Đầu tư và cuộc sống
Bà mẹ viết đơn xin cho con thôi học thêm nói gì về sự bất ổn trong giáo dục?
N. Huyền - 18/09/2016 07:26
Chị Lê Phương Hoa, giám đốc trung tâm UNESCO về Phát triển bản thân - Life School, Hà Nội, người từng viết đơn xin cho con thôi học thêm, cho rằng, việc thay đổi liên tục trong kỳ thi tốt nghiệp THPT cho thấy mọi việc chưa được tính toán thấu đáo.
Chị Lê Phương Hoa

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với người phụ nữ có quan điểm khá khác biệt về chuyện học hành và thi cử của con mà chị đang áp dụng.

Ba năm liên tiếp gần đây Bộ GD & ĐT thay đổi hình thức thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học. Với tư cách là một phụ huynh, chị nghĩ sao về chủ trương này?

Chị Lê Phương Hoa: Nếu nhìn lại hơn bốn mươi năm qua (kể từ sau năm 1970), thì việc tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học đã trải qua 4 lần thay đổi, theo chu kỳ khoảng 10 năm/một lần. 

Tuy nhiên, cuộc “đổi mới” lần thứ 5 vào năm 2015 có vẻ như một giải pháp đưa ra quá vội vã của Bộ Giáo dục & Đào tạo, bằng chứng là nó ngay lập tức được thay đổi khá nhiều vào năm 2016 và năm 2017 tiếp tục lại đối mặt với thay đổi – mà thay đổi nào cũng khá cơ bản.

Dĩ nhiên sự không ổn định ở một chương trình tầm cỡ quốc gia, làm ảnh hưởng tới hàng triệu người như thế này, là một vấn đề lớn. Nó cho thấy quy trình chuẩn bị cho cuộc cải tổ thi cử đã chưa được tính toán một cách thấu đáo, không lường trước được những khả năng sự cố có thể xảy ra (ví dụ sự cố nghẽn mạng 2015, thí sinh chạy đôn đáo đi nộp/rút hồ sơ ...). 

Vì vậy những gì chúng ta đang thấy chính là một hành trình vất vả “vá lỗi”, làm khổ cho mọi phía, không chỉ riêng phụ huynh học sinh.

Dân gian ta có câu chuyện “đẽo cày giữa đường”. Việc mở rộng cửa, đón nhận thông tin khắp nơi mang lại nhiều lợi thế, nhưng cũng đặt người làm giáo dục ở Việt Nam trước sự khó khăn khi phải lựa chọn học gì, ứng dụng như thế nào. Chưa kể bản thân các chuyên gia giáo dục cũng có quan điểm khác nhau về lựa chọn mô hình đào tạo – thi cử.

Một điểm tôi cũng muốn nói là hiện nay đối tượng học sinh/ cha mẹ học sinh... đang có sự phân hóa rất lớn. Những điều đa số phụ huynh thành thị có học vấn quan tâm/ yêu cầu... khác rất xa với phụ huynh ở nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Tôi cảm thông với Bộ Giáo dục & Đào tạo về phần này, vì để làm được một quy trình hài hòa, công bằng, thuận tiện cho học sinh toàn quốc... trong bối cảnh sự phân hóa trình độ, điều kiện sống, nhu cầu... lớn như hiện nay – là không dễ dàng gì.

Nhưng cũng chính vì vậy mà càng cần phải cân nhắc, bàn soạn, nghiên cứu kỹ lưỡng, nếu có thể thì tiến hành thử nghiệm quy mô nhỏ trước khi đưa ra áp đặt đại trà, tránh gây ra quá nhiều xáo động trong toàn xã hội như thời gian vừa qua.

Từng viết đơn xin cho con nghỉ học thêm để giành thời gian cho học tiếng Anh, Yoga và Gym, tuy nhiên trước thay đổi đột ngột hình thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm trong năm 2017 chị có lo lắng gì không?

 

Chị Lê Phương Hoa: Tôi tôn trọng việc thi cử và điểm số. Nhưng điều tôi không thích nhất là chúng ta biến thi cử và điểm số trở thành thước đo cho sự thông minh, tài năng, giá trị của một đứa trẻ. 

Điểm số và thành tích thi cử chỉ là thước đo cần thiết để đáp ứng một số yêu cầu cụ thể mà thôi. Mỗi đứa trẻ đều có sự thông minh, tài năng, giá trị riêng của nó. Điều này ai cũng biết, ai cũng thừa nhận, nhưng cứ đi vào thực tế thì ta lại quên mất. 

Ta lại sôi sùng sục lên vì con mình “điểm kém”, và từ đó làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, khiến trẻ thay vì thích học, trở nên “sợ học”, sợ làm bố mẹ thất vọng.

Trở lại câu hỏi của bạn, với tôi thì thi thế nào cũng vẫn chỉ là một trong những phương pháp kiểm tra lại kiến thức. Đánh giá nó là thuộc nhà chuyên môn. Về ý kiến bản thân tôi thì tôi thích thi tự luận hơn trắc nghiệm, vì qua đó ta “thấy” sự khác biệt về năng lực ở các em rõ ràng hơn: em có tư duy toán tốt sẽ giải toán theo cách khác với em tư duy môn văn tốt (chẳng hạn).

Còn lo thì tôi không lo. Thi gì thì thi, cái quan trọng nhất là con có thật có kiến thức hay không. Thêm phần nữa là tôi không bị áp lực con phải đỗ đại học, phải học đại học, phải ở trường top. Cuộc sống mênh mông, vô vàn con đường và cơ hội, nếu con thực sự có kiến thức, con có thể vững vàng sống. 

Mặc dù theo lý giải của Bộ về việc thay đổi hình thức thi này nhằm giảm bớt áp lực cho học sinh, bớt chuyện dạy thêm học thêm, nhưng nếu không có sự chuẩn bị trước, để các em làm quen với cách làm bài thi mới thì rõ ràng các em vẫn phải đi học thêm, điều này có đúng không thưa chị?

 

 

Chị Lê Phương Hoa: Con tôi không đi học thêm nhiều nên thật sự tôi không thể trả lời câu này của bạn. Nếu có, tôi chỉ muốn nói là: Thế giới thay đổi liên tục, nên bố mẹ và con cần vững vàng, luôn tin vào năng lực của chính mình.

Vậy có nên lấy học sinh ra làm vật thí nghiệm, hay "chuột bạch" cho những thử nghiệm trong giáo dục không thưa chị? 

Chị Lê Phương Hoa: Thật ra thì tôi nghĩ Bộ Giáo dục cũng không có “chủ định” mang ai ra làm thí nghiệm cả, chỉ là bản thân họ cũng loay hoay chưa tìm ra, hoặc chưa đủ khả năng đưa ra một triết lý giáo dục thích hợp cho bối cảnh một nước Việt Nam phân tầng đầy phức tạp – lại đang trong một thời kỳ chuyển đổi đầy biến động – chưa kể tốc độ thông tin cực nhanh và đa chiều như hiện nay.

Dù muốn hay không, chúng ta sẽ còn phải đối mặt với nhiều “sự cố” giáo dục trong thời gian tới, bởi lẽ Việt Nam còn cần thời gian để có những thế hệ nhà quản lý giáo dục mới, thực sự có đủ tầm nhìn và năng lực.

Ở các nước, họ có tổ chức thi như VN hay không? Và chị sẽ chuẩn bị gì cho con chị trong những năm tới? 

Chị Lê Phương Hoa: Tôi không hiểu nhiều về giáo dục các nước, nhưng tôi biết qua về mô hình Singapore. Họ có loại hình đại học khoa học (chỉ có vài trường, thi vào rất khó, học cũng đắt, chỉ dành cho những bạn thật sự giỏi và sẽ đi vào nghiên cứu khoa học ...). 

Bên cạnh đó có đại học bình thường (đào tạo “nghề” một cách chuyên sâu, dành cho học sinh sau THPT, kiểu học marketing, quản trị kinh doanh, ngân hàng ...). Còn có cấp học giống cao đẳng, học hết lớp 10-11, nếu thích thì học qua khóa học “nền tảng”, đủ điều kiện là có thể vào học các trường nghề này, hai năm là ra trường đi làm được luôn..

Hai loại hình ĐH thường và cao đẳng chỉ trải qua kỳ sát hạch để nhập học, tuy nhiên yêu cầu học khá khe khắt, nếu thi trượt sẽ phải đóng tiền thi lại, nếu trượt hai/ba lần phải đóng tiền học lại toàn bộ kỳ học (mà tiền học ở Sing không hề rẻ). Vì vậy những bạn nào muốn không mất tiền thì buộc phải học rất nghiêm túc.

Nói về chuẩn bị cho con, tôi nghĩ việc chuẩn bị không phải chỉ cho thi cử. Khá nhiều bà mẹ hỏi tôi về chuyện học của con, tôi luôn hỏi bạn ấy mấy câu như thế này:

Theo bạn, con bạn học để làm gì?

Tố chất của trẻ là gì? Trẻ mong muốn điều gì?

Sau khi trả lời xong, thì mới nói tới việc nên học gì, học như thế nào, nên hỗ trợ con ra làm sao.

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này !

 (thực hiện)

Tin liên quan
Tin khác