Một tuyến đường thu phí đậu ô tô trên địa bàn TP.HCM. |
Chi gần tỷ, thu về chưa nổi 200 triệu đồng
Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong (Công ty TNXP), đơn vị được giao tổ chức thu phí tạm sử dụng lòng đường để đỗ xe ô tô trên địa bàn TP.HCM vừa gửi kiến nghị đến cơ quan chức năng.
Theo đó, Công ty TNXP cho biết, chỉ tính từ ngày 1/5 đến ngày 11/6/2019, đơn vị này đã cử 97 người đi thu phí đỗ xe trên 23 tuyến đường TP.HCM, thông qua phần mềm đặt chỗ My Parking liên kết với nhà mạng Viettel. Tuy nhiên, doanh thu chỉ đạt hơn 180 triệu đồng/tháng, trong khi tổng chi phí nhân công là hơn 840 triệu đồng/tháng, chưa kể chi phí kết nối đầu số 1008, phí kết nối với các nhà mạng…
Như vậy, số tiền thu phí chỉ bằng 1/4 chi phí bỏ ra, rõ ràng là chưa đủ để trang trải chi phí duy trì hoạt động việc thu phí, chứ chưa nói đến việc nộp được cho ngân sách. Trong khi đó, khi bắt đầu áp dụng thu phí bằng ứng dụng My Parking (tháng 8/2018), cơ quan chức năng kỳ vọng thu hơn 400 triệu đồng/ngày, chứ không phải chỉ hơn 180 triệu đồng cho cả tháng như hiện nay.
Đó là chưa kể, khi đề xuất Hội đồng Nhân dân TP.HCM để thông qua tờ trình về điều chỉnh tăng mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ ô tô trên địa bàn thành phố (từ 5.000 đồng/ lượt lên 20.000 - 30.000 đồng/giờ tùy khu vực), cơ quan chức năng tính toán, chỉ riêng 35 tuyến đường được phép đậu xe, TP.HCM dự kiến thu về 31 tỷ đồng/tháng.
Tiền tỷ rơi rụng đâu?
Lý giải nguyên nhân thất thu, Công ty TNXP dẫn ra nhiều khó khăn khách quan như người dân không hợp tác đăng ký đặt chỗ bằng phần mềm My Parking do thời gian tải về lâu (15-20 phút), ảnh hưởng đến công việc; nhiều người yêu cầu thu tiền mặt do đã quen cách thanh toán này; nhiều hộ dân nằm trên các tuyến đường thu phí chiếm dụng lòng đường để phục vụ kinh doanh sửa chữa, trang trí nội thất ô tô, gây cản trở việc giám sát thu phí ô tô như đường An Dương Vương, Trần Bình Trọng.
Nhiều tuyến đường như Tản Đà, Lê Hồng Phong, Trương Định tập trung các hộ kinh doanh vận tải hành khách, chiếm dụng lòng đường để đỗ xe khách 50 chỗ, không chấp hành đăng ký đỗ xe theo quy định; các tuyến đường Nguyễn Cư Trinh, Ngô Đức Kế, Thành Thái, doanh nghiệp vận tải taxi cũng đỗ xe, nhưng không chấp hành đăng ký theo quy định; có tuyến đường thu phí nhưng không có xe đậu.
Chúng tôi đã có nhiều buổi lái xe đậu ở khu vực có thu phí thuộc đường Hồng Bàng (quận 5) để kiểm chứng cách làm của nhân viên Công ty TNXP. Khi xe đậu vào lề đường, có 1 nhân viên tới yêu cầu cài đặt phần mềm My Parking và đóng phí qua dịch vụ Viettel Pay. Nhiều lái xe vờ ậm ừ cầm điện thoại bấm cài phần mềm rồi đi cả nửa buổi vẫn không trả phí, khi trở lại xe, lái xe chỉ nhận được 1 mảnh giấy cảnh báo, không có bất cứ lực lượng nào xử lý. Thậm chí, nhiều ngày sau cố tình lái chiếc xe đó đậu trốn phí như vậy, cũng chỉ là mảnh giấy nhắc nhở được giắt ở tay nắm mở cửa xe.
Như vậy, tiền tỷ thất thoát cũng còn bởi không có lực lượng chức năng, không có chế tài nào xử phạt ngay tại chỗ đối với người vi phạm.
Những giải pháp luẩn quẩn
Trước kêu cứu của Công ty TNXP, mới đây, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, Ban quản lý Khu đô thị mới Nam thành phố phối hợp với Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Phòng Cảnh sát giao thông rà soát các tuyến đường cần thiết phải bổ sung hoặc hủy bỏ việc thu phí đỗ xe lòng, lề đường, báo cáo trước ngày 30/9 để làm cơ sở đề xuất UBND TP.HCM xem xét.
Như vậy, với yêu cầu trên, khả năng cơ quan chức năng sẽ thu thêm nhiều tuyến đường khác để bù đắp. Tuy nhiên, những giải pháp kiểm soát việc nhân viên thu phí có thực hiện nghiêm hay không thì lại chưa thấy đề xuất.
Trong khi đó, Công ty TNXP lại đề xuất giải pháp khiến nhiều người “giật mình”: Bên cạnh thu phí qua ứng dụng đặt chỗ My Parking, cho phép nhân viên Công ty TNXP thu phí hộ người không có điện thoại thông minh dùng phần mềm hay có 3G; thu tiền trực tiếp, xuất vé cho người dân.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở các tuyến đường thu phí có camera giám sát phương tiện và nhân sự, nhưng Công ty TNXP cho biết, hiện nay các camera này đã hỏng. Vậy với đề xuất trên, không có camera, cơ quan nào, lực lượng nào sẽ kiểm soát nhân viên thu tiền trực tiếp kia có thu, có xuất vé, hay thỏa thuận để bỏ túi riêng?
Cần lưu ý rằng, năm 2018, khi việc thu phí còn giao cho lực lượng quản lý đô thị quận, huyện, khi đó hệ thống camera còn hoạt động. Qua số liệu giám sát phương tiện đỗ mà camera ghi lại, thì số thu tiền phí tháng 8/2018 khoảng 1,8 tỷ đồng và tháng 9/2018 hơn 1 tỷ đồng. Nhưng thực tế, cơ quan chức năng chỉ thu được lần lượt gần 317 triệu đồng trong tháng 8 và hơn 122 triệu đồng trong tháng 9, thất thoát ước tính lên tới 85% (tháng 8) và 91% (tháng 9).