Mùa ĐHCĐ năm nay, nhiều DN sẽ phải thông qua việc sửa đổi Điều lệ doanh nghiệp để phù hợp với Luật Doanh nghiệp 2014 |
Tuy nhiên, thực tế đã nảy sinh một số trường hợp oái ăm là tỷ lệ bỏ phiếu không đủ để thông qua việc sửa điều lệ và nếu thực hiện theo điều lệ này, một số nội dung nghị quyết ĐHCĐ có thể bị tuyên vô hiệu nếu doanh nghiệp có tranh chấp.
Cuối năm 2015, ĐHCĐ bất thường của một doanh nghiệp có vốn điều lệ 200 tỷ đồng trên Sở GDCK Hà Nội được tổ chức, trong đó có nội dung sửa đổi Điều lệ công ty để tuân thủ theo các quy định của Luật Doanh nghiệp 2014. Có 217 người tham dự Đại hội, đại diện hợp pháp cho 18,7 triệu cổ phần phổ thông, chiếm 93,54% tổng số cổ phần phổ thông của Công ty, đủ điều kiện tiến hành ĐHCĐ theo quy định.
Đến phần thảo luận, cổ đông lớn của doanh nghiệp đã có ý kiến đề nghị sửa đổi một số quy định tại Dự thảo sửa đổi Điều lệ của Công ty trình ĐHCĐ bất thường năm 2015.
Chẳng hạn, về điều kiện tiến hành triệu tập ĐHCĐ, cổ đông này yêu cầu phải sửa đổi lại thành: “ĐHCĐ được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện cho ít nhất 65% cổ phần có quyền biểu quyết. Cuộc họp của ĐHCĐ triệu tập lần thứ hai chỉ được tiến hành khi có thành viên tham dự là các cổ đông và những đại diện được ủy quyền dự họp đại diện cho ít nhất 51% cổ phần có quyền biểu quyết”. Lưu ý là dự thảo Điều lệ của Công ty đưa ra tỷ lệ 51% cho lần họp đầu tiên là phù hợp với những quy định mới trong Luật Doanh nghiệp 2014.
Đến phần biểu quyết việc sửa đổi Điều lệ của Công ty, chỉ có 67,36% số cổ phần có quyền biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành, ý kiến không tán thành chiếm 32,64%. Để việc sửa đổi Điều lệ được thông qua, cần 75% có quyền biểu quyết tán thành, điều này đồng nghĩa với việc dự thảo Điều lệ không được thông qua. Bởi vậy, hiện Điều lệ của Công ty có nhiều nội dung trái với quy định của Luật Doanh nghiệp 2014.
Trong khi đó, theo các quy định về quản trị doanh nghiệp niêm yết của cơ quan quản lý, điều lệ công ty phải tuân thủ Luật Doanh nghiệp, nếu điều lệ công ty chưa tuân thủ Luật thì ĐHCĐ của doanh nghiệp có nghĩa vụ phải sửa điều lệ. Ở trường hợp này, thật khó hiểu về cách hành xử của cổ đông lớn nêu trên!
Trao đổi với ĐTCK, một cán bộ thuộc bộ phận thanh tra, giám sát UBCK cho biết, họ cũng chưa gặp phải “ca” nào khó xử như trên. Trong trường hợp này, doanh nghiệp sẽ phải tổ chức lại ĐHCĐ để sửa Điều lệ công ty. UBCK cũng sẽ có công văn nhắc nhở cổ đông của công ty phải thực hiện đúng các quy định của Luật. Còn việc xử phạt sẽ được cân nhắc dựa vào tình huống thực tế tại doanh nghiệp.
Đặt câu hỏi rằng, liệu việc không bỏ phiếu thông qua sửa đổi Điều lệ doanh nghiệp của cổ đông trên có xuất phát từ thiếu hiểu biết, không nắm được các quy định của luật mới? Câu trả lời khá rõ ràng, rất khó để xảy ra tình huống đó vì cổ đông lớn của doanh nghiệp trên hiện đang là một tổng công ty lớn.
Không chỉ nắm quyền đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này, tổng công ty trên còn nắm quyền đại diện vốn nhà nước tại hàng chục doanh nghiệp khác. Cách hành xử vi phạm quy định pháp luật nói trên, đang gây ra nhiều hậu quả xấu cho doanh nghiệp.
Ai sẽ chịu các phí tổn phát sinh cho việc doanh nghiệp phải tổ chức lại ĐHCĐ? Liệu trong các lần tiếp theo, cổ đông có tiếp tục bỏ phiếu chống việc sửa điều lệ công ty như trước đó?
Có thể các chế tài hiện nay chưa có quy định xử phạt cho việc trì hoãn sửa đổi điều lệ công ty theo các quy định mới của Luật Doanh nghiệp và các thông lệ quản trị hiện đại. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý các doanh nghiệp đại chúng, nên chăng xem xét bổ sung và làm rõ nội dung này.
Trường hợp đã được khuyến cáo mà cổ đông của doanh nghiệp cố tình không chấp nhận việc sửa điều lệ theo Luật Doanh nghiệp mới, thì hơn ai hết chính họ phải chịu trách nhiệm cho việc này. Phạt tiền hay một hình thức cảnh cáo nào khác, do đó, rất cần được thực hiện nhằm hạn chế tối đa các trường hợp vi phạm, đi ngược lại lợi ích của doanh nghiệp và đa số cổ đông khác trong công ty.