Lợi nhuận tăng trưởng 32%
Báo cáo của Ngân hàng An Bình (ABBANK) tại Đại hội cổ đông thường niên sáng nay cho thấy, năm 2012, trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, Hội đồng Quản trị ABBANK đã tập trung toàn lực nhằm ưu tiên mục tiêu xây dựng và củng cố hệ thống. Mặc dù chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2012 nhưng các chỉ tiêu tài chính của ABBANK đều thể hiện sự tăng trưởng so với 2011 và các năm trước, các chỉ tiêu đảm bảo an toàn đều được giữ vững.
Cụ thể, so với năm trước, năm 2012, tổng tài sản của ABBANK đạt 46.013 tỷ đồng, tăng 11%. Cho vay đạt 23.266 tỷ đồng, tăng 16%. Huy động vốn đạt 33.358 tỷ đồng, tăng 31%. Đặc biệt thu nhập thuần từ dịch vụ tăng cao, đạt 101 tỷ đồng, tương ứng tăng 823% so với 2011.
| ||
Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT ABBank |
Tính chung cả năm 2012, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ABBANK đạt 528 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2011. ABBANK cũng nằm trong số những ngân hàng kiểm soát tốt nợ xấu với mức an toàn là 2,29% tính đến 31/12/2012.
Điểm sáng của ABBANK năm qua là phấn đấu nằm trong nhóm 10 ngân hàng hàng đầu trong nhóm các Ngân hàng Thương mại cổ phần ngoài quốc doanh về tỷ lệ sinh lời trên tổng vốn chủ sở hữu.
Đặc biệt, mới đây, Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) chính thức trở thành cổ đông lớn của ABBANK sau khi chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu phổ thông. Sự kiện này được giới tài chính đánh giá rất cao. Việc chuyển đổi này đưa tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài tại ABBANK đã đạt mức tối đa là 30%. Với sự tham gia góp vốn của IFC và phần vốn nhằm duy trì tỷ lệ sở hữu cổ phần 20% của Maybank, vốn điều lệ của ABBANK tăng từ gần 4.200 tỷ đồng lên gần 4.800 tỷ đồng.
Ông Vũ Văn Tiền – Chủ tịch HĐQT ABBANK chia sẻ: “Điều này khẳng định các đối tác đã đánh giá ABBANK như một ngân hàng có uy tín và chấp nhận hợp tác vì nhìn thấy được chúng tôi là ngân hàng có chiến lược, tầm nhìn tốt, phù hợp cho sự đầu tư an toàn và bền vững”.
Năm 2013: Hoàn thiện tái cấu trúc
Tuy không nằm trong danh sách 9 ngân hàng yếu kém phải tái cơ cấu. Tuy nhiên, ABBANK đã chủ động tự tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả của chính mình, đây cũng là một điểm sáng của ABBANK.
Cụ thể, năm 2012, ABBANK tập trung thực hiện Dự án Tái cấu trúc với nhà tư vấn Deloitte Consulting (Singapore). Dự án tái cấu trúc ngân hàng đã được sự ủng hộ và trợ giúp từ các cổ đông lớn của ABBANK như Maybank, EVN, IFC và Geleximco….
Mục tiêu của Dự án là nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ABBANK trong hệ thống các Ngân hàng TMCP tại Việt Nam thông qua sự thay đổi về cơ chế vận hành, nâng cao năng lực quản trị, hướng tới kinh doanh bán lẻ. Với cơ cấu tổ chức mới, ABBANK sẽ quản lý theo chiều dọc với mức độ tập trung hóa và chuyên môn hóa ngày càng cao hơn, tối đa hóa nguồn nhân lực và quản lý hiệu suất lao động hiệu quả hơn.
Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT ABBANK cho rằng: “Ngay cả một định chế tài chính lâu năm và vững mạnh như Maybank cũng phải cải tổ và họ đã thành công sau thời gian thực hiện từ năm 2008-2011. Tái cấu trúc là một vấn đề khó nhưng muốn phát triển phải đổi mới, phải chấp nhận những khó khăn và hy sinh ban đầu để có được cuộc “cách mạng” thành công. Và quan trọng là cải cách phải từng bước chứ không san bằng. Với những bước đi thận trọng nhưng tích cực, chúng tôi tin tưởng ABBANK sẽ tái cấu trúc thành công”.
Năm 2013, trước dự báo còn nhiều khó khăn thách thức đối với ngành ngân hàng , ABBANK sẽ tập trung vào các hoạt động trọng tâm như: tiếp tục hoàn thiện tái cấu trúc hệ thống, ổn định và vận hành theo cơ cấu mới, sẵn sàng cho chiến lược phát triển dài hạn đến 2020, đưa ABBANK trở thành một trong 10 ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam, mang lại giá trị thặng dư cho cổ đông, khách hàng và mỗi cán bộ nhân viên.
HĐQT ABBANK khẳng địn, mục tiêu chính của ngân hàng trong năm 2013 là nâng cao năng lực quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo kinh doanh hiệu quả - an toàn; tuân thủ các quy định chung của Ngân hàng Nhà nước và áp dụng các thông lệ quốc tế.
ABBANK sẽ thực hiện những quyết sách mang tính chiến lược, với trọng tâm vào việc củng cố hệ thống, phát triển nguồn nhân lực, quản trị tín dụng, quản lý rủi ro, đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định và minh bạch.
Hà Tâm