Tài chính - Chứng khoán
ACV thắng lớn, thu về hơn 1.100 tỷ đồng từ IPO
Anh Minh - 10/12/2015 12:44
Toàn bộ hơn 77,8 triểu cổ phần đem ra đấu giá vào sáng nay tại Sở GDCK Tp.HCM của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đều đã được bán hết với giá đấu bình quân 14.344 đồng/cổ phần.
ACV cũng là một trong những doanh nghiệp liên tục làm ăn có lãi trong ngành giao thông - vận tải, với “hai con gà đẻ trứng vàng” là Sân bay Nội Bài và Sân bay Tân Sơn Nhất

 

Cụ thể, toàn bộ số cổ phần mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần mà Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đem ra đấu giá đều được bán hết, tương đương 77.804.122 cổ phần, chiếm 3,47% vốn điều lệ.

Được biết, giá trúng cao nhất của cổ phiếu ACV là 38.300 đồng/cổ phần, giá trúng thấp nhất là 13.100 đồng/cổ phần, giá đấu bình quân thành công là 14.344 đồng/cổ phần, cao hơn mức giá khởi điểm 2.544 đồng/đơn vị đã đem lại cho ACV hơn 1.100 tỷ đồng.

Trước đó, theo thông báo của Sở GDCK Tp.HCM, có tới 306 nhà đầu tư tham gia đăng ký đấu giá mua cổ phần của ACV trong đó có 266 nhà đầu tư trong nước (chiếm gần 87% số nhà đầu tư), 11 tổ chức trong nước; 12 cá nhân nước ngoài và 17 tổ chức nước ngoài.

Được biết, hình thức cổ phần hóa (CPH) ACV được phê duyệt là kết hợp vừa bán một phần vốn Nhà nước, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ với quy mô vốn điều lệ của ACV là 22.430.985 tỷ đồng, tương đương 2.243 triệu cổ phần mệnh giá 10.000 đồng. Quy mô vốn này của ACV được đánh giá vào loại lớn nhất cả nước.

Trong số này, Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ, tương đương với hơn 1.682 triệu cổ phần. Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là hơn 31,3 triệu cổ phần, chiếm 1,4% vốn điều lệ. Cổ phần bán ưu đãi cho tổ chức công đoàn là hơn 3 triệu cổ phần, tương đương 0,13% vốn điều lệ. Cổ phần chào bán cho nhà đầu tư chiến lược là hơn 448 triệu cổ phần, tương đương 20% vốn điều lệ. Số cổ phần bán đấu giá công khai là hơn 77,8 triệu cổ phần, tương đương 3,47% vốn điều lệ.

Được thành lập vào tháng 2/2012 trên cơ sở sáp nhập 3 tổng công ty cảng hàng không (miền Bắc, miền Nam, miền Trung), ACV là một trong những DN có quy mô vốn lớn nhất trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. ACV đang khai thác, quản lý 22 cảng hàng không dân dụng, 3 công ty con. Bên cạnh đó, DN này còn góp vốn tại 10 công ty cổ phần - tất cả đều có chung lĩnh vực cung cấp dịch vụ vận tải mặt đất.

Đúng 2 tuần trước phiên đấu giá cổ phiếu lần đầu ra công chúng của ACV, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã ký Quyết định số 4225/QĐ – BGTVT phê duyệt tiêu chí, trình tự để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược khi thực hiện phương án CPH cho siêu doanh nghiệp nhà nước được định gia tới 38.000 tỷ đồng này.

Cụ thể, nhà đầu tư là một tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý khai thác cảng hàng không phải quản lý, khai thác tối thiểu là 10 cảng hàng không, sân bay; doanh thu của doanh nghiệp tối thiểu là 1,5 tỷ USD; báo cáo tài chính năm 2014 không có lỗ lũy kế, lợi nhuận năm 2014 tối thiểu 10% doanh thu; vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp không thấp hơn 2 tỷ USD hoặc tương đương. Những chỉ tiêu trên đều được chốt ở thời điểm đến 31/12/2014.

Đối với các nhà đầu tư là tổ chức tài chính, điều kiện để có thể nắm 1 ghế trong hội đồng quản trị của ACV cũng khắc nghiệt không kém: Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2014 không thấp hơn 5 tỷ USD hoặc tương đương; áo cáo tài chính năm 2014 không có lỗ lũy kế, lợi nhuận năm 2014 tối thiểu 5% doanh thu.

Trong trường hợp nhà đầu tư là tổ hợp (tối đa là 3 tổ chức), điều kiện để lọt qua vòng sơ tuyển của ACV là phải có ít nhất một tổ chức là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý khai thác cảng hàng không.

Đáng lưu ý là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý khai thác cảng hàng không trong tổ hợp ngoài việc có tình hình tài chính “sạch sẽ”, phải quản lý tối thiểu là 5 cảng hàng không, sân bay; doanh thu của doanh nghiệp năm 2014 tối thiểu là 1 tỷ USD, Các tổ chức còn lại trong tổ hợp phải có tổng mức vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2014 không thấp hơn 2 tỷ USD hoặc tương đương, báo cáo tài chính năm 2014 không có lỗ lũy kế.

Theo thông tin của Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) là cái tên mới nhất mong muốn được chọn là cổ đông chiến lược của ACV.

Được biết, đích thân Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà đã gửi thư cho Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định là ngân hàng này muốn trở thành cổ đông chiến lược nội địa của ACV bằng việc đầu tư vốn góp với mức sở hữu khoảng 5% vốn điều lệ của ACV sau khi cổ phần hóa.a

BIDV, theo khẳng định của ông Hà, hiện có tổng tài sản lên tới 35 tỷ USD, vốn điều lệ 1,7 tỷ USD, có khá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không khi là cổ đông lớn của Công ty cho thuê máy bay Việt Nam.

“Nếu chúng tôi trở thành cổ đông chiến lược của ACV, BIDV cam kết ưu tiên cung cấp các dịch vụ ngân hàng tốt nhất như tín dụng, ngoại hối, thanh toán, quản lý dòng tiền”, ông Hà cho biết.

Trước đó, trong số các tập đoàn khai thác cảng hàng không nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại ACV, Tập đoàn Aeroport de Paris  (Pháp) là cái tên đáng chú ý nhất.

Tin liên quan
Tin khác