Tại hội thảo hiện thực hóa Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM diễn ra ngày 27/6, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, tổng kinh phí dự kiến trong giai đoạn 2021-2025 để đầu tư cho hạ tầng của khoảng 266.000 tỷ đồng.
Trong đó, vốn ngân sách thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 92.000 tỷ đồng và vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là 174.000 tỷ đồng.
Kẹt xe thường xuyên xảy ra trên Quốc lộ 13 đoạn gần cầu Bình Triệu do đường chưa được mở rộng - Ảnh: Lê Quân |
Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM vừa được Quốc hội thông qua (Nghị quyết 98) cho phép Thành phố được áp dụng loại hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, phù hợp theo quy hoạch được phê duyệt đối với loại đường phố chính đô thị, đường trên cao.
Ông An cho biết, ngay sau khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua, Sở GTVT đã chủ động bám sát kế hoạch của UBND TP.HCM để xây dựng kế hoạch đầu tư các tuyến đường trục chính đô thị, kết nối vùng, quốc lộ đi qua địa phận Thành phố như Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22…
Được biết, các dự án BOT tại TP.HCM có tổng mức đầu tư khá lớn. Trong đó, dự án mở rộng Quốc lộ 13 (đoạn từ cầu Bình Triệu đến giáp ranh tỉnh Bình Dương) dài 5,8 km, tổng mức đầu tư gần 12.200 tỷ đồng.
Dự án mở rộng Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến giáp ranh tỉnh Long An), tổng vốn đầu tư gần 12.900 tỷ đồng. Dự án, mở rộng Quốc lộ 22 từ ngã tư An Sương đến Vành đai 3, tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng.
Trước đó, nhiều dự án mở rộng đường tại TP.HCM đầu tư theo hình thức BOT đang trong quá trình làm thủ tục đầu tư đã phải dừng lại vì Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) quy định hình thức BOT chỉ áp dụng khi đầu tư tuyến đường mới, không áp dụng cho tuyến đường hiện hữu.
Với cơ chế, chính sách đặc thù mới được áp dụng từ ngày 1/8 tới, các dự án BOT tại TP.HCM sẽ "hồi sinh" sau nhiều năm tạm dừng.