Phát biểu tại Hội nghị, ông Dương Thành Trung - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, với chủ đề “Bạc Liêu khơi dậy tiềm năng - Phát triển bền vững”, có thể nói đây là hội nghị chuyên ngành xúc tiến đầu tư có quy mô lớn nhất và được chuẩn bị chu đáo và hiệu quả nhất từ hơn 20 năm tái lập tỉnh Bạc Liêu đến nay.
Hội nghị xoay quanh 04 trụ cột phát triển chính: Tôm, năng lượng gió, năng lượng tái tạo, du lịch và dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao. Với quyết tâm biến thách thức thành cơ hội, Bạc Liêu chọn cho mình hướng đi đúng và phù hợp với định hướng của Chính phủ và quy hoạch vùng ĐBSCL. Tỉnh Bạc Liêu cam kết sẽ luôn đồng hành cùng nhà đầu tư, xem sự phát triển của doanh nghiệp chính là vinh dự và sự phát triển của Bạc Liêu.
Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu năm 2018 với chủ đề “Bạc Liêu khơi dậy tiềm năng - Phát triển bền vững” |
Theo Tiến sỹ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, so với các tỉnh trong vùng thì tiềm năng của Bạc Liêu chỉ ở mức trung bình, nếu không nói là có những mặt như cơ sở hạ tầng, giao thông, thu nhập đầu người, dân trí còn thấp, nhưng ông rất ấn tượng với cách làm và hướng đi rất rõ nét của Bạc Liêu trong thời gian qua, đó là trong khó khăn thử thách, biết tìm lợi thế và tạo ra lợi thế để tạo nên sức mạnh nội tại. Việcchọn con tôm, năng lượng tái tạo chính là lợi thế của Bạc Liêu để phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhưng việc chọn con tôm làm mũi đột phá cho kinh tế Bạc Liêu cũng là vấn đề không đơn giản, theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Sáng, Viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, thì phát triển ngành tôm không thể theo lối cũ chịu nhiều rủi ro như con giống trôi nổi, phụ thuộc rất nhiều vào môi trường thời tiết, mà cần áp dụng triệt để công nghệ giải mã gen để chọn lọc ra được tôm bố mẹ đạt chuẩn; tăng trưởng nhanh, sạch bệnh, kháng bệnh và chống chịu được các điều kiện của điều kiện thay đổi của môi trường, thời tiết, kể cả công nghệ xử lý vi sinh phải đúng tiêu chuẩn chất lương quy trình...
Đồng quan điểm trên, theo Tiến sỹ Đặng Quốc Tuấn, Phó chủ tịch Tập đoàn Việt Úc, ngành tôm Việt nam cần phải nâng tầm lên thành ngành công nghiệp tôm Việt Nam, đưa kim ngạch xuất khẩu tôm Việt nam từ 4 tỷ USD hiện nay lên 10 tỷ USD vào trước năm 2025, đây là cơ hội thuận lợi hơn lúc nào hết và trong tầm tay của Việt nam, nếu giải quyết căn cơ 03 vấn đề chính: ứng dụng công nghệ, nâng tầm đội ngũ và quản trị doanh nghiệp.
Còn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc xác định trụ cột phát triển kinh tế của Bạc Liêu theo Đề án tái cơ cấu nông nghiệp với 130.000ha/ 720.000ha của vùng về diện tích nuôi tôm của Bạc Liêu rất thuận lợi, phần nào đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tôm của thế giới bình quân hàng năm 7 triệu tấn, nhưng thị trường chỉ cung cấp khoảng 5 triệu tấn, dư địa để con tôm Việt Nam ra thị trường thế giới còn rất lớn.
Về phát triển năng lượng điện gió năng lượng tái tạo, Bạc Liêu đang dẫn đầu vùng ĐBSCL trong lĩnh vực này, nhưng theo GS.TS Nguyễn Ngọc Trân thì hiện Bạc Liêu chưa có nhà máy điện năng lượng mặt trời để hòa vào mạng lưới điện quốc gia, ông đề nghị Bạc Liêu cần quan tâm đến thu hút đầu tư vào điện mặt trời, song hành và bổ khuyết điện năng với điện gió đển phát triển bền vững, đồng thời ĐBSCL cũng không nên đầu tư vào nhiệt điện nữa vì rất ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái và dành sự quan tâm của nhà đầu tư vào năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh nỗ lực của Bạc Liêu trong việc tổ chức chu đáo, cẩn trọng và có chất lượng hội nghị quy mô từ trước đến giờ, thể hiện sự đoàn kết nhất trí cao trong lãnh đạo và chính quyền Bạc Liêu. Thủ tướng rất ấn tượng với cách làm của Bạc Liêu khi không chỉ chú trọng về kinh tế mà còn quan tâm đến giảm nghèo bền vững theo hướng tương tác: kinh tế - xã hội - Môi trường để đưa Bạc Liêu sớm thoát khỏi vùng trũng của ĐBSCL.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những yếu kém của Bạc Liêu đó là tỉnh nghèo ở tốp cuối của vùng, lao động thuần nông còn lớn, các chỉ số về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh còn thấp. Vì vậy, muốn phát triển vươn lên thành tỉnh khá của vùng và trung bình khá của cả nước, đòi hỏi Bạc Liêu phải có quyết tâm chính trị rất cao, trong đó Bạc Liêu cần có khát vọng, có tầm nhìn dài hạn hơn. "Nếu xác định đúng hướng đi và quyết tâm cao, cộng với sự liên kết vùng với TP.HCM và các tỉnh có thế mạnh về thủy sản, biến tiềm năng thành thế mạnh, tôi tin chắc Bạc Liêu sẽ trở thành viên ngọc xanh bên bờ biển Tây Nam của Tổ quốc" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, UBND tỉnh Bạc Liêu đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho trên 20 dự án vào 04 lĩnh vực trụ cột với tổng vốn đầu tư trên 100.000 tỷ đồng. Đây là thời cơ rất thuận lợi để tỉnh Bạc Liêu chuyển mình vươn lên là tỉnh khá của vùng và trung bình khá của cả nước đến 2020 theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Song hành với chuỗi sự kiện chính diễn ra trong 02 ngày 29-30/01/2018 còn có các hoạt động ý nghĩa như: công nhận Huyện nông thôn mới Phước Long, Lễ khởi công nhà máy Điện gió xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu và Lễ khởi công Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu tại xã Hiệp thành, TP. Bạc Liêu... hứa hẹn sẽ là bước ngoặt quan trọng để Bạc Liêu tăng cường mời gọi thu hút đầu tư.