Cơ hội sở hữu những Cienco cuối cùng
Theo thông tin của Báo Đầu tư, 4 người đại diện phần vốn nhà nước tại Cienco 6 vừa có văn bản trình Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) phương án thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp xây dựng công trình giao thông hàng đầu khu vực phía Nam này.
Đây là lần thứ 3 trong vòng 1 năm qua, phương án thoái vốn nhà nước được Cienco6 trình lên Bộ GTVT sau khi lãnh đạo đơn vị cập nhật chủ trương mới nhất của Chính phủ về việc áp dụng hình thức bán theo lô.
Cụ thể, Cienco 6 sẽ chào bán toàn bộ phần vốn nhà nước hiện có với khối lượng 45.695.000 cổ phần, tương đương 92,88% vốn điều lệ. Với mệnh giá 10.000 đồng, Cienco 6 là doanh nghiệp có giá trị cổ phần chào bán lớn vào bậc nhất trong các đợt thoái vốn mà Bộ GTVT từng thực hiện.
“Nếu được bộ chủ quản cho phép, toàn bộ cổ phần nhà nước chào bán sẽ được bán theo 1 lô, với giá khởi điểm 10.011 đồng/cổ phần, thực hiện theo hình thức bán đấu giá công khai thông qua Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM”, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT Cienco 6 cho biết.
Với quy mô vốn điều lệ được thoái như trên, nếu khớp lệnh thành công, quyền kiểm soát tại Cienco 6 đương nhiên thuộc về các nhà đầu tư khi lượng cổ phần thuộc các nhà đầu tư nhỏ lẻ và cán bộ - công nhân viên nắm giữ không vượt quá 5% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, để lọt vào vòng đấu giá, các ứng viên tiềm năng phải thỏa mãn 5 tiêu chí, trong đó nặng nhất là về năng lực tài chính. Theo đề xuất của nhóm người đại diện phần vốn nhà nước tại Cienco 6, nhà đầu tư phải có vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/12/2014 được kiểm toán tối thiểu bằng 75% vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ - Tổng công ty (tương đương 379,3 tỷ đồng), tổng doanh thu năm 2014 tối thiểu là 1.858,7 tỷ đồng (tương đương doanh thu của Cienco 6), không có lỗ lũy kế và lợi nhuận sau thuế năm 2014 tối thiểu bằng 10% vốn chủ sở hữu (tương đương 37,9 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, nhà đầu tư phải thực hiện mua tiếp số cổ phần còn lại (sau khi mua thành công cổ phần nhà nước thoái vốn) theo quy định pháp luật về chứng khoán, đồng thời phải không chuyển nhượng trong vòng 5 năm.
Ngại quy mô vốn lớn
Cần phải nói thêm rằng, Cienco 6 chính là tổng công ty bị “ế” nặng nhất trong số các tổng công ty xây lắp ngành GTVT khi tiến hành phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2014. Trước khi tiến hành IPO, dù Cienco 6 đã điều chỉnh quy mô vốn điều lệ từ 600 tỷ đồng xuống còn 492 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ bán được 3.153.750 cổ phần, tương đương 6,41% vốn điều lệ. Cienco 6 cũng là tổng công ty duy nhất không tìm được cổ đông chiến lược khi chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Được biết, theo phương án IPO Cienco 6 do Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt hồi giữa năm 2014, Nhà nước chỉ sở hữu 51% vốn điều lệ tại Cienco 6, tương đương 30.600.000 cổ phần. Trong khi đó, 49% vốn điều lệ, tương đương 29.400.000 cổ phần của Cienco6 được bán đấu giá cho các nhà đầu tư và cán bộ - công nhân viên. Cụ thể, Công ty tổ chức bán đấu giá 28.724.100 cổ phần (47,87%) cho các nhà đầu tư và bán 675.900 cổ phần (1,13%) cho cán bộ - công nhân viên. Việc Nhà nước vẫn nắm chi phối là lý do chính dẫn tới việc IPO Cienco 6 không đạt như kỳ vọng đề ra.
Ngoài việc là doanh nghiệp không bị gánh nặng thua lỗ, hồ sơ kinh nghiệm Cienco6 là rất tốt khi họ đã từng tham gia thi công các công trình lớn, như Cảng dầu khí Vũng Tàu, cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cầu Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận, cầu Rạch Miễu, cầu Phú Mỹ, hầm đường bộ Hải Vân, metro Bến Thành - Suối Tiên, Sân bay Tân Sơn Nhất, Sân bay Đà Nẵng...
“Thế mạnh của Cienco 6 là kinh nghiệm thi công đường cao tốc, đường hạ cất cánh tại các cảng hàng không lớn”, một chuyên gia cho biết.
“Ngoài tiềm năng kinh doanh, việc được nắm quyền chi phối tổng công ty này là động lực thu hút rất lớn đối với các nhà đầu tư”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đánh giá.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, hiện có 3 nhà đầu tư tư nhân đã đăng ký tham gia mua toàn bộ cổ phần nhà nước tại Cienco6, trong đó đáng kể nhất là Công ty cổ phần Tập đoàn Hải Thạch (Phú Yên). Hai nhà đầu tư khác ít tên tuổi hơn là Công ty TNHH và Sản xuất Quản Trung và Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Tín.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đều nộp đơn từ trước tháng 7/2015, khi phương án thoái vốn của Cienco 6 chỉ là 51% vốn điều lệ do Nhà nước nắm giữ.
“Việc bỏ ra ngay một lúc gần 500 tỷ đồng để thanh toán lô cổ phần hơn 45 triệu cổ phần thực sự là một rào cản không dễ vượt qua cho những nhà đầu tư có tham vọng chi phối Cienco này”, một chuyên gia tài chính đánh giá.