Kiểm tra lao động được phép lưu thông trên đường trong thời gian giãn cách tại TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn |
Nhưng những người này đều bị yêu cầu quay đầu khi tới các chốt để tuân thủ quy định "ai ở yên nhà nấy". Họ là những ai? Phần đông trong số đó là lao động nghèo, từ quê lên thành phố mưu sinh.
Kinh tế TP.HCM với công nghiệp, thương mại và dịch vụ đóng vai trò chủ lực, nên đa số lao động về đây đều sống bằng tiền công làm thuê tại khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Chính vì vậy, khi ngành thương mại, dịch vụ thoi thóp, ngành công nghiệp gặp khó khăn, nhiều nhà máy phải tạm dừng sản xuất hoặc đóng cửa, thì những lao động này hẳn nhiên sẽ mất nguồn thu.
Đa số đến từ các địa phương khác, nên dù có tằn tiện, tích cóp đến mấy, những lao động này vẫn không đủ tiền trang trải cho cuộc sống sinh hoạt tối thiểu khi Covid-19 kéo dài.
Và dù có cố bám chốn đô thành, dù cắt giảm tiền ăn đến mức tối đa, họ cũng vẫn phải trả tiền điện, nước, phòng trọ. Liệu những người này có thể yên vị khi thiếu ăn, khi mọi nguồn thu nhập không còn, khi tiền dự trữ cạn kiệt mà vẫn phải trả tiền điện, nước, nhà trọ? Bởi vậy, việc họ hồi hương là điều dễ hiểu.
Nhưng quê hương cũng có nỗi lo lớn là dịch bệnh lây lan. Mới đây, việc UBND tỉnh Ninh Thuận phải có văn bản hỏa tốc nhờ 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận hợp tác đã cho thấy nỗi lo đó là có cơ sở. Thực tế cũng cho thấy, trong 2.000 người Ninh Thuận từ Đồng Nai về quê tránh dịch vào ngày 31/7, có tới 400 người nhiễm Covid-19. Không phải bỗng nhiên, nhiều tỉnh ban đầu hăm hở rồi đột ngột dừng việc đón “con em” mình trở về.
Vậy TP.HCM cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác cần phải làm gì để có thể giúp dân “ai ở đâu ở yên đấy”, để chiến thắng Covid-19?
Có lẽ, căn cốt trong các giải pháp nên tập trung vào 2 từ “ăn” và “ở”. Do nhận ra điều đó, nên chính quyền TP.HCM đã thành lập Trung tâm An sinh và công bố chuẩn bị 1 triệu “túi an sinh” đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cơ bản trong 5 ngày, 10 ngày, 15 ngày cho những lao động gặp khó khăn.
Song 1 triệu gói an sinh đó vẫn là giải pháp tạm thời, không thấm vào đâu so với số lượng lao động phổ thông đông đảo đang kiếm sống tại TP.HCM.
Kết quả khảo sát mới đây do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành đã cho thấy một thực tế đáng quan tâm: trong khi tại các tỉnh xung quanh TP.HCM, người dân phải nhờ giải cứu do không bán được nông sản, hàng đông lạnh ùn ứ trong kho, thì người dân ở TP.HCM lại phải mua hàng tiêu dùng với giá cao ngất ngưởng. Nên chăng, bên cạnh việc cùng các tỉnh tạo “luồng xanh” đặc biệt để lưu thông hàng hóa, chính quyền TP.HCM cần trích ngân sách, kết hợp cùng các “Mạnh Thường Quân” thu mua lương thực, rau củ quả với mức giá hợp lý từ các tỉnh về cung cấp miễn phí cho dân TP.HCM.
Đó là “ăn”. Còn “ở’ thì sao?
Tại TP.HCM có không ít người mua, thuê đất và vay ngân hàng để đầu tư nhà trọ cho thuê. Qua 4 lần Covid-19 bùng phát, nhiều chủ nhà trọ đã giảm, cho nợ, thậm chí miễn tiền trọ và cứu đói cho cả người ở trọ, nhưng họ vẫn phải trả lãi ngân hàng không thiếu một xu, không được miễn giảm một đồng.
Vậy tại sao, chính quyền không yêu cầu các ngân hàng giảm, khoanh lãi suất vay cũ với chủ nhà trọ có khoản vay? Tại sao không yêu cầu ngành điện, ngành nước miễn, giảm hoặc tạm thời cho chủ nhà trọ nợ tiền có thời hạn để cả chủ nhà trọ, lẫn người thuê trọ có điều kiện vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.