Thời sự
An Giang muốn trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp, thủy sản công nghệ cao
Kỳ Thành - 26/11/2022 11:50
Theo dự thảo Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, An Giang sẽ phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, dựa trên lợi thế về nguồn nguyên liệu tại tỉnh.

Ngày 25/11, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã tổ chức phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

An Giang là vùng đất địa đầu biên giới Tây Nam với nhiều yếu tố đặc trưng và giữ vai trò rất quan trọng trong chiến lược quốc phòng của nước ta, góp phần bảo vệ vững chắc nền độc lập của đất nước ở phía Tây Nam Tổ quốc. 

Bên cạnh đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, An Giang tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế, các năm gần đây năm sau cao hơn năm trước; quy mô kinh tế đứng thứ 5/13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. GRDP giai đoạn 2015 - 2020 ước đạt 5,25%/năm, phù hợp với điều kiện và nguồn lực của địa phương; đời sống của Nhân dân tiếp tục được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 46,8 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo đa chiều đến năm 2020 giảm còn 1,93%, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước; chất lượng giáo dục, đào tạo được nâng lên; diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng khang trang hơn.

Phiên họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. (Ảnh: Đức Trung)

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tạo sự đột phá mới trong phát triển, hướng tới một khát vọng thịnh vượng, trong thời gian qua, tỉnh An Giang đã nỗ lực, tập trung xây dựng được bản quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 để trình Hội đồng thẩm định xem xét trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ trưởng lưu ý, công tác lập quy hoạch đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước nói chung và của từng ngành, từng vùng, từng địa phương nói riêng. Công tác quy hoạch phải phát huy khai thác được các tiềm năng, lợi thế của địa phương, sẵn sàng ứng phó với các thách thức mới thì chúng ta mới xây dựng được con đường phát triển trong tương lai. Công tác quy hoạch tốt là khi thực sự dẫn dắt được cuộc chơi trong nền kinh tế thị trường có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, và nếu thất bại là chưa thực hiện được đầy đủ vai trò dẫn dắt, kiến tạo của Nhà nước.

Việc lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 cần nhận diện các yếu tố mới, trong điều kiện hoàn cảnh mới để chủ động ứng phó với các thách thức. Từ bối cảnh mới, chúng ta nhận ra đâu là cơ hội mới, thách thức mới, để có được tư duy mới, tầm nhìn mới, tạo dựng không gian phát triển mới, động lực phát triển mới cho tỉnh và đất nước.

Theo Báo cáo Quy hoạch tỉnh, mục tiêu đến năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển vững chắc hệ sinh thái công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm và một số ngành công nghiệp chế tác. 

Bên cạnh đó, An Giang đặt mục tiêu đến năm 2030 là trung tâm sản xuất nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu và phát triển giống nông nghiệp, giống thủy sản và dược liệu, là đầu mối giao thương, hợp tác quốc tế với Campuchia và các nước khu vực ASEAN, là trung tâm du lịch tâm linh và du lịch sinh thái của vùng; không gian kinh tế - xã hội được bố trí hợp lý, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối hiệu quả với các địa phương trong vùng...

Phát biểu tại Phiên họp, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh, để mục tiêu trên trở thành hiện thực, trước tiên tỉnh An Giang cần phải xây dựng quy hoạch tỉnh với chất lượng tốt, phản ánh đúng bối cảnh, thực trạng của địa phương, nhận định chính xác thuận lợi và khó khăn; đề ra chiến lược, giải pháp thực chất, khả thi và nhất là phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Trong Báo cáo Quy hoạch, An Giang lựa chọn kịch bản phát triển với định hướng là địa phương phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, dựa trên lợi thế về nguồn nguyên liệu tại tỉnh; bên cạnh đó là phát triển các nền tảng công nghiệp chế tác phù hợp với nguồn lực con người, nhất là tranh thủ thời cơ dân số vàng, đưa tỉnh nhanh chóng thoát khỏi thực trạng kinh tế - xã hội chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nông thôn, năng suất thấp.

Mặt khác, với lợi thế vị trí chiến lược địa kinh tế, địa chính trị đặt trong mối quan hệ Hợp tác Kinh tế Tiểu vùng Mekong mở rộng và cộng đồng kinh tế ASEAN, An Giang có thể phát triển trở thành trung tâm đầu mối giao thương quốc tế, du lịch, đầu tư của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong chiến lược phát triển bền vững, hài hòa và bao trùm. 

Kịch bản này đòi hỏi sự năng động, chủ động của tỉnh An Giang trong việc nắm bắt các cơ hội từ bên ngoài, kết hợp tốt với các nguồn lực nội tại để phát huy các tiềm năng, lợi thế một cách phù hợp với bối cảnh quốc tế và trong nước. Đồng thời, kịch bản này cũng phù hợp với kịch bản phát triển không gian của vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Quy hoạch Vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tin liên quan
Tin khác