Đầu tư và cuộc sống
Ba ba “khủng” không thể thả vào Hồ Gươm làm bạn với cụ Rùa!
Quang Phong - 19/03/2014 15:04
Trước ý nguyện thả ba ba Nam Bộ nặng gần 40kg vào Hồ Gươm, nhiều chuyên gia và lãnh đạo Hà Nội e ngại việc này sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống của cụ Rùa. >>>
TIN LIÊN QUAN

Trước đó, ngày 17/3, anh Lý Thanh Hải - nhân viên bảo vệ Khu ẩm thực sinh thái Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai) đã bắt được con ba ba Nam Bộ nặng gần 40kg dưới lòng hồ. Sau đó, anh Nguyễn Quốc Anh quản lý khu vực này có mong muốn hiến con ba ba cho Hà Nội thả xuống Hồ Gươm làm bạn với cụ Rùa.

Ba ba Nam Bộ nặng gần 40kg

PGS. TS Hà Đình Đức cũng ngay lập tức xuống hiện trường để xem xét loài ba ba quý này và được người quản lý hồ nhờ chuyển mong muốn của mình lên UBND thành phố Hà Nội. “Mong muốn này là rất tốt nhưng ngay lúc đó tôi đã nghĩ nó khó thành hiện thực. Hồ Gươm là khu vực nhạy cảm không thể tùy tiện thả một loài ngoại lai vào mà chưa xem xét kỹ lưỡng. Nếu xảy ra chuyện gì liên quan đến cụ Rùa thì khó có thể ăn nói với nhân dân”, PGS. TS Hà Đình Đức nói.

PGS. TS Hà Đình Đức cho biết, ngày 18/3, ông đã liên hệ với đơn vị quản lý Hồ Gươm và cũng nhận được sự e ngại về việc này. Theo PGS. TS Hà Đình Đức cách tốt nhất là thả con ba ba Nam Bộ lại khu vực hồ sinh thái Vĩnh Hưng, vì nếu đưa ra khu vực khác, việc chăm sóc, bảo vệ ba ba cũng rất khó khăn.

Trao đổi với phóng viên, ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội - cũng cho biết, việc thả ba ba Nam Bộ vào Hồ Gươm là rất khó. “Đây là di tích đặc biệt vì vậy đưa ba ba Nam Bộ vào phải làm đầy đủ thủ tục theo quy định”, ông Tiến nói.

Muốn làm bạn cụ Rùa Hồ Gươm, ba ba 50 tuổi cần thủ tục gì?

“Sở VHTT&DL Hà Nội rất trân trọng nguyện vọng đó” - ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở khẳng định với VOV online và cho biết: “Hồ Gươm (bao gồm cả lòng hồ) là di tích quốc gia đặc biệt nên khi đưa cua đinh thì sẽ được coi như một hiện vật mới đưa vào di tích nên phải làm thủ tục cẩn thận”.

Về mặt thủ tục, cá nhân và đơn vị muốn đưa cua đinh vào Hồ Gươm phải có đơn gửi sở VHTT&DL. Trên cơ sở này, Sở sẽ làm văn bản xin ý kiến Thành phố, xin ý kiến Bộ VHTT&DL cho chủ trương. Trước khi đưa sinh vật mới vào hồ thì sẽ có các nhà khoa học chuyên ngành như là ngành sinh vật học, các nhà quản lý ngành khoa học công nghệ, môi trường có đánh giá xem giá trị của hiện vật, khả năng thích nghi và ảnh hưởng của hiện vật tới môi trường của Hồ Gươm để đưa ra các khuyến nghị có nên đưa được vào hay không. Bộ VHTT&DL sẽ là đơn vị cuối cùng đồng ý hay không đồng ý đưa hiện vật mới vào di tích mà ở đây là Hồ Gươm.

“Vì Hồ Gươm là di tích quốc gia đặc biệt nên có sự biến đổi gì trong khu vực dù là trồng cây trên mặt hồ đều phải ứng xử với nó đúng theo Luật di sản” – ông Trương Minh Tiến khẳng định.

Theo PV VOV online

Tin liên quan
Tin khác