Là “người đến sau”, nhưng AEON đang kinh doanh khá thành công ở thị trường Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh |
Tham vọng lớn của AEON
Tập đoàn AEON (Nhật Bản) cách đây ít ngày đã chính thức công bố việc đưa AEON Mall Hà Đông vào hoạt động từ cuối tháng 11 này, với vốn đầu tư khoảng 180 triệu USD. AEON Mall Hà Đông có tổng diện tích sàn khoảng 150.000 m2 và tổng diện tích cho thuê là 74.000 m2.
Sẽ có khoảng 220 gian hàng trong trung tâm thương mại này, trong đó gian hàng chủ chốt là Trung tâm Bách hóa tổng hợp và Siêu thị AEON Hà Đông, do Công ty TNHH AEON Việt Nam đầu tư và quản lý, với tổng diện tích trên 16.259 m2.
Kể từ khi bắt đầu đưa AEON Mall đầu tiên vào hoạt động (năm 2014), đến nay, tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản đã có 5 trung tâm thương mại tại Việt Nam, gồm AEON Mall Tân Phú Celadon, AEON Mall Bình Dương Canary, AEON Mall Long Biên, AEON Mall Bình Tân và AEON Mall Hà Đông.
Như vậy, cho tới thời điểm này, vốn đầu tư của AEON tại Việt Nam đã lên tới gần 700 triệu USD, một con số không nhỏ so với vốn đầu tư mà các đại gia bán lẻ nước ngoài khác đã “dốc” vào Việt Nam.
Tuy nhiên, kế hoạch của AEON sẽ không dừng lại ở đó. Tại buổi họp báo công bố sắp ra mắt AEON Mall Hà Đông, ông Iwamura Yasutsugu, Tổng giám đốc Công ty TNHH AEON Mall Việt Nam cho biết, Việt Nam đang dần trở thành thị trường trọng điểm của AEON ở châu Á.
“Chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo đuổi kế hoạch đầu tư xây dựng 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam đến năm 2025”, ông Iwamura Yasutsugu nói.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên, kế hoạch này được nhắc tới. AEON đã nuôi tham vọng lớn ở thị trường Việt Nam ngay từ khi bắt đầu khảo sát thị trường, mở văn phòng đại diện tại Việt Nam từ năm 2008. Sau đó, là cú bắt bay với Trung Nguyên để cho ra mắt G7-Ministop vào năm 2011.
Nhưng bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự có mặt “đình đám” của AEON tại Việt Nam phải là năm 2014, khi AEON Mall Celadon Tân Phú (TP.HCM) chính thức đi vào hoạt động.
Rất nhanh sau đó, AEON đã không ngừng mở các trung tâm thương mại lớn, đồng thời mua cổ phần trong hệ thống các siêu thị lớn của Việt Nam là Citimart và Fivimart, để không ngừng khuếch trương thanh thế và thực hiện tham vọng chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam.
Giấc mơ có thành?
Cùng thời điểm AEON “nhảy” vào thị trường bán lẻ Việt, hàng loạt tên tuổi lớn nước ngoài cũng đã tìm cách “gửi chân”, từ Metro Cash&Carry, BigC, rồi Lotte, Auchan… Đến nỗi, đã có lo ngại rằng, thị trường bán lẻ Việt sẽ rơi vào tay nước ngoài, khiến hàng Việt khó “sống” ở thị trường Việt.
Nhưng thực tế, đến nay, chính các doanh nghiệp Việt mới là những người trỗi dậy trên thị trường bán lẻ Việt. Theo một báo cáo được công bố gần đây của Hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, trong Top 10 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam năm 2018, chỉ có hai cái tên nước ngoài là Central Group (đứng vị trí thứ 3) và AEON (đứng vị trí thứ 10).
Metro Cash&Carry, sau một thời gian hoạt động tại Việt Nam, đã phải “bán mình”. Auchan cũng phải rời khỏi thị trường, để lại toàn bộ các siêu thị của mình cho Saigon Co.op.
Bởi vậy, câu hỏi được đặt ra là, liệu giấc mơ của AEON có trở thành hiện thực?
Có một thực tế là, AEON dù là “người đến sau”, nhưng được cho là đã kinh doanh khá thành công ở thị trường Việt Nam, nhanh chóng có doanh thu cao và có lãi. Con số doanh thu năm 2018 của AEON được Euromonitor nhắc đến là 320 triệu USD.
Trong bối cảnh đó, việc AEON tiếp tục nuôi tham vọng thống lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam là điều dễ hiểu. “Mục tiêu xây dựng 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam đến năm 2025 là khá thách thức, nhưng hoàn toàn không phải là không thực hiện được”, ông Iwamura Yasutsugu cho biết.
Theo ông Iwamura Yasutsugu, AEON mới tập trung xây dựng các trung tâm thương mại ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và tới đây, Công ty sẽ đầu tư vào các địa phương khác.
Địa điểm tiếp theo, chắc chắn sẽ là AEON Mall Hải Phòng, với vốn đầu tư khoảng 190 triệu USD. Dự án này đã được cấp chứng nhận đầu tư và cũng đã được khởi công xây dựng, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2020.
Ngoài dự án trên, AEON cũng đã từng đề xuất kế hoạch xây dựng bãi đỗ xe và trung tâm thương mại ở khu vực Hoàng Mai (Hà Nội), với vốn đầu tư lên tới 280 triệu USD.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, vị này cho biết, có thể tới đây, AEON sẽ xây dựng các trung tâm thương mại với quy mô nhỏ hơn và tìm kiếm các đối tác có đủ tiềm năng để hiện thực hóa kế hoạch xây dựng 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam.
Tuy vậy, 6 năm không phải là thời gian quá dài để AEON có thể xây dựng 15 trung tâm thương mại còn lại theo kế hoạch. Điều này có nghĩa, mỗi năm, sẽ phải có 2 - 3 trung tâm được đưa vào xây dựng.
Con đường dễ dàng nhất, theo ông Alex Crane, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, là các nhà đầu tư nước ngoài chọn con đường mua lại (M&A) để sớm thâm nhập thị trường Việt Nam. Thời gian qua, rất nhiều thương vụ M&A được thực hiện trong lĩnh vực này.
Nhưng AEON cũng đã từng M&A, cũng đã từng liên doanh, với Trung Nguyên, Citimart, Fivimart. Nhưng không có cuộc kết hôn nào suôn sẻ, mà cuối cùng, lựa chọn tốt nhất là chia tay.
Vậy thì đâu là con đường tốt nhất để AEON thực hiện tham vọng của mình tại thị trường Việt Nam? Câu trả lời, có lẽ vẫn nằm ở hai chữ “chờ đợi”…