Địa danh Ba Đình thuộc xã Ba Đình (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa), có xuất xứ tên gọi từ đình Mỹ Khê (là ngôi đình chung của cả 3 làng Mỹ Khê, Thượng Thọ và Mậu Thịnh), còn gọi là Tam Đình - một làng quê truyền thống, văn hóa lâu đời như bao làng quê Bắc Bộ.
Ba Đình đã đi vào lịch sử khi trở thành căn cứ chống Pháp của phong trào Cần Vương, cuối thế kỷ XIX do Phạm Bành và Đinh Công Tráng lãnh đạo. Nơi đây có địa thế hiểm yếu, bảo vệ cửa ngõ yết hầu của miền Trung, để tấn công giặc ngay tại đồng bằng. Bên cạnh là con sông Hoạt và sông Chính Đại, xung quanh Ba Đình có lũy tre xanh um tùm, như một bức trường thành thiên nhiên che chắn, thuận lợi cho việc phòng thủ. Căn cứ được xây dựng bởi hệ thống thành lũy đắp bằng đất kiên cố bao quanh. Trên mặt thành, xếp hàng nghìn chiếc rọ đan bằng tre, bên trong nhồi đất bùn trộn rơm rạ làm bia đỡ đạn; những khe hở là lỗ châu mai và vị trí quan sát, sẵn sàng chiến đấu. Phía ngoài thành, khoảng đồng trũng được cắm cọc nhọn và chông chà sát mặt nước, tạo thành những bãi chông lớn chống giặc tấn công. Lực lượng nghĩa quân Ba Đình có khoảng 300 người, được chia thành 10 cơ đội, phân công giữ chốt trên toàn tuyến phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu. Ngoài ra, còn có hàng trăm người làm công tác hậu cần phục vụ.
Chiến khu Ba Đình hiện đang xuống cấp và chưa được tôn tạo xứng đáng |
Năm 1886, nghĩa quân liên tiếp tấn công các phủ, thành huyện lỵ, chặn đánh các đoàn xe, các đoàn quân lẻ, gây cho quân Pháp nhiều tổn thất. Cuối năm 1886, đầu năm 1887, Pháp đã mở hai đợt tấn công quy mô lớn để vây hãm khu căn cứ này, nhưng không thành công và đành rút ra xa để chờ viện binh.
Không thể để Ba Đình tồn tại giữa vùng đồng bằng giáp ranh Thanh Hóa và Ninh Bình như một thách thức kiêu hãnh. Đêm 20/1/1887, Đại tá Brissand thống lĩnh 76 sĩ quan và 3.500 quân vây hãm và tiến đánh căn cứ Ba Đình; nã gần 16.000 quả đại bác trong 1 ngày, biến căn cứ Ba Đình thành biển lửa.
Năm 2016 ghi dấu kỷ niệm tròn 130 năm diễn ra Cuộc khởi nghĩa Ba Đình |
Trong trận chiến đấu vô cùng ác liệt này, nghĩa quân Ba Đình đã tỏ ra mưu trí dũng cảm. Nhưng do chênh lệch về tương quan lực lượng (đối phương đông gấp 12 lần, được trang bị vũ khí tối tân hiện đại), cuộc khởi nghĩa Ba Đình cũng như phong trào Cần Vương chống Pháp khác của cả nước đã bị dập tắt.
Cuộc khởi nghĩa Ba Đình đã trở thành niềm tự hào, nguồn cổ vũ, động viên lớn lao đối với các thế hệ người dân Nga Sơn, người dân Thanh Hóa nói riêng và người dân Việt Nam nói chung đi qua hai cuộc vệ quốc vĩ đại cũng như phát triển kinh tế trong thời đại mới.
Địa danh của cuộc khởi nghĩa này còn có vinh dự khi được chọn để đặt tên cho Quảng trường Ba Đình – trái tim của thủ đô Hà Nội, nơi cách đây 71 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Di tích lịch sử khu căn cứ địa khởi nghĩa Ba Đình, cách trung tâm huyện Nga Sơn 4km về phía tây Bắc đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, (tại Quyết định số 3959-QĐ/BVHTT ngày 02/12/1992 của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch). Đây là khu căn cứ địa khởi nghĩa có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử chống thực dân Pháp của dân tộc ta.
Năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý cho lập dự án đầu tư xây dựng khu di tích lịch sử Ba Đình, đồng thời yêu cầu UBND huyện Nga Sơn khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư để trình duyệt theo quy định; theo đó UBND xã Ba Đình đã vận động nhân dân đã hiến tặng trên 44 ha đất cho quy hoạch xây dựng Nông thôn mới, trong đó có trên 8 ha đất dành cho quy hoạch xây dựng khu di tích lịch sử Ba Đình.
Mong rằng, với quyết định này cũng như tâm tư tình cảm của nhân dân trong huyện Nga Sơn nói riêng, cả nước nói chung hướng về Ba Đình. Các cơ quan, ban, ngành chức năng sớm có biện pháp trùng tu, tôn tạo. Xây dựng địa danh chiến khu Ba Đình sớm trở thành địa chỉ “đỏ”, xứng tầm với ý nghĩa lịch sử mà cuộc khởi nghĩa đã mang lại.
Năm nay, Huyện ủy Nga Sơn tưng bừng tổ chức lễ kỷ niệm 130 năm Cuộc khởi nghĩa Ba Đình gắn với kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng và anh hùng. Đây là dịp “ôn cố, tri tân”, tạo động lực để Nga Sơn sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ (2015 - 2020) đã đề ra. Nhất là việc thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM. Nga Sơn đã huy động được nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế. Toàn huyện đã đạt 14,27 tiêu chí, có 7 xã hoàn thành NTM và 2 xã về đích năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chỉ còn 9,36%.... phấn đấu đến năm 2020 sẽ về đích NTM.