Kiểm tra giấy đi đường tại TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn |
Cuộc khủng hoảng sức khỏe và hiện sinh tràn vào nền kinh tế thực
Covid-19 là cuộc khủng hoảng sức khỏe và kinh tế tồi tệ nhất mà con người từng chứng kiến.
Tại Việt Nam, làn sóng đại dịch lần thứ tư đang diễn ra đã làm tổn thương vật chất lẫn tinh thần quá sâu sắc cho hàng chục triệu gia đình. TP.HCM là nơi tập trung nhiều lao động khắp cả nước, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế cao nhất nước đang bị tổn thương nặng nề. Điều này đặc biệt tồi tệ đối với hàng triệu lao động nghèo, sống rải rác khắp hang cùng ngõ hẻm, đang bị Covid-19 tấn công liên tục với thiệt hại hàng trăm nhân mạng mỗi ngày. Họ đang bị sang chấn tâm lý nặng nề, đói khổ, kiệt sức.
Danielle Allen, Giám đốc Trung tâm Đạo đức Safra của Đại học Harvard, trả lời phỏng vấn trên tờ Politico cho rằng, đại dịch Covid-19 không khác gì một cuộc khủng hoảng hiện sinh, đó là thời điểm mà xã hội buộc phải trả lời câu hỏi họ là ai.
Một phân tích mới đây trên tờ Guardian giải thích, khủng hoảng hiện sinh bắt nguồn từ đại dịch là khi chúng ta bắt đầu suy nghĩ rằng, cuộc sống vốn dĩ là vô nghĩa, trống rỗng, rằng sự tồn tại của chúng ta không có ý nghĩa bởi vì có những giới hạn hoặc ranh giới trên đó. Đại dịch đã khiến cho con người trải qua những mất mát quá lớn và đánh mất dần ý nghĩa, niềm tin vào cuộc sống, mất phương hướng. Các đợt phong tỏa liên tục kéo dài cũng đã vượt khỏi ngưỡng chịu đựng của con người về cả vật chất lẫn tinh thần. Điều này đã dẫn đến điều mà các nhà chuyên môn gọi là cuộc khủng hoảng hiện sinh dài hạn.
Đứng ở góc độ kinh tế học, cuộc khủng hoảng kép “sức khỏe và hiện sinh”, chứ không chỉ bản thân sức khỏe, sẽ tác động sâu sắc đến nền kinh tế thực. Việc tính toán chi li đến các bài toán cân đối ngân sách với danh nghĩa ổn định vĩ mô, để rồi hỗ trợ sinh kế người lao động, người nghèo quá chậm trễ hoặc quá ít ỏi, vô tình bỏ qua yếu tố hiện sinh về thân phận con người trong xử lý khủng hoảng. Đại dịch Covid-19 sớm muộn cũng sẽ trôi qua, nhưng cuộc khủng hoảng hiện sinh sẽ làm suy yếu đáng kể lực lượng lao động.
Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh việc sụt giảm năng suất lao động, một tỷ lệ lớn người lao động nghỉ việc, chuyển đổi nghề nghiệp từ cuộc khủng hoảng hiện sinh sẽ làm chậm lại quá trình hồi phục kinh tế ở các nước. Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm lao động trầm trọng sau khi có dấu hiệu hồi phục.
Giải quyết vấn đề hiện sinh, do đó không chỉ là đi vào thân phận con người, mà còn để bảo toàn lực lượng lao động cho nền kinh tế; để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng kép “sức khỏe và hiện sinh” đến nền kinh tế. Trên tất cả, đó còn là thể hiện tính chính danh của nhà nước cầm quyền chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân một cách thiết thực nhất.
Khủng hoảng hiện sinh xảy ra đối với bất kỳ ai, nhưng người bị thiệt hại nặng nhất là hàng chục triệu người nghèo, những người ở dưới đáy thấp nhất của xã hội. Những người có thu nhập khá trở lên, chỉ cần vững mạnh về tinh thần và thể chất là có thể vượt qua. Các bài giáo dục tâm lý trên truyền hình chỉ có tác dụng phần nào đối với những người có thu nhập khá trở lên. Đối với những người nghèo, mất thu nhập do các đợt phong tỏa, chúng ta chỉ còn cách trợ cấp số tiền đủ trang trải sinh hoạt tối thiểu mới giúp họ dịu đi phần nào nỗi đau mất mát. Cần lưu ý rằng, đối tượng người nghèo sống ở các khu nhà trọ chẳng những mất thu nhập, mà còn mất nhiều người thân nhất. Hỗ trợ vật chất cho họ cũng chỉ giảm nhẹ phần nào nỗi đau quá lớn mà họ đang phải gánh chịu.
Chính phủ đã có những chủ trương thiết thực với nhiều gói hỗ trợ kinh tế trong thời gian qua và có thể còn nhiều lần nữa trong tương lai. Tuy nhiên, điều gây quan ngại nhất là tính kịp thời của các gói hỗ trợ.
Tại TP.HCM, lãnh đạo cho thấy đây là một thành phố nghĩa tình khi luôn tiên phong tung ra các gói hỗ trợ người nghèo, lang thang, bán vé số. Nhưng đã đến lúc chúng ta phải đặt câu hỏi thật nghiêm túc, liệu chúng có kịp thời và đến đúng địa chỉ? Đối với người lao động nghèo, chỉ một ngày nghỉ việc, họ và gia đình sẽ gặp muôn vàn khó khăn.
Thành phố thông minh, cho ai?
Những năm gần đây, chúng ta nghe nói nhiều về các tỉnh, thành phố lớn phấn đấu trở thành tỉnh, thành phố thông minh. Chỉ đơn giản là tích hợp các dữ liệu dân cư, vốn đang nằm rải rác ở nhiều ban, ngành và ứng dụng các nền tảng tài chính kỹ thuật số đang phát triển mạnh ở thành phố hiện nay là tiền có thể chuyển trực tiếp đến người dân chỉ bằng một cái điện thoại, thay vì tiêu tốn một lực lượng lớn cán bộ xuống từng thôn ấp.
Các nền tảng tài chính kỹ thuật số và ví điện tử có thể chuyển tiền đến những người có nhu cầu một cách nhanh chóng và chính xác. Trong những năm gần đây, công nghệ tài chính đã dẫn đầu chương trình nghị sự của tài chính toàn diện (financial inclusion) bằng cách cho phép nhiều người hơn bao giờ hết tiếp cận các dịch vụ tài chính thông qua thiết bị di động.
Chẳng hạn, sáng kiến Aadhaar, hệ thống nhận dạng ID lớn nhất thế giới dành cho mọi người dân Ấn Độ dựa trên dữ liệu sinh trắc học và địa lý để thực hiện các thanh toán số, hoặc sáng kiến e-Tunai Rakyat cho ví điện tử của Malaysia… Ngay trong đại dịch Covid-19 lần này, các nền tảng tài chính kỹ thuật số và ví điện tử dưới hình thức hợp tác công tư đa dạng đã giúp Nhà nước hỗ trợ tiền bạc, lương thực, thực phẩm cho người dân rất kịp thời.
Ở Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng, các dữ liệu thống kê cho thấy, hầu hết người lao động đều có tài khoản ngân hàng và thẻ thanh toán, nhưng tuyệt nhiên, chính quyền không sử dụng chúng để chuyển các gói hỗ trợ đến họ. Hầu như không có bất kỳ kết nối thông tin dữ liệu người lao động với thông tin tài khoản ngân hàng, tài khoản bảo hiểm xã hội, tài khoản kê khai thuế thu nhập cá nhân và các dữ liệu nhận dạng kỹ thuật số nằm rải rác ở các ban, ngành có liên quan từ Trung ương xuống Thành phố.
Trước mắt, trong thời gian giãn cách xã hội 1 tháng tới, chính quyền TP.HCM cần có giải pháp cấp bách tận dụng các nền tảng kỹ thuật số hiện có ở khu vực Nhà nước và tư nhân, kết hợp với tích hợp dữ liệu nhận dạng kỹ thuật số đang nằm rải rác ở nhiều cơ quan để chuyển tiền hỗ trợ cho người dân kịp thời.
Đại dịch SARS và những biện pháp cô lập xã hội năm 2003 đã thúc đẩy Trung Quốc phát triển nhanh chóng tài chính kỹ thuật số và thương mại điện tử để trở thành cường quốc kỹ thuật số với những thương hiệu toàn cầu như Alipay, WeChat. Làn sóng đại dịch lần thứ tư tại TP.HCM cho đến nay đã kéo dài gần nửa năm, thậm chí trong kế hoạch 2 giai đoạn chống đại dịch mới nhất của chính quyền thành phố cũng hầu như không thấy đề cập đến các giải pháp công nghệ, nhất là tài chính kỹ thuật số để đưa gói hỗ trợ người dân tức thời và chính xác đến người thụ hưởng.
Chính quyền TP.HCM luôn có ước vọng trở thành thành phố thông minh, nhưng điều này đâu chỉ là các hệ thống giao thông đô thị hiện đại và các toà nhà thông minh hoành tráng xa rời cuộc sống người lao động.