Sáng 9/9, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Đây là Hội nghị đầu tiên trong loạt Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hàng năm của ASEAN và giữa ASEAN với đối tác, một trong những sự kiện chính trong Năm ASEAN 2020.
Khai mạc chuỗi Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục củng cố đoàn kết, hợp tác cùng thúc đẩy các ưu tiên và quan tâm chung nhằm tăng cường gắn kết bền vững, lâu dài. Trước những biến động nhanh chóng trong cục diện quốc tế và khu vực, Phó Thủ tướng đề nghị các nước trao đổi các biện pháp hiện thực hoá những ưu tiên, sáng kiến đã nhất trí, đóng góp cho hoà bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực, cũng như ứng phó hữu hiệu thách thức.
Nhấn mạnh tin cậy chiến lược là yếu tố quan trọng hóa giải nghi kỵ, ngăn ngừa nguy cơ xung đột, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh ASEAN cần kiên định lập trường nguyên tắc, đề cao kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển 1982, thúc đẩy đối thoại, tăng cường xây dựng lòng tin, kiên định thúc đẩy triển khai đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố DOC và nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển UNCLOS 1982.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 |
Trong thảo luận, các Bộ trưởng chia sẻ đánh giá bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ASEAN tiếp tục chủ động tăng cường hợp tác, duy trì đà xây dựng cộng đồng cũng như ứng phó hữu hiệu với dịch bệnh Covid-19. Trước những diễn biến, bất ổn gia tăng trong tình hình hình thế giới, trong đó có dịch bệnh, nguy cơ suy thoái kinh tế, cạnh tranh gia tăng giữa các nước lớn…, ASEAN tái khẳng định cam kết mạnh mẽ duy trì khu vực Đông Nam Á hoà bình, ổn định, an ninh và trung lập, trong đó luật pháp quốc tế được đề cao.
Hội nghị nhất trí tiếp tục nỗ lực triển khai các sáng kiến, ưu tiên đã nhất trí cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020, thúc đẩy hợp tác ứng phó với dịch bệnh Covid-19 và chuẩn bị kế hoạch phục hồi toàn diện sau đại dịch. Các Bộ trưởng thông qua Kế hoạch công tác Kế hoạch công tác 5 năm (2021-2025) của Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) và Chương trình ưu tiên của AICHR năm 2021.
Trong quan hệ đối ngoại, các Bộ trưởng nhất trí khuyến nghị tăng tần suất họp Cấp cao ASEAN - Australia từ 2 năm/lần thành thường niên, trao quy chế đối tác phát triển cho Italia và Pháp, đồng thời tiếp tục xem xét các đề xuất xin trở thành đối tác đối thoại đầy đủ của ASEAN. Các Bộ trưởng cũng thông qua các biện pháp cải tiến quy trình, phương thức làm việc của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, các Bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì, thúc đẩy hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông. Trước những diễn biến phức tạp thời gian qua, các Bộ trưởng nhất trí ASEAN cần kiên trì lập trường nguyên tắc, trong đó kêu gọi các bên tiếp tục kiềm chế, không quân sự hóa, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp, đồng thời cần tiếp tục đề cao hơn nữa luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển. Hội nghị cũng nhắc lại tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, nỗ lực xây dựng COC hiệu lực, thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển.
Ngoài ra, ASEAN sẽ tiếp tục hỗ trợ Myanmar giải quyết tình hình nhân đạo tại bang Ra-khai, trong đó tập trung triển khai các dự án hỗ trợ công tác hồi hương. Đồng thời, ASEAN tái khẳng định lập trường ủng hộ Bán đảo Triều Tiên hoà bình, ổn định, không có vũ khí hạt nhân, kêu gọi các bên nối lại đối thoại. Hội nghị cũng nhất trí ASEAN cần tiếp tục nỗ lực hợp tác đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh và an toàn hàng hải, biến đổi khí hậu, dịch bệnh…
Các nước ASEAN hoan nghênh Việt Nam, Chủ tịch ASEAN 2020, đã chủ động đề xuất, triển khai nhiều sáng kiến, duy trì và thúc đẩy phối hợp cả trong phòng chống, kiểm soát dịch bệnh cũng như xây dựng Cộng đồng, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN.
Quang cảnh Hội nghị từ điểm cầu Việt Nam |
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề nghị ASEAN nỗ lực hơn nữa, hợp tác vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì xây dựng cộng đồng, triển khai đầy đủ các ưu tiên, sáng kiến. Phó Thủ tướng đề nghị ASEAN tiến hành đánh giá tổng thể quan hệ đối ngoại, trên cơ sở đó xây dựng, điều chỉnh các tiêu chí để xem xét việc kết nạp đối tác đối thoại mới. Trước những biến đổng, bất ổn trong cục diện thế giới và khu vực, trong đó có căng thẳng, cạnh tranh giữa các nước lớn, Phó Thủ tướng đề nghị ASEAN tăng cường đoàn kết, phối hợp trong quan điểm và hành động, ứng xử trên cơ sở các nguyên tắc đã nhất trí, trong đó có các nguyên tắc nêu trong Tuyên bố ngày 8/8/2020 về Tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình và ổn định ở Đông Nam Á.
Phó Thủ tướng chia sẻ thẳng thắn quan ngại về những diễn biến phức tạp, vụ việc nghiêm trọng xảy ra thời gian trên Biển Đông, trái với luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển của Liên Hợp quốc (UNCLOS 1982), vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm gia tăng căng thẳng và gây phương hại tới hoà bình, an ninh trên Biển Đông. Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng đề nghị ASEAN giữ vững đoàn kết và lập trường nguyên tắc, trong đó cần tiếp tục đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, khung khổ điều chỉnh mọi hoạt động trên tất cả các vùng biển và đại dương.
Tiếp đó Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chủ trì Hội nghị Ủy ban Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) lần thứ 27 và Phiên họp đặc biệt của Hội đồng Điều phối ASEAN về Phát triển tiểu vùng.
Chiều cùng ngày, diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 lần thứ 21, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Nhật Bản, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Hàn Quốc và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 10.