Tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc tiếp lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản chiều tối ngày 23/11 (theo giờ địa phương) tại Tokyo, ông Motoya Okada, Chủ tịch Tập đoàn AEON cho biết nhiều kế hoạch mới dự kiến thực hiện tại thị trường Việt Nam. Theo đó, tập đoàn này đang triển khai kế hoạch trung và dài hạn tại Việt Nam, trong đó coi Việt Nam là thị trường quan trọng không kém thị trường chính tại Nhật. AEON dự kiến tăng gấp đôi các trung tâm thương mại tại Việt Nam trong thời gian tới. Tập đoàn cũng dự kiến niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam như thủy sản, hàng may mặc… sang Nhật Bản.
AEON là một trong những tập đoàn thương mại bán lẻ lớn nhất trên thế giới, doanh thu năm 2020 đạt khoảng 75 tỷ USD. Tập đoàn này bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam từ năm 2014 và tính đến nay đã đầu tư 1,18 tỷ USD. Theo Chủ tịch tập đoàn Motoya Okada, AEON cũng quan tâm tới các hoạt động chuyển đổi số tại Việt Nam.
Thủ tướng đánh giá cao hoạt động kinh doanh hiệu quả của Tập đoàn trong thời gian qua; khẳng định các cơ quan chức năng ủng hộ mục tiêu của Tập đoàn mở rộng kinh doanh trong thời gian tới tại Việt Nam. Thị trường bán lẻ Việt Nam hết sức tiềm năng, AEON có thể mở rộng hệ thống kinh doanh đồng thời với việc thu mua các loại hàng hóa tại nhiều địa phương khắp Bắc, Trung, Nam như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Tây Nguyên, ĐBSCL…
Thủ tướng cũng đánh giá cao kế hoạch của Tập đoàn trong việc thúc đẩy sản xuất nội địa và xuất khẩu hàng Việt Nam sang Nhật Bản và thị trường quốc tế. Đây là kế hoạch rất phù hợp và đúng thời điểm khi các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam sẽ có lợi thế lớn khi Việt Nam đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do. Thủ tướng mong muốn các hoạt động của Tập đoàn sẽ góp phần thúc đẩy thương mại điện tử, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản trị của hệ thống bán lẻ Việt Nam.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, số lượng các doanh nghiệp FDI đã chuyển đổi từ công ty trách nhiệm hữu hạn sang công ty cổ phần và niêm yết tại sàn chứng khoán Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Theo thống kê của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, giai đoạn 2003 - 2008 đã có 10 doanh nghiệp FDI (CTCP Dây và Cáp điện Taya Việt Nam (2005), CTCP Gạch men Chang Yih (2006), CTCP Thực phẩm Quốc tế (2006), CTCP Full Power (2006), CTCP Công nghiệp Tung Kuang (2006), CTCP Công nghiệp Gốm sứ Taicera (2006), CTCP Quốc tế Hoàng Gia (2007), CTCP Mirae (2008), CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (2008), CTCP Everpia (2010)) được chấp thuận chuyển đổi từ hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn sang công ty cổ phần và được niêm yết TTCK. Sau giai đoạn này có thêm 1 doanh nghiệp FDI niêm yết là CTCP Siam Brothers Việt Nam (2017) được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014.
Đến thời điểm hiện tại, sàn chứng khoán Việt Nam còn 8 doanh nghiệp FDI đang niêm yết và 2 công ty đang đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Vốn hóa của doanh nghiệp FDI niêm yết, đăng ký giao dịch chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn hóa thị trường (khoảng 0,3%). Tuy nhiên, sự gia nhập của AEON cùng sức hút từ thị trường chứng khoán Việt Nam đang ngày càng sôi động mở ra kỳ vọng có thêm nguồn cung hàng hóa cổ phiếu chất lượng từ nhóm doanh nghiệp này.