Theo chồng sang Malaysia định cư, Mai Nhung trở thành bà nội trợ bất đắc dĩ. Nhưng vì rảnh rỗi, lại có cậu con trai đến tuổi mầm non, chị có thời gian tìm hiểu các phương pháp giảng dạy bậc mầm non tại đây. Lần đầu tiên chị biết đến phương pháp mang tên nhà giáo dục nổi tiếng người Ý Montessori - phương pháp sư phạm đặc biệt cho trẻ nhỏ dựa trên nhu cầu khám phá và tiếp thu thông qua cảm giác bằng các học cụ được thiết kế chuyên biệt. Nhìn các bé thích thú, say mê trên lớp với phương pháp này, một câu hỏi xuất hiện trong đầu chị: Tại sao lại không đưa phương pháp này về Việt Nam?
Nói là làm. Năm 2007, Mai Nhung quyết định trở về Việt Nam, thành lập Trường mầm non Wonderland Preschool tại Hà Nội. Trường thuộc quản lý của Công ty Giáo dục và Đào tạo An Châu do Mai Nhung sáng lập. Nghiệp kinh doanh của Nhung bắt đầu.
Mai Nhung, CEO Trường mầm non The First Academy (TFA). |
Nhưng vạn sự khởi đầu nan. Để đưa một phương pháp giáo dục mới vào Việt Nam đã khó, nhưng làm thay đổi quan điểm chăm sóc trẻ của các bậc cha mẹ càng khó hơn. Rồi vốn ít, khởi đầu có 500 triệu đồng, nhân sự ít, một tay chị đảm nhận mọi việc, từ khâu lựa chọn rồi nhập những đồ chơi chất lượng cao từ Malaysia về, tuyển chọn, biên tập và dịch sách nước ngoài rồi cùng với cộng sự có chuyên môn để nghiên cứu xây dựng bài giảng phù hợp với trẻ em Việt Nam. Sau 3 tháng hoạt động, Trường có kết quả tuyển sinh èo uột.
Nhưng Nhung tin vào ý tưởng tốt đẹp của mô hình này. Thế chấp căn nhà của bố mẹ để vay ngân hàng, Mai Nhung tiếp tục duy trì Wonderland Preschool, để chứng minh cho phụ huynh ưu thế của mô hình mới. Số lượng học sinh ít, nhưng sự tự tin, năng động, ham học hỏi của các em đã giúp trường khẳng định chất lượng đào tạo của mô hình mới. Tiếng lành đồn xa, số lượng học sinh tăng lên nhanh chóng, nhưng vì mô hình chuẩn nên trường chỉ nhận đủ chỉ tiêu đề ra.
Năm 2010, Mai Nhung vào TP.HCM sinh sống. Là thành phố lớn nhất, năng động và cởi mở nhất nước, TP.HCM có nhiều cơ hội để chị mở rộng ý tưởng đã thành công ở Thủ đô. Một bản kế hoạch chi tiết được xây dựng để tìm nhà đầu tư.
“Thuyết phục được nhà đầu tư bỏ vốn vào mô hình này khó như lên trời, cho dù trong hồ sơ kêu gọi đầu tư, tôi để phần sinh lợi ra một bên, rất nhỏ và không nổi bật. Đã có nhà đối tác kêu chị “hạ cánh” sau khi nghe đề án”, Mai Nhung kể.
Nhưng với chị, làm giáo dục là một hành trình nghiêm túc, lâu dài, không nên đặt nặng vấn đề lợi nhuận lên trên. Chị muốn các nhà đầu tư nhận ra một giá trị lớn hơn tiền bạc rất nhiều - đó là sự trưởng thành vượt bậc của học sinh - sản phẩm của các nhà đầu tư. Cuối cùng, The First Academy cũng có người đi cùng. Năm 2013, TFA khai trương cơ sở đầu tiên tại TP.HCM.
Thực tế, TFA là một học viện mầm non hơn là một trường học bình thường. “Trường học là môi trường sư phạm có phương pháp giảng dạy được nghiên cứu dành cho tất cả học sinh. Nhưng với mầm non tư thục tại Việt Nam, các bà mẹ khi đưa con đến trường vẫn muốn đưa quan điểm chăm sóc riêng của họ vào hệ thống sư phạm của nhà trường, kiểu như bé nhà tôi thế này, nên nhà trường phải thế kia... Nếu nhà trường không đáp ứng yêu cầu, họ sẽ chuyển trường. Điều này ảnh hưởng lớn đến tâm lý của trẻ vì phải thích nghi nhiều lần với trường học. Hơn nữa, trẻ sẽ khó tạo ra dấu ấn cá nhân bởi mỗi trường mỗi khác”, chị Mai Nhung giải thích.
Do đó, khi tuyển sinh, đích thân giám đốc TFA là người tư vấn cho phụ huynh về TFA, về sự khác biệt của TFA khi áp dụng phương pháp của châu Âu, trẻ được học tập khả năng chủ động trong công việc và phát triển tư duy chứ không còn nằm trong khuôn khổ chỉ chú tâm vào việc lo cho chúng to lên về kích thước cơ thể mà bỏ sót phần quan trọng nhất là trí tuệ.
Mai Nhung rất tự hào bởi theo khảo sát, có tới 80% phụ huynh tìm đến trường thông qua hình thức truyền miệng, chứ không phải một hình thức nào khác. Điều đặc biệt, sự phản hồi tích cực từ phía phụ huynh sau một thời gian ngắn con em họ tiến bộ lên là động lực cho chị và các cộng sự.
TFA đưa những đứa trẻ gần hơn với thiên nhiên. |
Cũng phải nói thêm, theo CEO Mai Nhung, tại TFA, không có sự chăm sóc đặc biệt nào, kể cả với con hay cháu trong nhà. Học viên đang ứng tuyển buộc phải tuân theo chế độ xét tuyển đã đề ra. Đội ngũ giáo viên, nhân viên của trường được đào tạo bài bản, đáp ứng đủ các tiêu chí tuyển dụng của nhà trường, trong đó có tiêu chí quan trọng nhất là có tình thương đặc biệt với trẻ thơ.
Bởi chỉ có như vậy, TFA mới phát triển hơn nữa, hoàn thành trọn vẹn mục tiêu nuôi dưỡng những thế hệ tương lai của đất nước. Năm nay, TFA sẽ mở thêm hệ thống thư viện mang tính chất liên hoàn, áp dụng công nghệ hiện đại dành cho cả phụ huynh và học viên; xây dựng một trung tâm đào tạo thực tế đẳng cấp cho trẻ em…