Thời sự
Bắc Giang thu về hơn 90 triệu USD từ xuất khẩu vải thiều niên vụ 2017
Thế Hải - 03/08/2017 15:24
Kết thúc niên vụ vải thiều năm 2017, tỉnh Bắc Giang đã thu về tổng doanh thu về 5.300 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ xuất khẩu đạt hơn 90 triệu USD, tương đương với 2.100 tỷ đồng, với giá xuất khẩu khoảng 58.000 đồng/kg.
Tỉnh Bắc Giang đã thu về hơn 90 triệu USD từ việc xuất khẩu gần 37.000 tấn vải thiều.

UBND tỉnh Bắc Giang vừa chức tổng kết công tác tiêu thụ vải thiều năm 2017, niên vụ vải thiều được cho là thành công nhất trong 6 thập kỷ qua khi thu về tổng doanh thu 5.300 tỷ đồng.

Trong đó, giá trị sản xuất từ vải thiều của tỉnh ước đạt 3.537 tỷ đồng, doanh thu từ các hoạt động dịch vụ phụ trợ ước đạt gần 1.800 tỷ đồng.

Tổng sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang năm nay đạt 91.500 tấn. Tiêu thụ thị trường nội địa là 54.900 tấn, chiếm 60%; các địa phương tiêu thụ vải thiều với số lượng lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Huế,  Đà Nẵng… trong đó các tỉnh phía Nam tiêu thụ 20.000 tấn, chiếm 35% sản lượng tiêu thụ nội địa.

Sản lượng vải thiều xuất khẩu là 36.600 tấn, chiếm 40%; trong đó thị trường Trung Quốc là 28.000 tấn, chiếm 76,5% sản lượng vải thiều xuất khẩu, còn lại là xuất sang Mỹ, Úc, Eu, Nhật, Hà Lan, Dubai, Thái Lan ...  

Đặc biệt, năm nay giá vải thiều đạt mức cao nhất từ trước đến nay với mức giá trung bình từ 40.000 – 60.000 đồng/kg, thời điểm giá cao đến 83.000 đồng/kg, cao hơn gần gấp 2 lần so với niên vụ 2016. Riêng giá vải thiều xuất khẩu trung bình đạt 58.000 đồng/kg.

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho biết, ngoài xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Australia, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, nhiều thị trường mới cũng được mở ra trong năm nay như Dubai, Hà Lan, Thái Lan, với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 90 triệu USD.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Trần Thanh Nam cho rằng, vụ vải thiều năm nay của Bắc Giang là tỉnh có sản lượng vải thiều đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP chiếm tỷ lệ cao trong tổng sản lượng, cùng với đó là địa phương đã có sự liên kết sản xuất, tổ chức sản xuất tốt hơn nên việc sản xuất, tiêu thụ vải thiều được thuận lợi.

Cũng theo ông Trần Thanh Nam, hiện nay, hàng nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu đi các nước trên thế giới cần quan tâm đến ba vấn đề chính là chất lượng sản phẩm, mẫu mã sản phẩm, giá thành sản phẩm.

Tin liên quan
Tin khác