Ngân hàng - Bảo hiểm
Đắt, rẻ phát hành trái phiếu quốc tế
Thùy Liên - 15/08/2019 09:30
Làn sóng phát hành trái phiếu quốc tế của ngân hàng xuất hiện sau khi VPBank huy động thành công 300 triệu USD là tín hiệu cho thấy, “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã tốt lên. Song liệu có rủi ro nào khi lãi suất huy động trái phiếu quốc tế không hề rẻ?
Các ngân hàng đổ xô phát hành trái phiếu quốc tế là để tăng vốn cấp II, đáp ứng chuẩn Basel II, cải thiện Hệ số An toàn vốn (CAR) và có thêm nguồn vốn trung, dài hạn để cho vay.

Dù chỉ là thương vụ phát hành trái phiếu quốc tế thứ hai trong lịch sử ngân hàng Việt Nam (thương vụ đầu tiên diễn ra cách đây 7 năm, khi VietinBank phát hành 250 triệu USD với lãi suất 8%), song đợt phát hành của VPBank diễn ra trong bối cảnh hoàn toàn khác và có thể mở ra giai đoạn mới cho các nhà băng.

Minh chứng là sau VPBank, một số ngân hàng như SHB, TPBank cũng thông báo kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế. Dự kiến, trong vòng 2 năm tới, các nhà băng sẽ huy động hàng tỷ USD trái phiếu quốc tế.

Nguyên nhân đầu tiên khiến ngân hàng Việt đổ xô phát hành trái phiếu quốc tế có lẽ do chưa bao giờ, ngân hàng Việt lại có điều kiện thuận lợi để gọi vốn quốc tế với giá rẻ như hiện nay.

Đơn cử, trong đợt phát hành mới đây, VPBank chỉ phải trả cho nhà đầu tư lãi suất 6,25%/năm. Nếu cộng thêm các chi phí khác (nếu có), mức lãi suất mà VPBank phải trả cũng chỉ tương đương lãi suất huy động kỳ hạn dài trong nước (khoảng 8%). Điều này càng cần thiết với các ngân hàng khi huy động vốn từ dân cư trong nước ngày càng khó, nhu cầu vay vốn của khách hàng tăng cao. Mặc dù vậy, nguyên nhân chính khiến ngân hàng đổ xô phát hành trái phiếu quốc tế là để tăng vốn cấp II, đáp ứng chuẩn Basel II, cải thiện Hệ số An toàn vốn (CAR) và có thêm nguồn vốn trung, dài hạn để cho vay.

Hiện nhiều ngân hàng Việt vẫn chạy nước rút để thực hiện chuẩn Basel II khi thời hạn chót đã cận kề, đồng thời đảm bảo hệ số CAR trên 8% theo cách tính mới. Nếu không đáp ứng chuẩn Basel II cũng như hệ số CAR mới, các ngân hàng sẽ đứng trước nguy cơ không được Ngân hàng Nhà nước cấp “quota” tín dụng và tất yếu sẽ không thể tăng trưởng.

Tính toán của Ngân hàng Thế giới cho thấy, để đảm bảo mục tiêu này, mỗi năm, hệ thống ngân hàng Việt Nam cần tới 4 tỷ USD (gần 100.000 tỷ đồng). Từ đầu năm đến nay, vốn cấp 1 của các ngân hàng hầu như không tăng, vì vậy các ngân hàng phải dựa vào phát hành trái phiếu kỳ hạn từ 5 năm trở lên để tăng vốn cấp II - một trong những yếu tố cải thiện hệ số CAR.

Song, một nguyên nhân nữa, dường như phổ biến hơn, là các ngân hàng đang “khát” vốn trung, dài hạn để kinh doanh. Bằng chứng là số trái phiếu quốc tế mà VPBank mới phát hành có kỳ hạn chỉ 3 năm (từ 5 năm trở lên mới được tính vào nguồn vốn tự có của ngân hàng). Hơn nữa, VPBank cũng đã đáp ứng chuẩn Basel II. Như vậy, có thể khẳng định rằng, nguyên nhân chính khiến nhà băng phát hành trái phiếu (cả trong nước và quốc tế) chủ yếu nhằm có thêm nguồn huy động vốn trung dài hạn để hoạt động.

Câu hỏi đặt ra là, có quá đắt nếu huy động trái phiếu quốc tế với lãi suất trên 6%/năm? Việc ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu quốc tế liệu có đẩy rủi ro cho tương lai?

Nhìn lại thương vụ VietinBank phát hành 250 trái phiếu quốc tế năm 2012, khi đó ngân hàng này đã phải trả cho nhà đầu tư lãi suất tới 8%/năm. Sau 5 năm, ngoài khoản lãi 100 triệu USD, VietinBank còn phải chịu gánh nặng tỷ giá tăng gần 8,8%, khiến cái giá của trái phiếu không hề rẻ.  Tuy nhiên, Vietinbank huy động trái phiếu quốc tế trong một hoàn cảnh khá đặc biệt, khi trước đó (năm 2011), lãi suất huy động ở thị trường trong nước tăng vọt ở mức 17-18%/năm. Khoản vay bằng trái phiếu của VietinBank ở thời điểm phát hành được coi là hợp lý, nhưng sau 5 năm, khi mặt bằng lãi suất trong nước hạ nhiệt, cộng thêm tỷ giá tăng khoảng 8,8%, khoản vay này bị coi là đắt đỏ.

Với thời điểm hiện tại, khi lãi suất huy động mà các nhà băng phải trả đã mềm hơn, lãi suất và tỷ giá trong nước được duy trì ổn định, rủi ro tỷ giá và lãi suất thấp hơn rất nhiều so với trường hợp của VietinBank, vì vậy, nhiều nhà băng cho rằng, huy động được trái phiếu quốc tế với lãi suất như VPBank là quá rẻ. Hơn nữa, nếu tính từ thời điểm lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam phát hành trái phiếu quốc tế năm 2005 với 750 triệu USD (sau đó ủy thác cho Vinashin sử dụng) đến nay là cả chặng đường dài với nhiều thay đổi đã diễn ra.

Đương nhiên, nếu vì mục đích tăng vốn, thì phát hành trái phiếu quốc tế chỉ là giải pháp tạm thời và ngân hàng vẫn phải tính tới “bài toán gốc” là bán cổ phần hay sáp nhập để tăng vốn chủ sở hữu. Nếu vì mục đích kinh doanh, thì việc phát hành trái phiếu nhằm tăng vốn huy động trung - dài hạn sẽ luôn tiềm ẩn rủi ro khi hiệu quả sinh lời kém. Khi đó, hẳn nhiên, ngân hàng sẽ đẩy rủi ro cho tương lai khi đến kỳ đáo hạn.

Tin liên quan
Tin khác