Khu công nghiệp Bình Hòa đã thu hút 16 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 5.179 tỷ đồng. |
Đóng góp lớn của các KCN, khu kinh tế cửa khẩu
Các KCN, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh An Giang đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. An Giang hiện có 5 KCN được quy hoạch với tổng diện tích đất tự nhiên là 850 ha, bao gồm KCN Bình Long (huyện Châu Phú, 150 ha) KCN Bình Hòa (huyện Châu Thành, 250 ha), KCN Hội An (huyện Chợ Mới, 100 ha), KCN Vàm Cống (TP. Long Xuyên, 200 ha) và KCN Xuân Tô (huyện Tịnh Biên, khoảng 150 ha).
Các KCN trên địa bàn tỉnh An Giang được quy hoạch ở những vị trí thuận lợi, tiếp giáp các trục giao thông thủy - bộ huyết mạch nội tỉnh và liên vùng, thuận tiện cho việc vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa; kết nối giao thương giữa tỉnh An Giang với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM và Campuchia. Hơn nữa, do nằm trên vùng nguyên liệu nông - thủy sản dồi dào, các KCN của An Giang có lợi thế thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Theo Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh An Giang, tính đến nay, An Giang đã xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh và thành lập 3 KCN, hiện có 2 KCN đang hoạt động và đã thu hút được 26 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 6.777 tỷ đồng.
Trong đó, KCN Bình Hòa có 16 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư (có 5 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký đầu tư là 5.179 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư đã thực hiện khoảng 2.819 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 10.898 lao động. Năm 2020, doanh thu của các doanh nghiệp trong KCN Bình Hòa đạt khoảng 2.756 tỷ đồng.
KCN Bình Long có 10 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư (trong đó có 2 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.598 tỷ đồng, tổng vốn đã thực hiện 1.053 tỷ đồng. Tại KCN này đã có 9 dự án hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 1.300 lao động. Năm 2020, doanh thu của 9 doanh nghiệp hoạt động trong KCN Bình Long đạt 1.018 tỷ đồng.
Đặc biệt, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh An Giang luôn chú trọng đẩy mạnh đầu tư hạ tầng và tăng cường thu hút đầu tư tại các KCN và khu kinh tế cửa khẩu, nhằm đạt được những kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Bên cạnh đó, nhằm phát huy vai trò của các cửa khẩu quốc tế trong việc kết nối Đồng bằng sông Cửu Long và TP. Phnom Penh (Campuchia), đẩy mạnh giao thương, phát triển kinh tế biên giới, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu An Giang đến năm 2030 tại Quyết định số 456/QĐ-TTg ngày 22/3/2016, với tổng diện tích 30.729,8 ha, bao gồm Cửa khẩu Vĩnh Xương (12.487 ha), Cửa khẩu Khánh Bình (8.141 ha) và Cửa khẩu Tịnh Biên (10.071 ha).
Triển khai thực hiện Quyết định số 456/QĐ-TTg, An Giang đã quy hoạch, đầu tư, xây dựng nhiều hạng mục, công trình hạ tầng tại khu kinh tế cửa khẩu, như Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, Khánh Bình, các hạ tầng khu thương mại - dịch Khánh Bình, Vĩnh Xương, Khu thương mại Tịnh Biên... Qua đó, góp phần tạo bộ mặt khang trang, hiện đại cho các khu vực cửa khẩu, thúc đẩy việc đồng bộ hệ thống hạ tầng, mở rộng thu hút được 13 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 577 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực
Thực tế, công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư vào các KCN, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh An Giang còn gặp nhiều khó khăn do nguồn lực hạn hẹp; trong khi các KCN, khu kinh tế cửa khẩu đa phần nằm ở các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, nên lợi thế thu hút đầu tư thấp, chưa hấp dẫn và chưa thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao, đóng góp nhiều cho ngân sách.
Để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng các KCN, khu kinh tế cửa khẩu, nguồn vốn từ Trung ương và ngân sách địa phương vẫn đóng vai trò quan trọng, nhưng cần đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng các nguồn lực, thúc đẩy xã hội hóa, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư tư nhân.
Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN, khu kinh tế cửa khẩu đồng bộ là điều kiện cần, nhưng chưa đủ, mà phải đồng thời tiến hành các giải pháp thu hút đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại các KCN, khu kinh tế cửa khẩu này. Trong đó, cải cách thủ tục hành chính là khâu trọng tâm nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp đến tìm hiểu, quyết định đầu tư tại các KCN, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh An Giang.
Trong năm 2020, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh An Giang đã tiếp nhận trên 99 bộ hồ sơ của các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực đầu tư, lao động, xây dựng và môi trường; 100% hồ sơ đã trả kết quả trước và đúng thời hạn quy định.
Ban đã thực hiện công khai, minh bạch thủ tục hành chính, thời gian giải quyết trên mạng Internet và niêm yết đồng bộ, thống nhất tại nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cơ quan; sử dụng hiệu quả phần mềm văn phòng điện tử VNPT-iOffice để xử lý văn bản, phần mềm dịch vụ hành chính công trong thực hiện tiếp nhận hồ sơ một cửa và sử dụng hộp thư điện tử tỉnh để trao đổi thông tin với các tổ chức, công dân và nội bộ cơ quan. Qua đó, tiết kiệm thời gian, chi phí và giám sát, kiểm soát được trong quá trình thực hiện và xử lý công việc nhanh chóng.