Dịch tả lợn châu Phi được phát hiện đầu tiên tại Châu Phi vào năm 1921, đến nay đã xuất hiện tại hơn 20 quốc gia, tuy nhiên vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị.
Bệnh tả lợn châu Phi do virus tả lợn Châu Phi (African swine fever virus - ASFV) gây ra. Bệnh lây lan nhanh ở tất cả các loại lợn với tỉ lệ lợn chết vì nhiễm bệnh lên đến 100%.
Bệnh lây truyền qua các đàn lợn thông qua việc tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Ngoài nguyên nhân do vận chuyển lợn bệnh, phía Cục Thú Y, Bộ NN&PTNT cho biết, bệnh cũng có thể lây qua các vật chủ trung gian như chim di cư tiếp xúc với lợn chết hoặc có mầm bệnh.
Biểu hiện lợn bị nhiễm virus tả lợn châu Phi |
Virus gây bệnh có sức đề kháng cao trong môi trường. Lợn khỏi bệnh sẽ chuyển sang thể mãn tính, mang virus suốt đời, do vậy khó có thể loại trừ được bệnh nếu để xảy ra dịch tả lợn châu Phi.
Tại Việt Nam, Bộ NN&PTNT cho biết, đến thời điểm này đã có 7 tỉnh bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương. Cơ quan chức năng đã tiêu hủy hơn 4.200 con lợn.
Trước thông tin trên, rất nhiều người dân không khỏi lo lắng, vội vàng tẩy chay thịt lợn vì lo lắng ăn phải lợn nhiễm bệnh, ảnh hưởng sức khoẻ.
Tuy nhiên PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khẳng định: “Dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn”.
PGS Phu giải thích thêm, dịch tả lợn có tác nhân gây bệnh là virus, khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn.
"Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người", ông Phu thông tin.
Virus tả lợn Châu Phi sống được rất lâu ở môi trường bình thường. Virus có thể tồn tại trong tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt và các sản phẩm từ thịt chưa nấu chín trong 3-6 tháng, sống được trong máu khô 70 ngày...
Tuy nhiên virus này chịu nhiệt kém. Theo nghiên cứu của tạp chí Vi sinh học Thú y (Veterinary Microbiology - Thụy Sĩ), virus này tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C.
Dù lợn bị nhiễm bệnh tả Châu Phi không có khả năng lây sang người, song các chuyên gia thú y cảnh báo khi lợn bị tả, sức đề kháng kém đi nên rất dễ mắc thêm những loại bệnh lây nhiễm nguy hiểm khác như bệnh tai xanh, cúm, thương hàn, liên cầu lợn, lở mồm long móng...
Đặc biệt, với bệnh liên cầu khuẩn lợn, vi khuẩn tồn tại trong miệng, mũi, họng dễ lây sang người khi tiếp xúc trực tiếp qua các vết thương, vết trầy xước, qua các món ăn tái sống, tiết canh.
Khi nhiễm những vi khuẩn liên cầu, bệnh nhân có nguy cơ cao bị nhiễm độc tiêu hoá, nhiễm trùng máu, viêm não, viêm màng não, suy đa tạng... Bệnh nhân sẽ phải lọc máu, thở máy, hồi sức liên tục... với chi phí điều trị cao và nguy cơ để lại di chứng rất lớn.
Do đó, người tiêu dùng cần mua sản phẩm từ lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng, tránh ăn các sản phẩm như nem sống, nem chua, gỏi, tiết canh...