Xuất khẩu thủy sản đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bạc Liêu. Trong ảnh: Khu nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao tại Bạc Liêu |
Kinh tế khởi sắc ngay từ những tháng đầu năm
Những năm qua, Bạc Liêu tập trung phát triển ngành nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng áp dụng các mô hình kinh tế hiệu quả cho lợi nhuận cao trên cùng một diện tích. Đến nay, toàn tỉnh có 91 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), trong đó có 67 sản phẩm đạt 3 sao, 24 sản phẩm đạt 4 sao.
Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển khởi sắc. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 3 tháng đầu năm tăng 22,9% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, nhiều ngành có sản lượng tăng khá so với cùng kỳ năm 2021, gồm: chế biến thủy sản đông lạnh (26.000 tấn, tăng 6,71%); điện thương phẩm (gần 270 triệu kWh, tăng 12,34%); điện gió (gần 448 triệu kWh, tăng gấp 4 lần); điện mặt trời (gần 59 triệu kwh, tăng 17,81%)…
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, Bạc Liêu sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra, nhưng phải đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng chống dịch. Các chủ đầu tư tập trung nhân công, thiết bị, vật tư để đẩy nhanh tiến độ đối với các gói thầu đang thực hiện; khi có khối lượng, cần hoàn thiện hồ sơ để thanh toán sớm cho các nhà thầu nhằm giảm áp lực về tài chính trong tình hình khó khăn hiện nay.
Xuất khẩu hàng hóa cũng tăng khá so với cùng kỳ, tạo thêm nguồn lực để phục hồi kinh tế địa phương, chủ yếu tập trung vào mặt hàng thủy sản xuất khẩu. Doanh nghiệp chế biến thủy sản duy trì tốt các thị trường xuất khẩu truyền thống để tăng kim ngạch. Bên cạnh đó, sản phẩm muối tiếp tục duy trì tăng trưởng, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Thủy sản xuất khẩu trong quý I/2022 đạt khoảng 17.530 tấn, tăng 7,06% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, tôm đông lạnh đạt 17.080 tấn, tăng 7,06% so với cùng kỳ.
Công tác xây dựng cơ bản được quan tâm nhằm tạo đà phục hồi kinh tế, tận dụng cơ hội trong tình hình mới. Đặc biệt, Bạc Liêu đã chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện quyết liệt nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Tỉnh đã thông báo vốn xây dựng cơ bản nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 (tổng vốn 3.268,411 tỷ đồng) đến các chủ đầu tư để sớm triển khai thực hiện ngay từ đầu năm. Lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đi khảo sát thực tế tại các công trình, dự án và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt. Trong đó, yêu cầu các cấp, ngành hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu và thực hiện dự án theo tiến độ đã được phê duyệt, đặc biệt là các dự án lớn của tỉnh, phấn đấu giải ngân hết số vốn được giao trong năm, bảo đảm chất lượng công trình, không phát sinh tăng nợ khối lượng xây dựng cơ bản.
Các chủ đầu tư đã tích cực triển khai ngay trong những tháng đầu năm, nhờ đó, tình hình giải ngân khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 15/3/2022, vốn đầu tư công năm 2022 giải ngân được 368,630 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 11,28%. Dự kiến, cuối tháng 4/2022, giải ngân vốn đầu tư công đạt khoảng 20%, góp phần nâng tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 7.726,881 tỷ đồng, tăng 9,48% so với cùng kỳ năm 2021
Công tác lập, quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý trật tự xây dựng được chú trọng, đẩy mạnh triển khai thực hiện. Đồng thời, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà ở và thị trường bất động sản, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn.
Hiện đơn vị tư vấn đã hoàn thiện Dự thảo Báo cáo Quy hoạch (đầu kỳ) theo Thông báo Kết luận của Chủ tịch Hội đồng quy hoạch tỉnh tại cuộc họp ngày 6/1/2022. Đơn vị đã tổ chức khảo sát, làm việc tại các sở, ngành, địa phương để thu thập thông tin, dữ liệu phục vụ hoàn chỉnh Báo cáo Quy hoạch giữa kỳ và tổ chức hội thảo tại tỉnh thông qua một số phương án phát triển như giao thông, đô thị...
Song song đó, việc lập Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược Dự án Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đang được triển khai thực hiện theo tiến độ.
Phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022
Bạc Liêu xác định, năm 2022 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc dồn lực và tiếp tục thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”: vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, vừa thực hiện có hiệu quả Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng.
Ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc việc giải ngân vốn đầu tư công, như: Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội; Công văn số 572/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ về tình hình, kết quả của các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2021; Công điện số 126/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công…
Thực hiện chỉ đạo này, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện, gần đây nhất là Văn bản số 543 về việc đôn đốc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022. Theo đó, tỉnh phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao, chủ động thực hiện các dự án mới, rút ngắn thời gian các khâu thủ tục phê duyệt, triển khai lập dự án, mời thầu, đấu thầu… nhằm giảm chi phí, chống “trượt giá” khi đưa vào triển khai dự án. Bên cạnh đó, quan tâm bố trí chủ động nguồn vốn, công tác giải phóng mặt bằng triển khai đúng tiến độ
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu cho biết, để thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, các đơn vị được giao lập chủ trương đầu tư (kể cả các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội), các ngành và địa phương cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trình thẩm định và phê duyệt làm cơ sở để tổng hợp giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đợt 2.
Đối với nguồn ngân sách địa phương (vốn chưa phân bổ 291,430 tỷ đồng), Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các chủ đầu tư, các ngành có liên quan rà soát những dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, đủ điều kiện phân bổ vốn, cũng như tiến độ của các dự án đang thực hiện, trình UBND tỉnh thông qua HĐND tỉnh điều chỉnh, bổ sung hết vốn được giao.
Năm 2022 là năm “bản lề” trong thực hiện kế hoạch 5 năm, vì vậy, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu yêu cầu tất cả các ngành, địa phương phải tập trung giải ngân vốn đầu tư công một cách chủ động, gắn trách nhiệm người đứng đầu của chủ đầu tư và đơn vị chủ quản trong giải ngân vốn đầu tư công.
Các ngành, địa phương đặc biệt quan tâm tới công tác giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án mới; tập trung giải quyết tốt, nhanh chóng các thủ tục trong công tác xây dựng cơ bản và rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ thi công, nhưng phải đảm bảo chất lượng công trình. Đặc biệt, kiên quyết xử lý nghiêm các nhà thầu thi công chậm, vi phạm hợp đồng và không cho các nhà thầu này tham gia đấu thầu ở những dự án tiếp theo.
Bên cạnh đó, Bạc Liêu sẽ thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý những khó khăn phát sinh trong giải ngân vốn đầu tư.
Tỉnh Bạc Liêu yêu cầu các chủ đầu tư phải theo dõi sát tình hình, báo cáo tiến độ triển khai thực hiện dự án, phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc đến các sở, ngành có liên quan và UBND tỉnh để tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, tỉnh sẽ đẩy nhanh hoàn thiện hồ sơ các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh
như: Dự án Xử lý xói lở và gia cố lòng sông thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải; Dự án Gia cố chống xói lở bờ biển Vĩnh Trạch Đông - Nhà Mát, TP. Bạc Liêu; đầu tư xây dựng, cải tạo 20 trạm y tế trên địa bàn tỉnh… để sớm triển khai khi Trung ương phân bổ vốn.