Nếu diễn biến thị trường hàng không thuận lợi, Vietnam Airlines có thể đạt lợi nhuận dương trong năm 2024 (khoảng 105 tỷ đồng), chỉ tiêu vốn chủ sở hữu cuối năm được cải thiện nhẹ, tỷ suất lợi nhuận trước thuế/tổng doanh thu đạt mức dương 0,13%. |
Minh chứng rõ nét của việc Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines, mã chứng khoán HVN) đang bước vào giai đoạn cuối của tiến trình phục hồi được thể hiện qua những chỉ tiêu kinh doanh trọng yếu vừa được các cổ đông của hãng hàng không quốc gia thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.
Tận dụng mọi cơ hội để phục hồi
Trong năm 2024, Vietnam Airlines đặt mục tiêu vận chuyển 22,64 triệu lượt hành khách, tăng 7,6% so cùng kỳ và bằng 99% so 2019. Trong đó, sản lượng khách quốc tế đạt 7,64 triệu khách (bao gồm thuê chuyến), tăng 120,2% so cùng và bằng 84,4% so với năm 2019. Sản lượng khách nội địa năm đạt 15 triệu khách, tăng 2,2% so cùng kỳ và tăng 8,7% so với năm 2019.
Để đạt được mục tiêu này, Vietnam Airlines triển khai các giải pháp đồng bộ trên mọi mặt sản xuất kinh doanh. Đối với thị trường quốc tế, hãng sẽ mở rộng mạng bay quốc tế với các đường bay mới đến Tây Âu và Đông Nam Á trong năm 2024. Đối với thị trường nội địa, hãng điều chỉnh tần suất bay để phù hợp với nhu cầu thị trường, duy trì thị phần chính trên các đường bay trọng điểm và tăng tải trên các đường bay du lịch.
Tổng công ty dự kiến đẩy nhanh tiến độ thoái vốn tại Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hoá Tân Sơn Nhất (TCS) để bổ sung thu nhập và dòng tiền (Vietnam Airlines đã đưa vào dự kiến kế hoạch 2024 thu nhập thoái vốn TCS khoảng 1.700 tỷ đồng trên cơ sở thận trọng về giá trị và tiến độ thoái vốn).
Theo tính toán, nếu thị trường diễn biến thuận lợi, kết quả SXKD công ty mẹ và hợp nhất năm 2024 sẽ đạt mục tiêu cân đối thu chi; trong đó lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 105 tỷ đồng và hợp nhất là 4.524 tỷ đồng.
"Thời điểm khó khăn nhất của Vietnam Airlines đã qua. Mục tiêu lớn trong năm 2024 vẫn là giảm lỗ còn lại, tiến tới cân đối được thu chi trong năm 2024", ông Đặng Ngọc Hoà – Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết.
Trên thực tế, đà phục hồi mạnh mẽ của Vietnam Airlines đã xuất hiện từ năm 2022 và ngày một rõ nét hơn trong kết quả kinh doanh năm 2023 cũng như 3 tháng đầu năm 2024 mặc dù phải đối mặt với những cú sốc tiêu cực chồng chéo như đại dịch Covid-19, xung đột giữa Nga và Ukraine; biến động bất lợi về tỷ giá, giá nhiên liệt bay cùng chính sách tiền tệ thắt chặt hơn để kiềm chế lạm phát.
Trong quý I/2024, Vietnam Airlines tiếp tục hoạt động bước đầu khởi sắc và có hiệu quả vận tải hàng không (lãi hợp nhất trên 4.000 tỷ đồng, riêng công ty mẹ là 1.492 tỷ đồng).
Đặc biệt, Pacific Airlines – một trong ba hãng bay trong Vietnam Airlines Group đã đàm phán cắt giảm nợ, xóa nợ gần 6.000 tỷ đồng với chủ nợ quốc tế, đóng góp rất lớn trong kết quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty trong năm 2024.
Theo Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, mặc dù thị trường hàng không chưa phục hồi như dự kiến, đặc biệt là một số đường bay quốc tế trọng yếu như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc nhưng về tổng thể thị trương đang trong xu hướng tăng trưởng đã giúp các hãng hàng không trong nước, trong đó có Vietnam Airlines.
Bên cạnh các cơ chế chính sách hỗ trợ chung cho các hãng hàng không như giảm thuế, phí bảo vệ môi trường, phí cất hạ cánh, với vai trò chủ sở hữu Nhà nước, Vietnam Airlines còn nhận được gói hỗ trợ thanh khoản 12.000 tỷ đồng từ Chính phủ, trong đó có 4.000 tỷ đồng vay tái cấp vốn và phương án phát hành tăng vốn điều lệ quy mô 8.000 tỷ đồng.
“Những hỗ trợ kịp thời của Nhà nước đã góp phần duy trì hoạt động liên tục cho hãng trong thời điểm hệ lụy nặng nề của đại dịch COVID-19 và đảm bảo có dòng tiền phục vụ cho kế hoạch sản xuất kinh doanh, sớm phục hồi và từng bước cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh cho Vietnam Airlines", người đứng đầu Vietnam Airlines nói.
Cùng với việc tận dụng tốt hai lực đẩy bên ngoài là sự phục hồi chung của thị trường và sự hỗ trợ của Nhà nước, Vietnam Airlines đã chủ động triển khai nhiều giải pháp tự thân để cắt giảm, tối ưu chi phí; tái cấu trúc lại hoạt động doanh nghiệp.
“Đối mặt với khó khăn chưa từng có, chúng tôi luôn nhận thức trong “nguy” luôn có “cơ”. Vietnam Airlines luôn ý thức phải khắc phục khó khăn từ chính nguồn lực nội tại của doanh nghiệp, đây là yếu tố mang tính quyết định đến sự tồn tại và phát triển sau đại dịch. Chỉ khi đã thực hiện hết các giải pháp có thể và sử dụng tối đa các nguồn lực của doanh nghiệp nhưng vẫn không thể và không đủ để ứng phó, hãng mới báo cáo cổ đông phát huy vai trò và trách nhiệm hỗ trợ với tư cách là chủ doanh nghiệp và báo cáo Chính phủ có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines với vai trò, sứ mệnh là Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam”, ông Hòa khẳng định.
Nỗ lực vượt khó tự thân
Cần phải nói thêm rằng các giải pháp nỗ lực tự thân của Vietnam Airlines được triển khai ngay từ giữa năm 2021, thậm chí một số giải pháp tái cơ cấu đã được hãng hàng không Quốc gia chủ động tiến hành từ trước năm 2019 – khi thị trường hàng không đang trong giai đoạn đỉnh cao.
“Vietnam Airlines tái cơ cấu không phải với lý do duy nhất là do đại dịch. Đại dịch đã lấy đi của Vietnam Airlines rất nhiều thành tựu về tài chính tích lũy được nhưng cũng mang lại động lực để hãng chuyển mình nhanh hơn trong bối cảnh thị trường hàng không đã có rất nhiều thay đổi, cạnh tranh ngày một gay gắt”, ông Đặng Ngọc Hoà chia sẻ.
Trong giai đoạn 2020 - 2023, Vietnam Airlines đã nỗ lực triển khai quyết liệt các giải pháp tái cơ cấu toàn diện doanh nghiệp. Tổng giá trị các giải pháp này đạt 42.400 tỷ đồng gồm: tiết kiệm, cắt giảm chi phí là 18.118 tỷ đồng, đàm phán giảm giá tiền thuê từ năm 2021 đến hết thời hạn thuê là hơn 16.000 tỷ đồng và giãn hoãn thanh toán tiền thuê hơn 8.300 tỷ đồng.
Đây được xem là nỗ lực đáng ghi nhận của Vietnam Airlines trong bối cảnh hệ lụy của Covid-19 từ giai đoạn 2020 - 2022 ảnh hưởng sâu sắc tới hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính của hãng.
Vietnam Airlines cũng liên tục rà soát cắt, giảm các dự án đầu tư chưa cấp thiết; giãn tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư để hạn chế phát sinh kinh phí giải ngân; giãn tiến độ đấu thầu, giảm quy mô đầu tư, chủ động đàm phán, yêu cầu sự hỗ trợ và chia sẻ từ các đối tác để giãn tiến độ thanh toán, đồng thời bảo đảm kịp thời triển khai hoạt động đầu tư trang thiết bị, kết cấu hạ tầng cấp thiết, không ảnh hưởng hoặc làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines.
Cùng với đó, Vietnam Airlines đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp công nghệ thông tin và chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ AI trên mọi lĩnh vực hoạt động; tiến hành tinh giảm 4 đầu mối cấp đơn vị (ở công ty mẹ) và giảm 2.468 lao động của Vietnam Airlines Group (tương đương mức giảm 10%), riêng công ty mẹ Vietnam Airlines giảm 1.080 lao động (tương đương mức giảm 14%).
Tuy nhiên, để bảo đảm nguồn lực cho giai đoạn phục hồi và phát triển, Vietnam Airlines vẫn tập trung giữ các lực lượng nòng cốt, chất lượng cao như phi công, tiếp viên, thợ kỹ thuật, đội ngũ cán bộ kỹ sư, kỹ thuật, cán bộ quản lý có kinh nghiệm…
Bên cạnh việc triển khai thêm các sản phẩm mới, các chương trình bán mới, đẩy mạnh chuyển đổi số... Vietnam Airline tiếp tục chương trình nâng tầm dịch vụ với mục tiêu tiến tới hãng hàng không 5 sao. Vừa qua Vietnam Airlines cũng đã đạt được tổ chức APEX của Mỹ công nhận là hãng hàng không 5 sao về trải nghiệm khách hàng.
Theo ông Đặng Ngọc Hoà, năm 2024, môi trường kinh doanh hàng không vẫn sẽ đối mặt với nhiều thách thức từ tình hình địa chính trị và kinh tế thế giới. Trên cơ sở dự báo môi trường kinh doanh, Vietnam Airlines đã xây dựng các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong chặng cuối của lộ trình phục hồi.
Theo đó, hãng sẽ vẫn phải đặc biệt chú trọng triển khai Đề án tái cơ cấu, với các giải pháp toàn diện về tái cơ cấu tài sản, nguồn vốn, danh mục đầu tư, tổ chức bộ máy và đổi mới quản trị doanh nghiệp nhằm khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19 và tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Các giải pháp tái cơ cấu tập trung hoàn thành thoái vốn tại một số công ty thành viên và trình cấp thẩm quyền về phương án gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn, đồng thời đẩy mạnh công tác tái cơ cấu tổ chức, giảm tầng nấc trung gian, đầu tư công nghệ và chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn lực.
Trên cơ sở các đánh giá về ảnh hưởng của đại dịch Covid đối với hoạt động SXKD và tình hình tài chính của Vietnam Airlines, căn cứ vào các chỉ đạo của Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và ý kiến góp ý của các bộ, ngàng liên quan, Vietnam Airlines đã xây dựng và đang tiếp tục hoàn thiện Đề án tổng thể các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid19 để Vietnam Airlines sớm phục hồi và phát triển bền vững giai đoạn 2021- 2035 (Đề án tổng thể), đồng thời kiến nghị các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của dịch Covid19.
Nổi bật trong các giải pháp này là Vietnam Airlines đã báo cáo các cấp có thẩm quyền phương án gia hạn khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020; triển khai các phương án phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ theo hình thức phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư mới để bổ sung nguồn vốn và dòng tiền phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
“Các giải pháp nội lực cũng như việc tháo gỡ khó khăn của cấp có thẩm quyền đã giúp Vietnam Airlines hoạt động thích nghi phù hợp với tình hình mới, đồng thời mang lại thu nhập, bổ sung dòng tiền qua đó góp phần giúp Vietnam Airlines cải thiện kết quả kinh doanh, ứng phó có hiệu quả với diễn biến khó lường của dịch bệnh cũng như từng bước phục hồi hậu đại dịch”, ông Đặng Ngọc Hoà đánh giá.