Sức khỏe doanh nghiệp
Điểm tựa mới cho đà phục hồi của Vietnam Airlines
Bảo Như - 21/06/2024 08:31
Kết quả kinh doanh tích cực trong hơn một năm qua là điểm tựa vững chắc giúp Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) hướng tới mục tiêu quan trọng nhất trong năm 2024 là cân bằng thu - chi sau 4 năm vật lộn với hệ lụy của Covid-19.

Niềm tin trở lại

Những minh chứng của việc Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN) đang bước vào tiến trình phục hồi có thể thấy rõ qua kết quả kinh doanh quý I/2024. Cần phải nói thêm, đối với ngành hàng không, kết quả kinh doanh 2 mùa cao điểm hè và quý I hàng năm sẽ quyết định 65-70% kết quả kinh doanh cả năm.

Báo cáo tài chính hợp nhất và Báo cáo tài chính Công ty mẹ - Vietnam Airlines giữa niên độ quý I/2024 cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2024, Vietnam Airlines đạt lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp 4.441 tỷ đồng (quý I/2023 âm 37,3 tỷ đồng), trong đó lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ Vietnam Airlines là 1.499 tỷ đồng.

Đây là lợi nhuận hợp nhất sau thuế quý I lớn nhất mà Vietnam Airlines đạt được kể từ khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào năm 2014. Trong đó, chỉ tiêu lợi nhuận thuần mà hãng hàng không quốc gia đạt được (900 tỷ đồng) đã cho thấy triển vọng Vietnam Airlines sẽ cán mốc lợi nhuận dương trong năm 2024.

Đà phục hồi mạnh mẽ của Vietnam Airlines đã được thể hiện rõ nét trong kết quả kinh doanh năm 2023. Ảnh: Đức Thanh

Vietnam Airlines cho biết, lợi nhuận hợp nhất sau thuế thu nhập doanh nghiệp trong quý I/2024 và lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ tăng mạnh so với quý I/2023, chủ yếu do quý I/2024 là giai đoạn kinh doanh cao điểm trong ngành hàng không và Tổng công ty tiếp tục chủ động triển khai các giải pháp quyết liệt trong điều hành hoạt động kinh doanh (tối ưu hóa, nâng cao hiệu suất sử dụng đội bay, nguồn nhân lực; cắt giảm tối đa chi phí, đàm phán giảm giá dịch vụ, lãi suất…). Điều này giúp lãi gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong báo cáo hợp nhất quý I/2024 của Vietnam Airlines đạt trên 12,9% doanh thu.

Bên cạnh đó, tổng doanh thu và thu nhập khác quý I/2024 của Công ty mẹ tăng 25,4% so với quý I/2023 (tăng hơn 4.568 tỷ đồng), chủ yếu do doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 23,6%, tương đương tăng hơn 4.179 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước do thị trường vận tải phục hồi mạnh, Tổng công ty đã khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa và hầu hết các đường bay quốc tế đã được khai thác (so với giai đoạn trước Covid-19) và mở thêm các đường bay mới.

Thị trường chứng khoán đã phản ứng rất tích cực với kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines khi cổ phiếu HVN kết thúc phiên giao dịch ngày 17/6/2024 đạt mức 31.400 đồng để xác lập vùng giá cao nhất trong vòng 4 năm qua. Điều này cho thấy, niềm tin của các nhà đầu tư đã thực sự trở lại đối với cổ phiếu hàng không, trong đó có cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines.

Mặc dù chưa công bố kết quả kinh doanh quý II/2024, nhưng việc thị trường hàng không tiếp tục duy trì đà phục hồi chắc chắn sẽ giúp Vietnam Airlines có được kết quả kinh doanh tích cực trong 6 tháng đầu năm 2024.

Trên thực tế, đà phục hồi mạnh mẽ của Vietnam Airlines đã được thể hiện rõ nét trong kết quả kinh doanh năm 2023, mặc dù phải đối mặt với những cú sốc tiêu cực chồng chéo như đại dịch Covid-19, xung đột giữa Nga và Ukraine; biến động bất lợi về tỷ giá, giá nhiên liệt bay cùng chính sách tiền tệ thắt chặt hơn để kiềm chế lạm phát. Cụ thể, Vietnam Airlines đã vận chuyển 21,4 triệu lượt hành khách và 224.800 tấn hàng hóa, tăng lần lượt 15,3% và 5,5% so với cùng kỳ. 

Tình hình khai thác khởi sắc giúp kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines phục hồi đáng kể. Vietnam Airlines đạt 93.265 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, cao hơn cùng kỳ năm 2022 gần 30% và tiệm cận mức đỉnh năm 2019. Mức lỗ hợp nhất trước thuế giảm 5.583 tỷ đồng, giảm một nửa so với năm 2022.

Bên cạnh một số thuận lợi của thị trường, những kết quả trên có được từ các giải pháp tự thân bám sát thực tiễn của Vietnam Airlines. Cụ thể, Vietnam Airlines đã nhanh chóng khôi phục hoàn toàn mạng đường bay nội địa và hầu hết đường bay quốc tế so với trước dịch Covid-19; đồng thời mở thêm đường bay mới đến Australia, Ấn Độ.

Vietnam Airlines cũng chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: cắt giảm chi phí, triệt để tiết kiệm; đàm phán giãn hoãn thanh toán; tái cơ cấu các khoản nợ vay; tiếp tục sử dụng linh hoạt nguồn vốn vay ngắn hạn…, qua đó giúp cải thiện rõ nét thanh khoản và khả năng hoạt động liên tục của Hãng.

“Những yếu tố đó giúp chúng tôi giữ vững vị thế là hãng hàng không trong nước có mạng đường bay lớn nhất hiện nay, đồng thời tạo nền tảng vững chắc để Vietnam Airlines có được sự bứt phá ngoạn mục hơn trong năm 2024”, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines chia sẻ.

Mục tiêu lớn của năm 2024

Trong kế hoạch sản xuất - kinh doanh trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, Vietnam Airlines đã xây dựng chi tiết các kịch bản cho thị trường vận tải hàng không nội địa và quốc tế. Dù với kịch bản cao hay kịch bản trung bình, Vietnam Airlines đều đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh bám sát hoặc tốt hơn so với mục tiêu đề ra trong Đề án Tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025, trong đó mục tiêu trọng tâm và quan trọng nhất năm 2024 là giảm lỗ còn lại và hướng tới cân đối được thu chi.

Năm 2024, Vietnam Airlines dự kiến sản lượng vận tải hành khách tăng 7,6% so với năm 2023 và phục hồi trở lại 99% trước dịch, sản lượng khách quốc tế dự kiến tăng 20,2% so với năm 2023 (bằng 84,4% so với năm 2019), sản lượng khách nội địa tăng 2,2% so với năm 2023 (bằng 108,7% so với năm 2019).

Vietnam Airlines thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng doanh thu và thu nhập, tiếp tục thực hiện quyết liệt việc quản trị và tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, đặc biệt là đội máy bay.

Nhờ đó, kết quả sản xuất - kinh doanh Công ty mẹ và hợp nhất năm 2024 dự kiến đạt mục tiêu cân đối thu chi. Cụ thể, doanh thu hợp nhất đạt 105.946 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2023; doanh thu Công ty mẹ đạt 80.984 tỷ đồng, tăng 15,9% so với năm 2023; lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 4.524 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế của Công ty mẹ là 105 tỷ đồng.

Mặc dù có được những nền tảng cho việc tăng tốc phục hồi, nhưng đây vẫn là những chỉ tiêu đầy thách thức của Vietnam Airlines trong bối cảnh thị trường hàng không đang có rất nhiều rủi ro, thách thức lớn.

Cụ thể, tình hình kinh tế - chính trị thế giới được nhận định vẫn còn tiếp tục khó khăn. Các xung đột chính trị như Nga - Ukraine, Israel - Hamas khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và kinh tế toàn cầu.

Giá nhiên liệu tiếp tục duy trì ở mức cao khoảng 104 USD/thùng. Với sản lượng khai thác như hiện nay, khi giá nhiên liệu thay đổi 1 USD/thùng, sẽ làm chi phí khai thác của Tổng công ty thay đổi khoảng 230 tỷ/năm. Điều này tạo ra sức ép lớn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của các hãng hàng không nói chung và Vietnam Airlines nói riêng.

Tỷ giá các đồng ngoại tệ chính biến động theo xu hướng bất lợi, tỷ giá VND/USD tăng cao trong khi có tới trên 60% chi phí của Vietnam Airlines bằng gốc USD khiến chi phí tăng cao. Ngược lại, các ngoại tệ là nguồn thu quan trọng (JPY, KRW…) lại mất giá nghiêm trọng khiến doanh thu của hãng quy đổi sang VND và USD bị giảm mạnh.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines còn chịu chi phí chênh lệch tỷ giá cuối kỳ đánh giá lại công nợ gốc USD tương đối lớn do có nhiều khoản vay, nợ gốc USD. Nếu tỷ giá VND/USD cuối kỳ tăng 100 đồng, sẽ làm giảm lợi nhuận khoảng 67 tỷ đồng từ việc đánh giá lại các khoản công nợ này.

Bên cạnh đó, nhóm đường bay trọng điểm Đông Bắc Á được nhận định chưa thể phục hồi hoàn toàn trong năm 2024 do tình hình kinh tế, lạm phát và mất giá đồng tiền. Cụ thể, việc mất giá đồng tiền bản tệ tại các thị trường chính (Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu…) khiến sức mua của khách hàng, nhu cầu du lịch nước ngoài suy giảm. Thị trường Trung Quốc (thị trường khách lớn thứ 2) phục hồi rất chậm, mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng các chính sách xuất nhập cảnh từ đầu năm 2023.

Đây là lý do Vietnam Airlines dự đoán các đường bay quốc tế chưa thể đem lại lợi nhuận cho Hãng trong năm 2024. Đặc biệt, việc triệu hồi động cơ Pratt & Whitney trên các tàu bay A321/320 NEO sẽ gây ra tình trạng không ổn định, thiếu hụt nguồn lực tàu bay, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch khai thác, phục hồi và mở rộng mạng bay sau đại dịch.

Để đạt mục tiêu này, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục tái cơ cấu về tài sản, nguồn vốn, danh mục đầu tư; tổ chức, sắp xếp, tối ưu hóa quy trình sản xuất - kinh doanh và đổi mới quản trị doanh nghiệp. Hãng tối ưu hóa nguồn lực, hiệu suất sử dụng đội tàu bay, đảm bảo đầy đủ nguồn lực phi công, tiếp viên và kỹ sư.

Trong đó, cùng với việc triển khai giải pháp bán tàu bay nhằm bổ sung dòng tiền và thu nhập, Vietnam Airlines đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền và triển khai phương án tái cơ cấu khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng đến khi hoàn thành các giải pháp thoái vốn trọng điểm để tạo nguồn tiền trả nợ.

Vietnam Airlines sẽ xây dựng và triển khai phương án phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ của Tổng công ty sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương và các khó khăn, vướng mắc được xử lý, tháo gỡ.

Cũng trong năm 2024, Vietnam Airlines triển khai quyết liệt công tác tái cơ cấu mục đầu tư và các doanh nghiệp thành viên, trong đó thực hiện tái cơ cấu Pacific Airlines phù hợp với bối cảnh các chủ tàu thu hồi hết tàu bay và được xóa nợ tiền thuê tàu song song với việc tìm kiếm nhà đầu tư mới để Tổng công ty thoái vốn tại đơn vị này.

Để đảm bảo cả về hiệu quả và thị phần khai thác, Vietnam Airlines linh hoạt điều hành sản phẩm theo diễn biến của thị trường và tình hình cạnh tranh. Hãng sẽ mở rộng mạng đường bay quốc tế bằng việc chuẩn bị mở thêm các đường bay mới đến Tây Âu và Đông Nam Á.

Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, trong năm 2024, Vietnam Airlines chú trọng đa dạng hóa sản phẩm, đổi mới công tác bán, mở rộng kênh bán, qua đó giúp gia tăng doanh thu. Chất lượng dịch vụ cải tiến theo định hướng 5 sao, qua đó ngày càng nâng cao trải nghiệm bay của hành khách. Vietnam Airlines duy trì chặt chẽ các chương trình tiết kiệm và quản trị chi phí, không ngừng tìm kiếm các cơ hội đàm phán giảm, giãn, hoãn thanh toán.

“Đặc biệt, công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới trên toàn hệ thống tiếp tục được triển khai theo cả chiều rộng và chiều sâu, với mục tiêu đưa Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không công nghệ số”, CEO Vietnam Airlines nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác