Tách riêng Luật sửa đổi bổ sung Luật Doanh nghiệp, tập trung về địa vị pháp lý hộ kinh doanh
Chính phủ vừa thống nhất chủ trương tách dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp thành 2 dự án luật do nội dung sửa đổi nhiều, quy mô lớn, cần xác định rõ phạm vi sửa đổi và thuận lợi trong áp dụng pháp luật.
Nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp được thống nhất theo hướng quy định khung, nguyên tắc chung về địa vị pháp lý cùng cơ chế tài chính, kế toán phù hợp đối với hộ kinh doanh.
Nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo hướng về quy định đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài vừa bảo đảm quản lý nhà nước và cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Đồng thời, Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ tiếp tục rà soát, cắt giảm thực chất các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; có quy định chuyển tiếp áp dụng đối với quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ; quy định giao Chính phủ quy định quản lý ngành nghề, lĩnh vực, điều kiện đối với hình thức đầu tư mới có thể phát sinh. (Xem thêm)
93 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa đến hết năm 2020
Ngày 15/8, Thủ tướng đã phê duyệt danh mục 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty phải báo cáo kết quả thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Thủ tướng xem xét định kỳ hàng quý và trước ngày 30/9/2020, đồng thời, chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành cổ phần hóa theo đúng tiến độ quy định.
Trong danh sách thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, 4 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên, 62 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ và 27 doanh nghiệp còn lại nhà nước không nắm giữ tỷ lệ cổ phần chi phối. Nhiều doanh nghiệp lớn nằm trong danh sách này như Vinacafe, Mobifone, VNPT, Vinachem, Vicem Vinafood1, SaigonTourist, Satra, Vàng bạc Đá quý Sài gòn, Tổng công ty Bến Thành…. Tuy nhiên, một vài doanh nghiệp cũng được loại khỏi danh mục cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020 như Vinataba, Điện ảnh Hà Nôi. (Xem thêm)
Chuẩn bị đấu giá EVN Finance và một loạt doanh nghiệp do SCIC sở hữu cổ phần
Ngày 23/8, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ bán đấu giá 18,75 triệu cổ phần EVF, tương đương 7,5% vốn điều lệ tại Công ty tài chính Cổ phần Điện lực (EVN Finance) với mức giá khởi điểm 13.480 đồng/cổ phần tại HNX. Mức giá trên cao gần gấp đôi thị giá hiện tại cổ phiếu EVF đang giao dịch trên thị trường UPCoM (7.900 đồng/cp).
Ngoài ra, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước cũng thoái vốn tại một loạt doanh nghiệp thông qua đấu giá trên hai sàn thời gian tới đều bằng hình thức trọn lô cổ phần. Cụ thể, SCIC đấu giá 34,7% vốn CTCP Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC) với giá 1.441,65 tỷ đồng (bình quân 119.600 đồng/cp); 14,5% vốn CTCP Vắc Xin và Sinh phẩm Nha Trang (BIO) với giá khởi điểm 19,2 tỷ đồng (bình quân 15.400 đồng/cổ phần) và 51% vốn CTCP .Khoáng sản Tuyên Quang với giá khởi điểm gần 70,7 tỷ đồng (bình quân 40.400 đồng/cp). Giá đấu cổ phiếu DMC và BIO đều cao hơn đáng kể trên sàn, hiện lần lượt là 83.000 đồng/cp và 9.800 đồng/cp.
Doanh nghiệp xuất khẩu sợi chịu áp lực cạnh tranh giá bán và đồng nhân dân tệ mất giá
Giá xuất khẩu xơ sợi dệt 7 tháng đầu năm 2019 giảm giá gần 8%. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chủ yếu của xơ sợi dệt Việt Nam, chiếm 57,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Riêng ở thị trường này, giá xuất khẩu giảm gần 10%. Việc đồng Nhân dân tệ liên tục mất giá thời gian qua khiến các nhà nhập khẩu sợi của Trung Quốc đa phần là các công ty kinh doanh thương mại cắt giảm số lượng sợi nhập khẩu và chỉ nhập khẩu số lượng đủ bán cho các nhà sản xuất. Ngành dệt may tính toán, nếu tỷ giá USD/CNY giảm 1%, giá sợi xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc mất 3 cent Mỹ/kg.
Tại Trung Quốc, Việt Nam cũng là đối tác cung cấp sợi chính, đứng thứ nhất về thị phần (30%) vào năm 2018. Bất kỳ biến động nào đối với ngành dệt may Trung Quốc cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến ngành sợi Việt Nam đòi hỏi ngành sợi cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. (Xem thêm)
Thêm ngân hàng lên kế hoạch mua cổ phiếu quỹ
Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc mua lại không quá 5% lượng cổ phiếu HDBank đã phát hành, tương đương 49 triệu cổ phiếu. Trước đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng cho biết sẽ lấy ý kiến cổ đông về việc mua cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên, nhà băng này vẫn chưa thông tin cụ thể về số lượng cổ phiếu cần mua. Giá cổ phiếu hai ngân hàng này và nhóm cổ phiếu ngân hàng nhìn chung giao dịch trong vùng giá thấp thời gian vừa qua. Cổ phiếu HDB xác lập đáy mới hồi đầu tháng 8 nhưng đã nhích lên sau đó.
CTCP Hàng không Vietjet, doanh nghiệp do HDBank sở hữu 4,95% và cũng có chung cổ đông lớn, đang mua lại nhiều cổ phiếu quỹ trên sàn. Tính đến ngày 16/8, Vietjet Air đã mua lại được 13,7 triệu cổ phiếu trên tổng số 25 triệu cổ phiếu đăng ký mua.
Ở chiều ngược lại, CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa thông báo sẽ bán toàn bộ 61,6 triệu cổ phiếu quỹ. Doanh nghiệp này đã chi gần 1.100 tỷ đồng, tương đương giá bình quân 17.857 đồng/cp.
Sôi động phát hành trái phiếu, FLC hủy ngày chốt quyền mua cổ phần
Kênh huy động trái phiếu vẫn đang tiếp tục sôi động. Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa thông báo chào bán trái phiếu ra công chúng đợt 1 với trị giá 4.000 tỷ đồng vào ngày 15/8. Thời gian đăng ký mua cũng bắt đầu ngay từ ngày 15/8 đến 26/9. VietinBank bán 2.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm, lãi suất tham chiếu cộng biên độ 1%/năm và 2.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm với lãi suất tham chiếu cộng biên độ 1,2%/năm.
Cũng trong tuần qua, nhiều doanh nghiệp công bố huy động lượng lớn vốn từ phát hành trái phiếu riêng lẻ. Từ 30/7 – 8/8, CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc phát hành tổng cộng 1.150 tỷ đồng trái phiếu mới cho CTCP Chứng khoán Kỹ thương Việt Nam thông qua 7 đợt phát hành. Trái phiếu được đảm bảo bằng CTCP Vinhomes và bảo lãnh thanh toán bởi CTCP Vinpearl. Các trái phiếu đều có kì hạn 3 năm, tính lãi 3 tháng/lần. Lãi suất áp dụng cho 4 kì tính lãi đầu tiên tối đa 10%/năm, các kì tính lãi tiếp theo bằng tổng lãi suất tham chiếu cộng biên độ tối đa 4%/năm.
Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, doanh nghiệp bất động sản được biết đến là chủ đầu tư khu đô thị Phú Mỹ Hưng, cũng huy động thêm được 300 tỷ đồng với lãi suất 8,8%/năm. Trái phiếu được đảm bảo bằng hai lô đất có tổng diện tích gần 5ha tại phường Tân Phú, quận 7, TP Hồ Chí Minh. CTCP Phát triển Điện lực Việt Nam cũng phát hành được 80 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 9,5%/năm áp dụng cho năm đầu tiên và lãi suất thả nổi bằng mức tham chiếu cộng biên độ 3,5%/năm các năm sau. Toàn bộ trái phiếu của doanh nghiệp này được TPBank mua.
Trái với sự sôi động của thị trường trái phiếu, hoạt động tăng vốn qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu khá trầm lắng. Tuần qua, CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex) đã thông báo chào bán 80,4 triệu cổ phiếu với giá 25.000 đồng/cp. Fimex ước tính thu được hơn 200 tỷ đồng, dự kiến bổ sung vào vốn lưu động để mở rộng diện tích nuôi tôm và mua tôm nguyên liệu. FLC cũng lên kế hoạch phát hành 300 triệu cổ phiếu. Doanh nghiệp này dự kiến chốt quyền mua cổ phiếu vào ngày 20/8 nhưng vừa hủy. FLC cho biết việc thay đổi ngày đăng ký cuối cùng và thời gian phát hành để phù hợp tình hình thực tế và hoạt động của công ty.