Trong khuôn khổ Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TQ và Xúc tiến đầu tư Vùng Tây Nguyên, tổ chức sáng 20/11, Tập đoàn TH đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai hai dự án tại vùng này.
Thứ nhất là Biên bản ghi nhớ hợp tác “Nghiên cứu đầu tư các dự án đầu tư áp dụng công nghệ cao theo định hướng mô hình kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn trên nền tảng phát triển bền vững tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.
Và hai là ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư Dự án “Hợp tác về khảo sát nghiên cứu dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực Nông lâm nghiệp - Thương mại dịch vụ - Công nghiệp khai khoáng, chế biến sâu trên nền tảng phát triển bền vững tại địa bàn tỉnh Đắk Nông”.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà Sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH đã đề xuất 4 hướng phát triển bền vững Vùng Tây Nguyên.
Anh hùng Lao động Thái Hương phát biểu tại Hội nghị |
Theo bà Thái Hương, Vùng Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước, là “phên giậu phía Tây của Tổ quốc”, nhưng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tốc độ tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại.
“Để phát triển Tây Nguyên theo hướng kinh tế xanh, tri thức, kinh tế tuần hoàn với định hướng phát triển bền vững, rất cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp đủ năng lực, đủ tâm và tầm để áp dụng công nghệ thế giới, đưa người dân cùng phát triển”, bà Thái Hương nói.
Theo chia sẻ của bà Thái Hương, tại Kon Tum, TH mới bắt đầu từ cách đây 2 năm nhưng giờ đã trồng được 500 ha sầu riêng giống mới và đang lập một đề án trình Kon Tum và Vùng Tây Nguyên, để phát triển kinh tế dưới tán rừng trên cơ sở đi theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế tri thức.
“Tây Nguyên vẫn còn chưa phát triển đúng tầm cỡ. Ở Tây Nguyên chưa có những doanh nghiệp, tập đoàn đủ lớn. Chính phủ cần có chính sách phù hợp với thực tiễn để lôi kéo tầng lớp này”, bà Thái Hương nói.
Điều khiến bà Thái Hương trăn trở, đó là Tây Nguyên có diện tích rất rộng nhưng nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn lại là vấn đề nan giải. Có những khu rừng đã bị chặt phá. Có những nguồn đất đai từ những nông lâm trường trả về cho địa phương nhưng người dân lại đang lấn chiếm và phát triển kinh tế tự phát, sản phẩm không trở thành hàng hóa và không đi theo quy chuẩn nào hết…
“Chúng ta cứ nói Tây Nguyên có lợi thế về đất đai nhưng hàng chục năm rồi không tận dụng được. Bởi vậy, cần lập lại bản đồ hiện trạng đất đai Tây Nguyên, từ đó có cách ứng xử phù hợp”, bà Thái Hương nói và một lần nữa nhấn mạnh rằng, phải có doanh nghiệp có tâm - tầm sử dụng nguồn tài nguyên đất này và đưa nông dân địa phương vào chuỗi mắt xích đó.
Dẫn câu hỏi của Thủ tướng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội nghị về việc làm thế nào để xây dựng được thương hiệu cho các sản phẩm của Tây Nguyên, bà Thái Hương cho rằng, cần phải có được mô hình sản xuất lớn và tạo ra được những thương hiệu tầm cỡ quốc gia, chuẩn quốc tế, phải sử dụng công nghệ kinh tế xanh, mang hàm lượng chất xám nhiều.
“Thế giới đã có rất nhiều thành tựu về trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, chúng ta thừa hưởng được những thành quả này để ứng dụng, tạo ra năng suất lao động cao, chất lượng sản phẩm đạt được chuẩn quốc tế”, bà Thái Hương nói.
Bà Thái Hương đã đề xuất 4 lĩnh vực mà Tây Nguyên có thể tập trung phát triển |
Cho rằng, hôm nay chỉ là điểm khởi đầu cho Tây Nguyên, bà Thái Hương cho biết, bà đang tư vấn cho Tập đoàn TH là Tây Nguyên đủ điều kiện để phát triển mạnh lĩnh vực đại chăn nuôi, cần đẩy mạnh đại chăn nuôi.
“Tôi sẽ đưa mô hình chăn nuôi bò sữa tập trung công nghệ cao theo chuỗi (mà TH đang làm ở Nghệ An) lên Tây Nguyên. Hiện TH đã có kế hoạch triển khai tại Đắk Nông và các vùng phụ cận, đưa nông dân trở thành một mắt xích trong chuỗi đại chăn nuôi này; sau đó trồng cây ăn quả, cây hương vị và gia vị”, bà Thái Hương nhấn mạnh.
Như biên bản ghi nhớ đã được ký kết, TH dự kiến phát triển các dự án đầu tư áp dụng công nghệ cao theo định hướng mô hình kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn trên nền tảng phát triển bền vững trên các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thảo dược; thương mại, dịch vụ, du lịch; bông nghiệp khai khoáng.
TH cũng dự kiến phát triển bò sữa tại Đăk Nông, đồng thời đề xuất triển khai tại Đăk Nông các dự án trồng trọt cây ăn quả và thảo dược ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến sâu, nhà máy chế biến nước tinh khiết tập trung ứng dụng dụng công nghệ cao, trung tâm logistics, dự án khai thác về chế biến sâu bauxite, các dự án phát triển du lịch bền vững...
Về vấn đề nêu trong Nghị quyết 23-NQ/TW là “phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn, có thương hiệu quốc tế, gắn với các trung tâm chế biến”, bà Thái Hương khẳng định, Tây Nguyên có thể phát triển theo 4 hướng.
Đó là chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao, đưa người nông dân cùng đi theo chuỗi giá trị, sản xuất khép kín; trồng cây đa tầng kết hợp chế biến sâu và logistic để tạo ra những sản phẩm, lực lượng hàng hóa có thương hiệu cho Tây Nguyên; khai thác khoáng sản một cách bền vững; và phát triển du lịch sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng.