Trong đó, có 45% vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đất đai, 35% vướng mắc trong lĩnh vực tài chính, gồm: thuế, ngân hàng, nghĩa vụ tài chính đất đai, giá đất...; còn lại là những vấn đề khác như: đấu thầu, đền bù giải tỏa, giấy phép đủ điều kiện kinh doanh...
Từ những phản ánh đó, Ban Hỗ trợ DN tỉnh đã tổ chức 40 cuộc họp với DN để xử lý, giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN, phát hành hơn 200 văn bản trả lời, xử lý những nội dung kiến nghị của DN, hoặc giao cơ quan chuyên môn giải quyết theo thẩm quyền, sau đó báo cáo kết quả về UBND tỉnh trong thời gian qui định.
Tính đến nay, Ban Hỗ trợ DN tỉnh đã xử lý xong 251 trường hợp (trong đó có 2 trường hợp xử lý chậm hơn thời gian qui định), còn lại 2 trường hợp tiếp tục nghiên cứu xử lý (còn trong thời gian qui định). Từ đó, đã tạo tâm lý tin tưởng của DN đối với tinh thần hỗ trợ và kết quả giải quyết kiến nghị của UBND tỉnh.
UBND tỉnh An Giang trao bằng khen cho các DN có thành tích trong hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh năm 2016. |
Tại Hội nghị này, hầu hết các DN đều đánh giá cao kết quả hoạt động của Ban Hỗ trợ DN An Giang, xem đây là chuyển biến tích cực trong việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, tạo động lực cho DN yên tâm, mạnh dạn kinh doanh, đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Ông Tạ Minh Sơn, Giám đốc DNTN Tứ Sơn, hoạt động trong lĩnh vực thương mại- dịch vụ cho biết, vừa qua ông có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh An Giang về dự án của doanh nghiệp mình, và điều ông không thể ngờ là chỉ qua 30 phút trao đổi, ngay sau cuối buổi làm việc, Văn phòng UBND tỉnh An Giang đã gửi cho ông thông báo kết luận của UBND tỉnh An Giang. Ông Sơn nói: “Điều này ngoài sức tưởng tượng của tôi, tôi không nghĩ là có sự chuyển động quá nhanh như vậy. Suy nghĩ của tôi, làm việc với nhà nước thì nhanh nhất cũng mất 3 ngày, trễ lắm thì cũng phải 1 tuần mới có kết quả, chứ đâu ngờ chỉ 30 phút là đã có.”
Còn theo ông Hồ Thanh Mẫn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư giày An Giang: “Qua một năm Ban Hỗ trợ DN được thành lập, An Giang có thêm một “dung môi” mới làm thay đổi môi trường đầu tư, với chủ trương, chính sách hỗ trợ DN tích cực hơn. Điều dễ nhận thấy là trong năm qua đã có nhiều nhà đầu tư lớn về đầu tư tại An Giang...”
Ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Trưởng Ban Hỗ trợ DN tỉnh ví von: “Chúng tôi xem DN như một nhà máy sản xuất sản phẩm; Tỉnh ủy, Ủy ban là chủ nhà máy; lãnh đạo các sở, ngành là công nhân. Để cho nhà máy sản xuất được, có sản phẩm tốt cạnh tranh trên thị trường, nhiệm vụ đầu tiên là của Tỉnh ủy, Ủy ban; để các bộ phận đều hoạt động tốt đó là các DN; để các bộ phận không bị bị ách tắc là nhiệm vụ của các sở, ngành...Bởi có một phận bị ách tắc là toàn bộ nhà máy bị ách tắc...” Theo ông Nưng, DN có vai trò rất quan trọng, là động lực phát triển của tỉnh, là một trong những yếu tố góp phần đảm bảo vận mệnh quốc gia. Vì vậy, việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển là trách nhiệm của cán bộ, công chức với những việc làm, giải pháp cụ thể, thiết thực, cần phải đi vào chiều sâu, vận dụng tất cả kiến thức, sự hiểu biết và cái tâm của mình trong giải quyết những kiến nghị của DN.
Theo kế hoạch phát triển DN tỉnh An Giang giai đoạn 2017- 2020, An Giang phấn đấu đến năm 2020 có 10.000 DN đăng ký thành lập (bình quân mỗi ngày có 1,3 DN thành lập); toàn tỉnh có tổng số hộ kinh doanh chuyển sang DN là 700DN/năm.