Nhiều thách thức cho mô hình đầu tư cũ
Trước đây, ngoại trừ 2 trung tâm lớn TP.HCM và Hà Nội được Aeon phát triển đầy đủ hệ sinh thái, tại các địa phương khác, thương hiệu Nhật Bản này triển khai đầu tư theo hướng khởi phát là mô hình trung tâm thương mại, tiến hành theo kiểu vết dầu loang, tập trung bám các trục đường lớn để đảm bảo duy trì việc vận chuyển hàng hóa thông suốt. Đơn cử là sau TP.HCM, ở miền Đông, Aeon Bình Dương được đầu tư với quy mô một trung tâm thương mại.
Tuy nhiên, hướng đầu tư này đang gặp phải 3 thách thức lớn. Đó là, đòi hỏi quỹ đất lớn và sẵn sàng ở các địa phương (theo tìm hiểu, dự án của Aeon tại Long An vẫn chưa triển khai được cũng vướng yếu tố này, dù đại diện Aeon từ chối bình luận); quy định về “kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT)” (quy định của Chính phủ về tính cần thiết khi mở một trung tâm thương mại thứ hai); hệ thống giao thông - logistics đảm bảo cung ứng hàng hóa đáp ứng các quy chuẩn khắt khe về chất lượng thực phẩm.
Ở điều kiện thứ nhất, với uy tín và sức hấp dẫn của thương hiệu Aeon, rất nhiều địa phương đã dành sẵn quỹ đất sạch, “trải chiếu hoa” mời Aeon đến đầu tư. Mới đây nhất, các cơ quan chức năng của Cần Thơ trực tiếp đặt vấn đề và cam kết tạo điều kiện để Aeon triển khai đầu tư tại địa phương.
Tuy nhiên, với điều kiện thứ hai, đại diện Aeon cho biết, thời gian tham vấn, lấy ý kiến các cơ quan chức năng để chuẩn bị thủ tục xin giấy phép khá dài, ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ triển khai các dự án của Aeon tại Việt Nam.
Phát triển mô hình “1+1” để tăng độ phủ
Việt Nam được xem là một trong 2 thị trường đầu tư trọng điểm ngoài Nhật Bản của Aeon tại khu vực châu Á. Do vậy, tăng tốc mở rộng đầu tư phát triển mạng lưới là một trong những mục tiêu chủ lực được Aeon hướng đến ngay khi đặt chân vào Việt Nam. Tuy nhiên, những thách thức về thủ tục đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch đầu tư mở rộng mạng lưới của tập đoàn này.
Để tăng tốc cho kế hoạch đầu tư của mình, năm 2024, Aeon tiếp tục phát triển các trung tâm mua sắm quy mô lớn. “Bên cạnh đó, Aeon mở rộng thêm hình thức đầu tư thứ hai là đầu tư các siêu thị mô hình linh hoạt phù hợp đặc thù, dung lượng thị trường của từng địa phương theo hướng đồng hành cùng các nhà phát triển bất động sản tại các khu vực khác nhau”, ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc Công ty TNHH Aeon Việt Nam chia sẻ riêng với phóng viên Báo Đầu tư.
Như vậy, thay vì phải xúc tiến đầu tư một trung tâm thương mại như một dự án độc lập, Aeon sẽ bắt tay với các nhà phát triển bất động sản (mô hình 1+1) đã có sẵn quỹ đất, dự án tại các địa phương để hợp tác phát triển các mô hình trung tâm thương mại, siêu thị vừa và nhỏ, cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng chuyên doanh. Với chiến lược 1+1 này, Aeon kỳ vọng sớm tăng độ phủ tại nhiều tỉnh, thành phố tại Việt Nam.
Trước mắt, trong năm 2024, Aeon sẽ khai trương và đưa vào hoạt động một trung tâm mua sắm tại Huế; lên kế hoạch khai trương 2-3 trung tâm quy mô lớn bao gồm trung tâm mua sắm, trung tâm bách hóa tổng hợp - siêu thị và siêu thị quy mô nhỏ tại miền Bắc. Tại phía Nam, Aeon sẽ phát triển mô hình siêu thị tinh gọn và các cửa hàng chuyên doanh trên toàn quốc. Trong giai đoạn 2024-2025, tầm nhìn đến 2030, Aeon hướng đến mục tiêu mỗi năm phát triển ít nhất 5 trung tâm thương mại mới theo mô hình 1+1.