. |
Theo nghiên cứu gần vừa được công bố của Mastercard Impact Studies™, đại dịch Covid-19 đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế số tại khu vực Đông Nam Á, thông qua đẩy nhanh quá trình ứng dụng các phương thức thương mại điện tử, giao hàng tận nhà, thanh toán số và không tiếp xúc.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, một số xu hướng và thói quen được hình thành trong bối cảnh ứng phó với đại dịch có thể sẽ tiếp tục được duy trong trong thời gian dài.
Kết quả nghiên cứu, được thực hiện tại 10 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho thấy, phương thức mua sắm trực tuyến ngày càng phát triển trong khu vực.
Cụ thể, hơn 40% người tiêu dùng tham gia khảo sát tại Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan cho biết đã sử dụng các dịch vụ giao hàng tận nhà trong tháng 4 nhiều hơn trong tháng 3. Gần một nửa số người tiêu dùng tham gia khảo sát tại Malaysia, Singapore và Thái Lan cũng cho biết trong cùng giai đoạn đó, họ thực hiện mua sắm trực tuyến nhiều hơn.
Bên cạnh những thay đổi trong thói quen mua hàng là xu hướng chuyển dịch sang các phương thức thanh toán mới trên toàn khu vực.
Cụ thể, phần lớn người tiêu dùng tại các thị trường Đông Nam Á tham gia khảo sát cho biết kể từ khi bắt đầu bùng phát dịch Covid-19, việc sử dụng tiền mặt của họ đã giảm đáng kể với 67% tại Singapore, 64% tại Malaysia và Philippines, và 59% tại Thái Lan.
Cùng với đó, các phương thức thanh toán không tiếp xúc đang ngày một phổ biến hơn. Tại Singpore, 31% người được khảo sát cho biết họ có xu hướng thực hiện thanh toán không tiếp xúc thông qua thẻ tín dụng. Trong khi đó, Malaysia, Philippines và Thái Lan ghi nhận sự tăng trưởng mạnh nhất ở ví điện tử và ví di động so với các hình thức thanh toán không tiếp xúc khác.
“Đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi người và mọi quốc gia theo những cách khác nhau. Nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng với thế giới số và các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để đảm bảo sự an toàn và duy trì tâm thế bình thường trong những thời điểm bất thường và không chắc chắn như hiện nay”, ông Safdar Khan, Chủ tịch phụ trách các Thị trường mới nổi khu vực Đông Nam Á, Mastercard chia sẻ.
Cũng theo ông này, mặc dù các tổ chức, doanh nghiệp và thị trường đã xây dựng kế hoạch cho việc phục hồi, song những lo ngại về an toàn và sức khỏe của người dân sẽ luôn là ưu tiên hàng đầu trong mọi chiến lược được đưa ra.
Trong giai đoạn đầy thách thức này, theo ông Safdar Khan, Mastercard cam kết tận dụng sức mạnh về dữ liệu để giúp các doanh nghiệp ở những quy mô khác nhau có thể thích ứng và phát triển song hành với sự thay đổi về nhu cầu, thị hiếu, hành vi của người tiêu dùng thông qua việc cung cấp các công cụ thương mại điện tử, gia tăng hạn mức thanh toán không tiếp xúc, và dẫn dắt quá trình chuyển dịch sang hình thức thanh toán không tiếp xúc trên toàn khu vực.
“Với việc đặt tâm lý và những lo ngại của người tiêu dùng làm trọng tâm, các doanh nghiệp và Chính phủ sẽ có thể vượt qua tình hình hiện tại một cách tự tin, giảm thiểu những tác động bất lợi của các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai”, ông Safdar Khan nói.
Nhiều năm trước sự bùng phát của dịch Covid-19, Matstercard đã thực hiện nỗ lực thúc đẩy thương mại điện tử số, giúp đem đến trải nghiệm thanh toán tiện ích và ưu việt cho người tiêu dùng.
Theo đó, người tiêu dùng có thể dễ dàng thực hiện thanh toán bằng cách chạm thẻ hoặc điện thoại thông minh trên thiết bị đầu cuối trong cửa hàng, sử dụng ví điện tử, mua hàng trực tuyến, chuyển tiền và thanh toán hóa đơn.
Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp ở mọi quy mô, Mastercard cung cấp các giải pháp và dịch vụ ở nhiều lĩnh vực như: thương mại điện tử, thanh toán, an ninh mạng, phòng chống gian lận, phân tích dữ liệu và đánh giá năng suất, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển trong môi trường kinh doanh nhiều thay đổi…
Mastercard cũng đã luôn chú trọng hỗ trợ người tiêu dùng và các doanh nghiệp trên hành trình chuyển đổi sang giao dịch không dùng tiền mặt.