Đó là nhận định của GS. Danny Quah, Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore trong bài thuyết trình với chủ đề “Trật tự thế giới mới và sự trỗi dậy của phương Đông” (The New World Order and The Rising of the East) tại Hội nghị Kinh tế trẻ châu Á 2019 đang diễn ra tại Hà Nội.
Theo đánh giá của GS. Danny Quah, vai trò của ASEAN sẽ vô cùng quan trọng trong trật tự thế giới mới.
Giáo sư Danny Quah |
Trong đó, vấn đề cấp bách đầu tiên là khi đối mặt với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thì ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ đón nhận những tác động như thế nào. “Điều quan trọng là ASEAN và Việt Nam cần chủ động đóng góp vào việc tạo nên trật tự thế giới mới”, GS. Danny Quah nói.
Trật tự thế giới mới nên được chia theo nhu cầu và cung ứng. Chúng ta cần hiểu vị trí của mình như là khách hàng quyền lực, những người đứng ở đường cầu của trật tự thị trường thế giới mới.
Theo GS. Danny Quah, ASEAN cần hiểu vị trí của mình là khách hàng - những người đứng ở đường cầu của trật tự thế giới mới. Trong khi đó, ở đường cung là hai thế lực lớn gồm Hoa Kỳ và Trung Quốc. “Việc đó sẽ mang lại giá trị cho họ và cho cả thế giới. Một phần trong đó là việc định hướng phát triển thương mại”, Giáo sư nói.
GS. Danny Quah đánh giá, những số liệu phát triển của Việt Nam cho thấy sự phát triển kinh tế vượt bậc trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, ông lo ngại đây chỉ là những hiệu ứng trong ngắn hạn.
Việt Nam với kinh tế đang phát triển lớn mạnh đã ký kết và đang đàm phán nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những nền kinh tế lớn. Những hiệp định này dựa trên những thỏa thuận giữa hai bên ký kết, cân bằng nhu cầu và lợi ích của các bên liên quan. “Tôi nghĩ là chúng ta càng có nhiều Hiệp định như vậy trong khu vực thì càng tốt”, Giáo sư nói.
Theo GS. Danny Quah, các sinh viên ngành kinh tế được dạy về cung cầu đơn giản là một nước có nhu cầu mua và một nước có nhu cầu bán. Tuy nhiên, thực tế không như vậy.
Để có thể phát triển thương mại, chúng ta cần có những cơ chế để giải quyết mâu thuẫn và đưa ra những thỏa thuận, đó là những cơ chế về thương mại trong khu vực, trên thế giới… Tôi nghĩ, về cơ bản những hiệp định này là tích cực, như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là một ví dụ thành công trong việc giải quyết những mâu thuẫn với sự vận hành của cơ quan giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, cơ quan này đang trong tình trạng đáng lo ngại với số lượng thành viên giảm xuống mức tối thiểu, và khi các thẩm phán nghỉ hưu, cơ quan này khó có khả năng vận hành. Như thế, thương mại thế giới sẽ mất đi cơ chế giải quyết các mâu thuẫn, không biết chuyện gì có thể xảy ra.
GS. Danny Quah đánh giá, sẽ là lý tưởng nếu những Hiệp định thương mại khu vực như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể giải quyết tình trạng bất định này. Tuy nhiên, với các quốc gia phát triển từ mức rất thấp và có điều kiện kinh tế khác biệt như Lào, Campuchia thì khó có thể đáp ứng yêu cầu cao về tiêu chuẩn và môi trường, do đó, cần phải xây dựng một hệ thống phù hợp hơn là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).