|
Cụm biệt thự “đãi sĩ” ở Tuyên Sơn (Đà Nẵng) đang thực trạng hoang tàn |
Lãng phí
Sau mùa mưa bão, cỏ lau nở trắng, phủ kín trên khu đất "vàng", những căn biệt thự tiền tỉ tuyệt đẹp ở trung tâm thể thao Tuyên Sơn. Nhiều trang thiết bị, kể cả tường rào, cổng ngõ, lan can, cửa sổ... của các căn biệt thự này đã bị tháo gỡ, đánh cắp hoặc tự hư hỏng.
Sau mùa bão lớn 2013, nhiều mái ngói bị hất tung, vỡ cửa kính, tường nhà nham nhở, bạc màu. Phía bên kia đường, mặt tiền của khu biệt thự nhìn ra con sông Hàn thơ mộng, giờ là cả khu rừng rậm vì cây bụi. Đêm đêm, đèn đường sáng trưng cả một góc trời hoang vắng, không thể diễn tả hết được cảm xúc khi chứng kiến cảnh lãng phí một góc đô thị đẹp với đầy đủ sự tiện ích của hạ tầng kỹ thuật.
Bồn hoa giữa làn phân cách đường Vũ Trọng Phụng bây giờ trong tình trạng ngập cỏ lau, ngã đổ đèn trang trí một cách... châm biếm. Phía sau dãy biệt thự chỉ có hoang vu cỏ dại cùng với những đàn bò thả rông. Bên cạnh đó, nhà thi đấu trên đường Thăng Long - Vũ Trọng Phụng cũng bị bỏ hoang, trở thành chỗ trú ngụ của những người vô gia cư, nơi tập kết phế liệu và một vài xưởng mộc đã tận dụng mặt bằng để gia công đồ gỗ.
Nguyên GĐ Sở Thể dục - Thể thao Đà Nẵng Lê Nguyên Hồng cho biết: “Trước đây, UBND TP.Đà Nẵng đã đầu tư, xây dựng cả một làng thể thao với đầy đủ nhà thi đấu, sân tập đá bóng, nơi nghỉ dưỡng, ăn ở của CLB... Lúc đó, Sở TDTT nhận bàn giao theo kiểu “chìa khoá trao tay”. Từ năm 2004 đã được đưa vào sử dụng đúng với công năng, quy hoạch ban đầu. Nhưng, từ sau 2007, cả khu vực này đã được UBND TP.Đà Nẵng bàn giao lại cho Ngân hàng SHB, câu lạc bộ bóng đá SHB quản lý”.
Bỏ hoang vì… không hợp với cầu thủ
Theo ông Phạm Việt Hùng - GĐ Sở Xây dựng Đà Nẵng - trung tâm thể thao Tuyên Sơn được UBND TP.Đà Nẵng đầu tư, xây dựng từ năm 2002-2003. Cả cụm gồm các nhà biệt thự dành cho các chuyên gia, huấn luyện viên, những VĐV thành tích cao, nhà thi đấu, sân tập, chung cư cho cầu thủ...
Sự hoàn chỉnh về hạ tầng kỹ thuật, chỗ ở sang trọng, tiện ích đã góp phần tạo cho đội bóng đá Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ, thuộc hàng đầu Việt Nam. Nhà biệt thự từng bố trí cho VĐV thành tích cao như cầu thủ Lê Huỳnh Đức - một dạng chính sách “đãi sĩ” của Đà Nẵng lúc bấy giờ.
Có thời gian, UBND TP trưng dụng một nửa trong số 12 căn biệt thự để làm nhà khách, còn lại bố trí chỗ ở cho đội U.19. Đến năm 2007, toàn bộ hạ tầng, cơ sở vật chất ở khu Tuyên Sơn này đã bàn giao lại cho Ngân hàng SHB, theo chủ trương xã hội hoá đội bóng với kinh phí hơn 160 tỉ đồng.
Chủ tịch CLB SHB Đà Nẵng - ông Bùi Xuân Hoà - cho biết, hiện nay trung tâm thể thao Tuyên Sơn vẫn tạm sử dụng khu tập bóng, nhà ở cầu thủ. Riêng các hạng mục khác chưa dùng là vì Cty CP SHB Đà Nẵng đang đầu tư, xây dựng tại Hoà Minh (quận Liên Chiểu) một tổ hợp thể thao - giải trí - nhà nghỉ - dịch vụ vui chơi - thương mại, và toàn bộ làng thể thao Tuyên Sơn này sẽ chuyển lên Liên Chiểu.
Còn “bầu Hiển” (ông Đỗ Quang Hiển) thì cho rằng, cả khu thể thao Tuyên Sơn sẽ được quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng khác. “Hiện chỉ hơn chục nhà biệt thự là bỏ hoang thôi, không đáng kể (!?). Nhà biệt thự cũng không thích hợp để bố trí cho cầu thủ” - ông Hiển nói.
GĐ Sở TNMT Đà Nẵng - ông Nguyễn Điểu - cho biết, cụm thể thao Tuyên Sơn này là một trong những dự án đang được TP.Đà Nẵng rà soát để có biện pháp xử lý tình trạng bỏ hoang.
Thanh Hải (Báo Lao Động)