Quốc tế
Ấn Độ muốn lôi kéo hơn 1.000 công ty Mỹ rời Trung Quốc
Hà Thu - 08/05/2020 08:43
Khi Mỹ - Trung bất đồng và kinh tế trong nước trì trệ, Ấn Độ tung ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp muốn chuyển khỏi Trung Quốc.

Bloomberg trích lời một quan chức Ấn Độ cho biết trong tháng 4, chính phủ nước này đã tiếp cận hơn 1.000 công ty Mỹ và đưa ra các ưu đãi với các doanh nghiệp đang cân nhắc chuyển khỏi Trung Quốc. Nước này ưu tiên các hãng cung cấp thiết bị y tế, chế biến thực phẩm, dệt may, da và phụ tùng xe hơi.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đổ lỗi cho Trung Quốc trong việc xử lý đại dịch được cho là sẽ làm trầm trọng thêm quan hệ thương mại toàn cầu, trong bối cảnh các công ty và chính phủ chuyển tài nguyên khỏi Trung Quốc để đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Đến nay, Nhật Bản đã dành riêng 2,2 tỷ USD hỗ trợ các hãng chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc. Một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng lên kế hoạch giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước này.

Với Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi, tăng dòng tiền đầu tư sẽ giúp vực dậy nền kinh tế đã phong tỏa 8 tuần qua do đại dịch. Nó cũng sẽ giúp ông tạo nền tảng để đạt mục tiêu đưa sản xuất đóng góp 25% GDP vào năm 2022, từ mức 15% hiện tại. Nhu cầu tạo việc làm càng cấp bách, khi đại dịch đang khiến 122 triệu người Ấn Độ không có việc làm.

Tổng thống Donald Trump bắt tay Thủ tướng Narendra Modi tại sân vận động Motera ở Ahmedabad, Ấn Độ hôm 24/2. Ảnh: PMO

Đây cũng là cơ hội giúp Ấn Độ đẩy nhanh quá trình cải tổ đất, lao động và thuế đã đình trệ từ lâu, khiến đầu tư bị kìm hãm nhiều năm qua. Tăng trưởng chậm và nhiều cuộc biểu tình trên toàn quốc đang khiến các công ty cảm thấy rủi ro khi đánh giá Ấn Độ.

"Doanh nghiệp sẽ tìm được nhiều cơ hội ở Ấn Độ để có chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng điều này đòi hỏi chính phủ đầu tư nghiêm túc vào cơ sở hạ tầng và cách thức quản trị", Paul Staniland - giảng viên tại Đại học Chicago nhận xét, "Ấn Độ đang đối mặt với cạnh tranh khốc liệt từ các nước ở Nam và Đông Nam Á".

Giới chức Ấn Độ đã thuyết phục các doanh nghiệp rằng dù tổng chi phí cao hơn Trung Quốc, họ vẫn còn rẻ hơn Mỹ hay Nhật Bản nếu xét về đất đai và lao động lành nghề. Họ cũng cam kết sẽ cân nhắc các yêu cầu cụ thể về thay đổi luật lao động. Chính phủ cũng đang cân nhắc đề xuất hoãn áp thuế giao dịch trực tuyến của các hãng thương mại điện tử.

Bộ Thương mại Ấn Độ đang lấy ý kiến đóng góp của doanh nghiệp Mỹ về các thay đổi cần thiết để luật lao động và thuế của nước này thân thiện hơn với các công ty, một quan chức cho biết. Chính phủ đang làm việc với các bang để đảm bảo có giải pháp lâu dài, đặc biệt là về vấn đề tiếp cận đất đai. 

Ấn Độ kỳ vọng thu hút các công ty Mỹ trong lĩnh vực sản phẩm và thiết bị y tế. Họ đang nói chuyện với Medtronic và Abbott Laboratories về việc dời sang đây. Cả hai hãng đều đã hiện diện tại Ấn Độ. Việc này sẽ giúp họ dễ dàng hơn trong việc chuyển chuỗi cung ứng sang đây.

Nỗ lực của Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh nhiều công ty đã chọn Đông Nam Á thay vì Ấn Độ làm điểm đến thay thế khi Mỹ bắt đầu chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Ông Modi đang muốn đẩy mạnh đầu tư từ Mỹ và cải thiện mối quan hệ với nước này. Hồi tháng 2, hai nước đã không đạt thỏa thuận thương mại nào trong chuyến thăm được kỳ vọng nhiều của Donald Trump đến Ấn Độ.

Tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo cho biết Mỹ đang làm việc với Ấn Độ, Australia, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam về cách "tái cấu trúc các chuỗi cung ứng này để ngăn tình hình hiện tại tái diễn". Reuters tuần này cũng đưa tin chính phủ Mỹ đang đẩy nhanh sáng kiến giảm phụ thuộc chuỗi cung ứng vào Trung Quốc.

Ấn Độ tháng trước đã gỡ bỏ một phần lệnh cấm xuất khẩu hydroxychloroquine và paracetamol, theo đề nghị của Trump. Họ cũng chấp thuận các khoản đầu tư trị giá 130 tỷ rupee (1,7 tỷ USD) để sản xuất nhiều thuốc và thiết bị y tế hơn, đồng thời thúc đẩy nội địa hóa việc sản xuất các nguyên liệu trung gian trong ngành dược phẩm để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

"Ấn Độ là thị trường lớn so với một số nước Đông Nam Á. Vì thế, họ sẽ hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư đang muốn chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc", Ajay Sahai - Tổng giám đốc Hiệp hội các nhà xuất khẩu Ấn Độ cho biết, "Nhưng ngoài đất, nước, xử lý chất thải, điều quan trọng nhất Ấn Độ phải thay đổi là đưa ra cam kết rõ ràng chính phủ sẽ không có các chính sách thuế bất lợi".

Một số bang đã đảm bảo chuỗi ung cứng cho các hãng sản xuất nước ngoài vẫn hoạt động trong thời gian cả nước phong tỏa. Số khác cũng cho biết sẽ nhượng bộ với các doanh nghiệp muốn chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.

"Một lượng vốn lớn của Mỹ đang tìm kiếm địa điểm bên ngoài. Và Ấn Độ đã lên tiếng", Mukesh Aghi - Chủ tịch Diễn đàn Đối tác và Chiến lược Mỹ - Ấn Độ cho biết, "Các công ty cũng nhận ra rằng dù chuỗi cung ứng lớn tại Trung Quốc đem lại lợi ích kinh tế, bỏ tất cả trứng vào một giỏ là chuyện vô ích".

Tin liên quan
Tin khác