Anh và EU sẽ “bình đẳng toàn quyền” theo thỏa thuận thương mại vừa đạt được và thuế quan sẽ được áp dụng nếu một trong hai bên bán hàng hóa/dịch vụ rẻ hơn bên còn lại. Ảnh: AFP |
Hai bên đã đạt thỏa thuận "không thuế quan - không hạn ngạch" vào ngày 24/12. Thỏa thuận này sẽ giúp hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai bên được thông thoáng hơn, với kim ngạch lên tới 900 tỷ USD, bằng 1/2 tổng kim ngạch thương mại song phương hàng năm.
Hiện thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU vẫn phải chờ Quốc hội hai bên phê chuẩn. Dự kiến sẽ có cuộc bỏ phiếu cho thỏa thuận này diễn ra vào tuần tới tại Westminster, Anh.
Kênh truyền hình CNBC dẫn lời của Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết cả hai nhà lãnh đạo đều hoan nghênh thỏa thuận này. "Những tranh luận của chúng tôi với các đối tác châu Âu đã có lúc kịch liệt, nhưng lúc này tôi tin rằng đây là thỏa thuận tốt cho cả khu vực châu Âu", Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết tại cuộc họp báo mới đây.
Còn theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, "đó là thỏa thuận bình đẳng, công bằng và quy định trách nhiệm của hai bên". Châu Âu sẽ tiếp tục hợp tác với Anh trên mọi lĩnh vực, nữ Chủ tịch EC cho biết, đồng thời đánh giá Anh là "đối tác tin cậy".
Gần nửa thế kỷ gia nhập EU, Anh đã chính thức rời cộng đồng này vào ngày 31/1/2020, đồng thời trở thành quốc gia đầu tiên rời EU. Tuy nhiên, hậu Brexit, Anh vẫn tiếp tục tuân thủ các quy định của EU đến hết năm 2020. Trong quá trình chuyển tiếp này, Anh tiến hành đàm phán các điều kiện thương mại với 27 quốc gia thành viên EU.
Tuy nhiên, đàm phán thương mại giữa Anh và EU trở nên căng thẳng từ tháng 3/2020, nhất là các vấn đề thương mại sau khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp. Bất đồng trong đàm phán thương mại hai bên tập trung vào 3 vấn đề lớn, bao gồm: khai thác thủy sản, các quy định cạnh tranh, và việc quản trị mối quan hệ mới.
Nhưng với thỏa thuận vừa đạt được, EU đã đạt được "sân chơi bình đẳng". Theo đó, không bên nào được phép cung cấp hàng hóa/dịch vụ giá rẻ hơn bên còn lại bằng cách "bơm" trợ cấp hay các biện pháp tương tự. Thủ tướng Anh nhấn mạnh rằng, Anh và EU sẽ “bình đẳng toàn quyền” và thuế quan có thể được áp dụng nếu một trong hai bên bán hàng hóa/dịch vụ rẻ hơn bên còn lại.
Về khai thác thủy sản - vấn đề từng khiến thỏa thuận thương mại song phương rơi vào bế tắc, Anh và EU đã thống nhất được một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 5 năm rưỡi. Trong giai đoạn này, tàu cá của EU sẽ tiếp tục được phép khai thác ở lãnh hải của Vương quốc Anh và việc đàm phán hạn ngạch khai thác thủy sản sẽ được tiến hành theo hàng năm.
Giai đoạn chuyển tiếp về khai thác thủy sản nói trên dài hơn quãng thời gian mà Thủ tướng Anh đề xuất, nhưng ngắn hơn so với lộ trình 10 năm mà EU đưa ra trước đó.
Theo giai đoạn này, "thị phần" khai thác thủy sản của Anh tại lãnh hải của Vương quốc Anh sẽ tăng lên 2/3, từ mức 1/2, Thủ tướng Anh cho biết.
Việc Anh và EU đạt thỏa thuận thương mại là điều mà cộng đồng doanh nghiệp hai bên hết sức hoan nghênh bởi nó kỳ vọng sẽ đặt dấu chấm hết cho những bất ổn kinh tế tưởng chừng không có hồi kết, sau hơn 4 năm kể từ khi Anh quyết định rời EU.
Thỏa thuận này sẽ khiến các nhà xuất khẩu của Anh và EU thở phào, bởi nếu hai bên không đạt được bất kỳ thỏa thuận thương mại nào, các nhà xuất khẩu phải đối mặt với thuế quan và chi phí cao hơn.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen cho biết, bà cảm thấy khá hài lòng hay "nói đúng hơn là thở phào" khi hai bên đạt thỏa thuận thương mại. "Tôi biết đây là ngày khó khăn với một số người và với những người bạn của chúng tôi tại Anh. Tôi muốn nói rằng việc rời đi (Brexit - BTV) đã trở thành ‘nỗi buồn ngọt ngào’", bà Von der Leyen bày tỏ.
Còn Trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier cùng tỏ ra đồng tình khi gọi đó là ngày thở phào, nhưng đi kèm là "đôi chút buồn bã".