Thưa ông, Bộ Tài chính đã đề xuất ưu đãi thuế TNDN cho cơ quan báo in ở mức thuế suất 10% trong Luật Thuế TNDN sửa đổi. Ý kiến của ông thế nào?
Tất nhiên, tôi rất mong muốn được như thế, nếu không thể hạ thấp hơn. Đây là mong mỏi của giới báo chí trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay. Báo chí đã nhiều dịp lên tiếng đề nghị giảm thuế TNDN cho báo chí.
Với tư cách là đại biểu Quốc hội, tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, khi đó là ông Vương Đình Huệ, về việc này. Lãnh đạo Hội Nhà báo cũng đã đề đạt nguyện vọng đó với lãnh đạo Bộ Tài chính. Tôi hy vọng, tại kỳ họp thứ 5 sắp tới, Quốc hội sẽ thông qua việc sửa đổi Luật, cho phép hạ mức thuế TNDN cho báo chí từ 25% xuống 10%.
Lập luận của giới báo chí là, hoạt động báo chí, sản phẩm báo chí là hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - tư tưởng, sản phẩm báo chí cũng là sản phẩm văn hoá. Nhưng khi đánh thuế TNDN, báo chí lại không được ưu đãi, trong khi giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, thể thao, môi trường được coi là hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và doanh nghiệp (DN) đã được hưởng thuế TNDN ưu đãi với thuế suất 10%.
Tuy nhiên, khi thảo luận về Luật Thuế TNDN sửa đổi, vẫn có một vài ý kiến cho rằng, không nên ưu đãi thuế cho báo chí, vì “các cơ quan báo chí rất có lãi, thu nhập của người làm báo rất cao”?
Trước khi trả lời trực tiếp câu hỏi này, tôi thấy cần nhấn mạnh một điều: lao động báo chí là lao động trí tuệ, phải đổi mới sản phẩm hàng ngày, hàng giờ, nhà báo phải lao tâm khổ tứ để liên tục cho ra những sản phẩm văn hóa mới mẻ phục vụ công chúng. Hơn nữa, nghề báo là nghề nguy hiểm, nguy hiểm đến tính mạng, sinh mạng chính trị. Trong chiến tranh, đã có gần 400 nhà báo hy sinh, hàng trăm người bị thương, nhiễm chất độc da cam, mang thương tật suốt đời.
Theo tôi, nhiều nhà quản lý, kể cả quản lý DN, rất hiểu và cảm thông với khó khăn trong hoạt động kinh tế báo chí của giới báo chí hiện nay. Bán báo đâu có dễ, lấy được quảng cáo đâu dễ. Không phải ai cũng sẵn sàng dốc túi tiền để mua hết báo này, tạp chí nọ để ủng hộ báo chí cả. Còn quảng cáo trên báo chí là nhu cầu của DN, họ có nhu cầu thì họ mới quảng cáo. Chi phí nuôi đội ngũ phóng viên, biên tập viên, nhân viên, cộng tác viên cũng rất lớn, trong khi giá giấy in báo, công in liên tục tăng.
Thực tế là báo chí rất khó khăn. Đành rằng, hiện cũng có một số ít báo in làm ăn tốt, có nhiều quảng cáo, doanh thu phát hành lớn, làm ăn có lãi, nhưng số đó chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Chúng ta đều mong muốn các cơ quan báo chí làm ăn có lãi, nâng cao thu nhập cho người lao động. Nhưng thực tế đâu được như thế. Thu nhập của nhà báo phụ thuộc vào sản phẩm của mình. Vậy thì, khi tòa báo thua lỗ, thì thu nhập của người làm ra sản hẩm báo chí đó làm sao cao được.
Trên thực tế, các cơ quan báo chí, đặc biệt là báo in, khó khăn thế nào?
Thu nhập của hầu hết các cơ quan báo in dựa chủ yếu vào phát hành và quảng cáo. Trong điều kiện giá giấy tăng liên tục, giá in báo tăng không ngừng khiến thu nhập từ nguồn phát hành của không ít cơ quan báo in giảm dần và phải sống dựa vào nguồn thu từ hoạt động quảng cáo.
Theo Báo cáo Đánh giá cạnh tranh trong 10 lĩnh vực do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) thực hiện trong năm 2012, nếu như năm 2008, tổng doanh thu của thị trường quảng cáo mới đạt 9.057 tỷ đồng, thì năm 2011 tăng lên 17.206 tỷ đồng. Năm 2012, tổng doanh thu quảng cáo của các phương tiện thông tin đại chúng ước khoảng 18.600 tỷ đồng, nhưng chủ yếu rơi vào truyền hình. Báo in chỉ đạt doanh thu khoảng 1.600 tỷ đồng, giảm 8% so với năm 2011.
Bộ Tài chính cũng đã khẳng định: “Thời gian qua, hoạt động phát hành của hầu hết các cơ quan báo chí bị lỗ và phải lấy nguồn thu từ quảng cáo để bù đắp. Riêng các cơ quan báo in trong năm 2011 (và năm 2012), tính cả hoạt động phát hành và hoạt động quảng cáo cũng bị lỗ”.
Những số liệu trên cho thấy, hoạt động của rất nhiều cơ quan báo in gặp vô vàn khó khăn, vì vậy, việc ưu đãi thuế TNDN với mức thuế suất 10%, kể cả hoạt động quảng cáo trên báo in, là vô cùng cần thiết.
Chỉ có cơ chế thuế phù hợp với quảng cáo trên báo chí mới tạo điều kiện cho cơ quan báo chí nói chung phát triển, mới có nguồn lực để tái phục hồi sức lao động, mà mục đích cuối cùng là để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao.
Mạnh Bôn