TIN LIÊN QUAN | |
Nhà chức trách Rosario ban hành lệnh cấm đặt tên Messi | |
Bé sinh năm Giáp Ngọ 2014: tháng mấy là được mùa sinh? | |
Đặt tên đẹp cho bé sinh năm Giáp Ngọ 2014 |
Trong chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIII có thảo luận về Luật Hộ tịch. Nhiều nội dung của Luật được các đại biểu đồng tình, chẳng hạn như vấn đề khai sinh cho trẻ. Đa số đại biểu đồng ý việc giữ giấy khai sinh vì điều này là cần thiết, phù hợp với công ước quốc tế về quyền trẻ em, Bộ luật Dân sự. Giấy khai sinh là văn bản pháp lý đầu tiên Nhà nước cấp để thừa nhận quyền công dân.
Đặt tên không cẩn thận dễ gây phiền toái cho con sau này. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên một vấn đề mà trong dự thảo Luật Hộ tịch không nêu, đó là không đặt ra nguyên tắc đặt tên cho con, khiến cán bộ tư pháp hộ tịch địa phương bất lực trong việc thuyết phục các bậc cha mẹ không đặt tên xấu cho con mình. Hoặc có những bậc cha mẹ đặt tên con quá dài, gây nhiều rắc rồi khi điền vào các mẫu giấy tờ, bản khai vì không đủ chỗ.
Mới đây, một tờ báo nêu trường hợp một thanh niên ở TP.HCM là người giữ kỷ lục tên dài nhất Việt Nam: Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân. Nhân là con ông bà Lê Văn Bốn, Nguyễn Thị Tư. Cũng chẳng hiểu sao ông bà này đặt tên cho con toàn chọn những cái tên dài đọc… mỏi mồm không hết. Nhân là con thứ 3, hai chị của Nhân tên cũng dài tới… 8 chữ: Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhàn và Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Linh Phượng.
Do có cái tên quá dài nên chị em họ gặp không ít phiền toái trong chuyện giấy tờ tùy thân. Tất cả bằng cấp, giấy tờ liên quan như sổ hộ khẩu, giấy tờ hộ tịch, sổ điểm khi đi học, sổ học bạ, giấy khen,... cho đến nay không có cái nào được ghi đầy đủ, chỉ ghi họ và tên, còn chữ lót thì viết tắt. Chính quyền địa phương cũng nhiều lần triệu tập gia đình đề nghị sửa tên ngắn lại, cho thuận tiện trong các văn bản, giấy tờ, tuy nhiên gia đình vẫn… mặc.
Nhiều người có tên dài cũng gặp rắc rối như trường hợp 3 chị em kể trên. Chị Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương (26 tuổi), người có tên dài nhất tỉnh Thái Nguyên cho biết: Tất cả các bằng cấp, giấy tờ liên quan của chị cho đến nay chỉ duy nhất có Chứng chỉ tin học là ghi đầy đủ tất cả các chữ trong tên của chị. Còn lại, trong sổ hộ khẩu, giấy tờ hộ tịch, sổ điểm khi đi học, sổ học bạ, giấy khen..., tên chị đều phải viết tắt một số ký tự để gọn hơn. Ngoài ra, cái tên này khi đi thi, đi làm gì cũng bị để ý, xì xào, nhiều lúc thấy ngại.
Ở làng So, nay là xã Cộng Hòa và Tân Hòa (Quốc Oai, Hà Nội) thì từ bao đời nay đã có tục lệ đặt tên họ cho con gái bằng cách lấy tên đệm của bố làm họ. Hầu hết phụ nữ làng So đều mang những tên họ đặc biệt như: Thế Thị Lan, Sỹ Thị Minh, Xuân Thị Hà,… Tên họ này khiến nhiều phụ nữ gặp rắc rối khi đi học. Chị Sỹ Thị Hải, giáo viên Trường mầm non trong xã kể: hồi đi học thường gặp rắc rối với họ của mình. Bởi trong sổ hộ khẩu ghi rõ chị là con ruột của ông Nguyễn Sỹ Thái. Nhiều cơ quan không chấp nhận Hồ sơ của chị Hải, cho rằng chị là con nuôi, họ không trùng với bố hoặc mẹ ruột. Chị phải về xã xin giấy xác nhận do phong tục đặt tên của địa phương.
Chị Hải chia sẻ: “Nhớ ngày nhập học trường Cao đẳng sư phạm, điểm danh đến tên Sỹ Thị Hải khiến nhiều bạn bật cười. Ai cũng hỏi sao họ lạ thế? Ở quê tôi, con gái được lấy tên đệm của bố làm họ là niềm tự hào, thể hiện sự gửi gắm của gia đình, dòng tộc”.
Theo các bô lão trong làng So thì người làng đặt họ con gái khác con trai không phải vì phân biệt đối xử, mà vì con gái lớn lấy chồng, đặt họ ở giữa thì coi như mất họ cha. Theo quan niệm ở đây chữ Vương, chữ Nguyễn lại là tên đệm, còn họ chính là chữ thứ nhì như Đắc, Đình, Sỹ, Tri, Ngọc, Văn, Tiếp, Doãn, Quế, Danh, Hữu, Khắc... Đặt tên con gái là chữ thứ nhì để nhắn gửi con dù đi lấy chồng xa vẫn nhớ về gốc tích, nguồn cội của mình.
Tên dài, tên không theo họ cha gây rắc rối cho người có tên đó, nhưng không mang lại nỗi khổ và mặc cảm bằng người mang những cái tên xấu xí. Bà Đinh Thị Chó ở xóm Bát xã Phú Cường (Tân Lạc, Hòa Bình) là một người khổ sở từ bé cho đến già vì cái tên của mình. Lúc nhỏ, do bà khó nuôi nên cha mẹ đặt cho cái tên thật xấu để “ma chê quỷ hờn”. Khi đi học, cô giáo gọi: “Em Chó lên bảng” khiến cả lớp cười ồ. Lâu dần ý thức mình có cái tên xấu, Chó nghỉ học ở nhà. Lớn lên, chạy chợ kiếm gạo, mỗi khi đi chợ, người ta chào mà môi cứ cắn chặt vào nhau, mà mặt phải quay đi vì cố giấu một trận cười rũ rượi. Cái tên đó cũng khiến bà muộn màng mãi, sau này con cái cũng ngượng khi khai lý lịch.
Lại có chuyện ở một công trường thủy điện trên Tây Nguyên, mấy anh công nhân người Kinh lên xây dựng thủy điện, tán tỉnh các cô gái dân tộc, ăn nằm với nhau đến khi chửa đẻ thì chàng cao chạy xa bay về quê hoặc chuyển đi công trình khác. Thế là ở đấy trẻ em sinh ra, có bà mẹ đặt tên con là A Lăng Toàn Hão Huyền, người thì đặt con tên là Y Mong Mất Hút… Lại có nơi đồng bào xem phim Hàn Quốc nhiều quá, đặt tên con toàn các ngôi sao Hàn Quốc như Kan Chi Hô, Kim Tê Hi, Jun Ji Huyn, Đê Chang Kưm…
Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc đặt tên con là quyền của cha mẹ, nhưng cũng phải theo một chuẩn mực nhất định, không vì thế mà tùy tiện lấy những cái tên thiếu văn hóa, thiếu thuần phong mỹ tục được. Theo ông Tiến, việc đặt tên con không được quá dài, quá phức tạp kiểu rồng rắn lên mây. Mình là người Việt Nam mà đặt những cái tên rất xa lạ như của Anh, Mỹ, Hàn Quốc… thì rất phản cảm. Vì thế nên có những quy định cho việc đặt tên phù hợp. Trước hết để phù hợp với thuần phong mỹ tục, phù hợp với những giá trị nhân văn của Việt Nam. Nên đặt những cái tên thân thương bằng tiếng Việt, không nên dùng tiếng nước ngoài, dùng tên khó hiểu, đặc biệt không nên dùng những tên xấu xí của con vật, hình ảnh hiện tượng thiếu thẩm mỹ.
Cũng theo ông Tiến, từ trước đến nay chúng ta chưa có văn bản pháp luật nào quy định về việc đặt tên. Đó cũng chính là lỗ hổng về mặt pháp lý để các ông bố bà mẹ có thể tùy tiện đặt tên cho con.
Thảo luận tại nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội cũng thống nhất, cần có nguyên tắc đặt tên và xác định họ cho phù hợp với phong tục, tập quán lâu nay. Tránh tình trạng vì mong muốn của bố mẹ mà họ và dân tộc của con không phù hợp với phong tục, tập quán. Ví dụ, cha mẹ là người dân tộc Đắc Klay nhưng lại lấy họ Nguyễn đặt cho con làm phát sinh họ mới dẫn đến phải cải chính hộ tịch. Dự thảo Luật Hộ tịch không quy định nguyên tắc đặt tên cho con sẽ gây khó khăn cho cán bộ hộ tịch ở cơ sở, sẽ bất lực khi thuyết phục cha mẹ đặt tên cho con không thuần Việt.
Thẻ căn cước không có giá trị thay thế giấy khai sinh () Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, ngày hôm nay (28/10), các đại biểu Quốc hội sẽ góp ý cho Luật Hộ tịch. Hầu hết các Đại biểu đề nghị dự thảo Luật giữ nguyên thủ tục đăng ký và cấp giấy khai sinh cho trẻ em |
Duy Hữu (tổng hợp)