Đầu cầu Hà Nội tại phiên họp Uỷ ban Kinh tế AIPA 41. |
Ủy ban Kinh tế AIPA 41 quyết nghị ủng hộ việc triển khai các sáng kiến của ASEAN nhằm chủ động và kịp thời ứng phó, đồng thời phối hợp khu vực để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, bảo đảm sự ổn định tài chính, kinh tế vĩ mô và từng bước khôi phục hoạt động kinh tế trong trạng thái bình thường mới.
Sáng 10/9, báo cáo tại họp phiên toàn thể của AIPA 41, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam, ông Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban Kinh tế của AIPA 41 bày tỏ quan ngại sâu sắc về những tổn thất to lớn do đại dịch Covid-19 gây ra cho nền kinh tế các nước ASEAN. Ủy ban khẳng định tầm quan trọng của liên kết kinh tế trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phục hồi toàn diện của các nước thành viên ASEAN và nhấn mạnh vai trò quan trọng của Nghị viện trong giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Vì thế, Ủy ban quyết nghị ủng hộ việc triển khai các sáng kiến của ASEAN nhằm chủ động và kịp thời ứng phó, đồng thời phối hợp khu vực để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, bảo đảm sự ổn định tài chính, kinh tế vĩ mô và từng bước khôi phục hoạt động kinh tế trong trạng thái bình thường mới.
Ủy ban Kinh tế cũng kêu gọi các nước thành viên ASEAN duy trì các biện pháp phòng ngừa ứng phó với đại dịch Covid-19, ban hành những chính sách về giáo dục, việc làm và cải thiện hệ thống y tế công, đồng thời, thực hiện các biện pháp chính sách phù hợp nhằm giảm tác động về mặt kinh tế của đại dịch Covid-19 đến các ngành, nghề chịu tác động mạnh nhất trong ASEAN, bao gồm ngành vận chuyển, du lịch, bán lẻ, sản xuất và ngành dịch vụ khác.
Ủy ban hoan nghênh việc thành lập Quỹ ASEAN ứng phó đại dịch Covid-19 như một công cụ để đáp ứng các nhu cầu cấp bách và mục tiêu dài hạn của các nước thành viên ASEAN phát sinh từ đại dịch.
Ủy ban Kinh tế AIPA ghi nhận công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong tăng cường liên kết kinh tế ASEAN cũng như sự sẵn sàng của ASEAN để ứng phó với các thách thức từ đại dịch Covid-19. Ủy ban quyết nghị thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng số, kết nối số, an ninh và bảo mật số, kiến thức và kỹ năng số giữa các nước thành viên ASEAN để phát triển kinh tế số; tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm khắc phục bất lợi từ việc đóng cửa nền kinh tế và giãn cách xã hội trong đại dịch Covid-19.
Ủy ban khuyến nghị các Nghị viện thành viên AIPA tiếp tục rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và các chuỗi cung ứng không gián đoạn; xây dựng chính sách đầu tư thông thoáng, bền vững, có trách nhiệm; bảo đảm an ninh lương thực và chuỗi giá trị nông nghiệp; nghiên cứu các khuôn khổ lập pháp mới và thiết yếu để thể chế hóa các cơ chế chuẩn bị và ứng phó với đại dịch Covid-19 và các đại dịch trong tương lai; tăng cường việc triển khai kinh tế tuần hoàn và sử dụng năng lượng tái tạo vì sự phát triển bền vững.
Ủy ban hoan nghênh và khuyến khích những nỗ lực từ phía các khuôn khổ hợp tác vùng, bao gồm khu vực Mê Công, thúc đẩy phát triển bao trùm và bền vững trong Cộng đồng ASEAN bằng cách gắn tăng trưởng tiểu vùng với sự phát triển toàn diện của ASEAN; khuyến khích sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan theo từng ngành trong ASEAN và các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng nhằm đạt được mục tiêu chung là thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên ASEAN, ông Thanh cho biết.