Ngày 6/11, Chính phủ Việt Nam phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 10 năm ra thị trường vốn quốc tế. Thực tế, đợt phát hành trái phiếu quốc tế lần này khá đắt hàng, nên nhiều thông tin cho rằng, Chính phủ đang cân nhắc phát hành thêm trong thời gian tới.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ xem xét những nguyên nhân dẫn đến thành công trong đợt chào bán này cũng như lợi ích và tác hại của việc phát hành thêm.
Phát hành trái phiếu quốc tế giúp nâng mức dự trữ ngoại hối, giữ giá trị đồng nội tệ, nhưng phải được tính toán cẩn trọng (Ảnh minh họa) |
Đây là đợt phát hành lần thứ 3 nhằm thực hiện một số nghĩa vụ nợ. Trước đó, Việt Nam đã phát hành thành công 2 lô trái phiếu kỳ hạn 10 năm trị giá 750 triệu USD năm 2005 và 1 tỷ USD năm 2010.
Hai đợt phát hành này sẽ đáo hạn năm 2016 và 2020, và nhà đầu tư có thể cân nhắc chuyển đổi sang trái phiếu mới trong kỳ phát hành này hoặc quy đổi về tiền mặt.
Trong bài báo “Vietnam to gain from new bond issue” đăng trên Báo Vietnam Investment Review số ra ngày 1 - 7/9/2014, VPBS đã dự báo lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm sẽ dao động trong khoảng 4,75 - 5%. VPBS đã đúng. Trong đợt phát hành này, lãi suất trái phiếu ở mức 4,8%, cao hơn 242 điểm cơ bản so với trái phiếu cùng kỳ hạn của Chính phủ Mỹ. Tổng khối lượng đặt mua là 10,6 tỷ USD, cao gấp 10 lần khối lượng chào bán.
Chúng tôi nhận thấy, có 3 lý do khiến đợt chào bán này thành công, đó là: lợi suất trái phiếu Mỹ vẫn ở mức thấp, điều kiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã phần nào cải thiện và độ “hiếm” của trái phiếu Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Giới đầu tư Mỹ, những người luôn tìm kiếm lợi suất cao hơn, đã mua 55% lượng trái phiếu phát hành lần này. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đang trên đà giảm từ mức 4% năm 2010 xuống chỉ còn 2,38% vào ngày 10/11/2014. Họ có lẽ cũng không kỳ vọng lợi suất sẽ tăng. Mặc dù nền kinh tế Mỹ đang trên đà hồi phục, mức tăng trưởng về lương và lạm phát vẫn còn thấp, nên nhiều khả năng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ vẫn tiếp tục giữ lãi suất ở mức tương đối thấp trong năm 2015. Do đó, trái phiếu của các thị trường mới nổi, với nền tảng vĩ mô tốt, lợi suất cao, sẽ rất hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Việt Nam chắc chắn cũng là nơi nhà đầu tư đang hướng đến. Kinh tế vĩ mô đã và đang được giữ ổn định. Lạm phát thấp, kim ngạch xuất khẩu lớn giúp dự trữ ngoại hối đạt mức cao kỷ lục và tỷ giá vẫn ổn định. Những nỗ lực này đều được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế như Moody’s hay Fitch Ratings ghi nhận và gần đây, họ đã nâng mức xếp hạng của Việt Nam. Các nhà đầu tư còn cho rằng, định mức tín nhiệm của Việt Nam còn tiếp tục được nâng lên nếu Chính phủ duy trì ưu tiên ổn định vĩ mô.
Trái phiếu Việt Nam hấp dẫn một phần cũng nhờ “độ hiếm” của nó. Các nhà quản lý quỹ thường bị giới hạn về tỷ lệ phần trăm họ phân bổ trong danh mục đối với từng nhà phát hành. Do Việt Nam không thường xuyên phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, nên hầu hết các nhà đầu tư có nhiều dư địa đối với trái phiếu của Việt Nam. Khoảng 73% trong tổng số lượng trái phiếu bán ra lần này dành cho các nhà đầu tư có nhu cầu hoán đổi trái phiếu cũ. Do vậy, họ sẽ vẫn duy trì tỷ lệ trong danh mục trước đó và chỉ kéo dài kỳ hạn nắm giữ trái phiếu.
Vấn đề hiện nay là, liệu có thể tận dụng khi nhà đầu tư vẫn đang hưng phấn để phát hành thêm trái phiếu không? Chúng tôi nhận thấy, hoàn toàn có thể làm được điều đó. Điều đầu tiên, phát hành trái phiếu quốc tế sẽ giúp nâng mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam - yếu tố quan trọng để giữ giá trị đồng nội tệ. Trong khoảng 3 năm gần đây, cán cân tổng thể và cán cân thanh toán dồi dào đã hỗ trợ tỷ giá ổn định quanh ngưỡng 21.000 VND/USD. Điều này đã giúp lạm phát được kiểm soát ở mức thấp và đây cũng là mục tiêu được Chính phủ ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, một vài chuyên gia cho rằng, Việt Nam sẽ nhập siêu trong năm 2015 do nhập khẩu hàng hóa và máy móc, thiết bị tăng. Vì vậy, dự trữ ngoại hối tăng sẽ rất có lợi khi bảo vệ giá trị đồng nội tệ.
Một lý do khác để phát hành thêm trái phiếu quốc tế là cầu trái phiếu nội địa đang có xu hướng giảm. Từ đầu tháng 6 đến khoảng giữa tháng 10 vừa qua, tỷ lệ đăng ký đấu thầu trái phiếu chính phủ vẫn ở mức trên 100%. Tuy nhiên, trong 1 tháng gần đây, tỷ lệ trúng thầu giảm xuống mức 34% do lợi suất trái phiếu chào thầu đang ở mức thấp kỷ lục, và như chúng tôi hy vọng, ngân hàng muốn ưu tiên cho vay, thay vì đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Hơn nữa, kể cả khi trái phiếu chính phủ trên thị trường trong nước đăng ký đấu thầu mua hết, thì nhu cầu trái phiếu kỳ hạn dài hơn 5 năm cũng sẽ không nhiều.
Tuy nhiên, cũng có một số lý do cần phải cân nhắc để tránh phát hành quá nhiều trái phiếu quốc tế. Trước hết, con số đăng ký 10,6 tỷ USD có thể bị thổi phồng, bởi các nhà quản lý quỹ nhận ra rằng, họ có thể sẽ không mua được khối lượng mong muốn nếu không nâng khối lượng đăng ký của mình lên. Do vậy, khi một nhà quản lý quỹ muốn mua khoảng 10 triệu USD trái phiếu, nhưng nhận thấy, trái phiếu này đang được đăng ký số lượng lớn, thì họ sẽ đăng ký mua khoảng 20 triệu USD, rồi sau đó đóng kịch rằng chỉ được mua một nửa số lượng đăng ký. Như vậy, nếu tiếp tục phát hành với số lượng lớn hơn để kiểm tra lại mức độ quan tâm của nhà đầu tư, thì lượng trái phiếu đăng ký có thể sẽ giảm nhanh chóng.
Cũng nên lưu ý rằng, trái phiếu rồi sẽ đến lúc đáo hạn. Chúng ta không biết chắn được điều kiện kinh tế sẽ như thế nào trong 10 năm tới. Tình hình hiện tại không ghi nhận bất kỳ nguy hiểm nào, nhưng vẫn rất cần cẩn trọng đối với các nghĩa vụ nợ nước ngoài để tránh những rắc rối có thể xảy ra trong tương lai.
Barry David Weisblatt (Giám đốc Khối Phân tích, VPBS)