ngạch nhập 9 tháng gần 1,14 tỷ USD, tăng 11,6%, chiếm 10,4%; Riêng tháng 9/2024 đạt 152,66 triệu USD, tăng 9,6% so với tháng 8/2024 và tăng 20,6% so với tháng 9/2023.
Nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc trong tháng 9/2024 tăng 2,1% so với tháng 9/2023, đạt trên 113,64 triệu USD; tính chung 9 tháng năm 2024 đạt trên 1,11 tỷ USD, chiếm 10,2%. Vải nhập khẩu từ thị trường Nhật Bản 9 tháng đạt 478,97 triệu USD, chiếm 4,4%.
Nhìn chung, kim ngạch nhập khẩu vải may mặc từ hầu hết các thị trường trong 9 tháng đầu năm 2024 tăng so với 9 tháng đầu năm 2023.
Vải là nguyên liệu đầu vào quan trọng đối với ngành dệt may Việt Nam. Đây là ngành hàng mũi nhọn có kim ngạch xuất khẩu vài chục tỷ USD mỗi năm. Hiện các sản phẩm may mặc của Việt Nam đã xuất sang 104 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên nguồn vải nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu, do đó Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu vải từ các quốc gia khác, điển hình là Trung Quốc.
Năm ngoái, xuất khẩu dệt may tăng trưởng âm do ảnh hưởng từ kinh tế, thương mại toàn cầu suy giảm, các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản... đều giảm nhập khẩu từ các nhà cung ứng Việt Nam, do đó, nhu cầu nguyên liệu vải đầu vào cũng giảm, nhập khẩu vải cả năm còn 13 tỷ USD, giảm 1,7 tỷ USD so với mức thực hiện của năm 2022.