Đầu tư
Bắc Ninh khởi công khu công nghiệp 4.000 tỷ đồng; Đồng Nai có thêm 2 dự án FDI 30 triệu USD
Hạnh Nguyên - 15/07/2023 10:43
Khởi công dự án Khu công nghiệp Gia Bình II (Bắc Ninh), tổng vốn gần 4.000 tỷ đồng; Đồng Nai trao giấy phép đầu tư 2 dự án FDI với số vốn 30 triệu USD…

Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Khởi công dự án Khu công nghiệp Gia Bình II (Bắc Ninh), tổng vốn gần 4.000 tỷ đồng

Ngày 9/7, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà dự lễ khởi công dự án Khu công nghiệp Gia Bình II (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). 
Cùng dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh.
Ảnh: Báo Tin tức (TTXVN)

Dự án Khu công nghiệp Gia Bình II được hình thành trên 4 xã Nhân Thắng, Bình Dương, Thái Bảo, Vạn Ninh (huyện Gia Bình), có quy mô diện tích 250 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 3.956,8 tỷ đồng.

Khu công nghiệp Gia Bình II được đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại, công nghệ tiên tiến, công nghiệp sạch để thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực phía Nam sông Đuống và tỉnh Bắc Ninh. Đây sẽ là nơi tập trung thu hút đầu tư các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghiệp không gây ô nhiễm môi trường theo hướng ưu tiên lĩnh vực sản xuất, lắp ráp điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ cao.

Dự kiến trong quý III và quý IV/2023, chủ đầu tư sẽ thực hiện cơ bản việc san lấp mặt bằng, xây dựng hệ thống đường giao thông, cây xanh, hồ nước sinh thái, nhà máy cung cấp nước sạch, nhà máy xử lý nước thải, trạm biến áp 110kV. Trong quý IV/2023 sẽ bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư thứ cấp thuê đất đầu tư xây dựng. Dự kiến, quý I/2024, sẽ có các nhà máy sản xuất đi vào hoạt động.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đào Quang Khải đánh giá cao nỗ lực của các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Hanaka trong quá trình triển khai các bước để dự án được khởi công. Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án, đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công triển khai ngay việc giám sát, thi công khoa học và hoàn thành công trình theo kế hoạch với mục tiêu: chất lượng tốt nhất, an toàn nhất và đảm bảo thời gian thi công.

Đồng thời, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh giao các sở, ngành, huyện Gia Bình tạo điều kiện để chủ đầu tư sớm hoàn thành dự án theo đúng tiến độ, góp phần đón làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam nói chung, tỉnh Bắc Ninh nói riêng và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực phía Nam sông Đuống.

Trước đó, cùng ngày, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà dự lễ thông xe Dự án đầu tư xây dựng đường tỉnh lộ 287 đoạn từ Quốc lộ 38 mới, huyện Tiên Du đến Quốc lộ 18, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Tại lễ thông xe, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng báo cáo sơ bộ quá trình triển khai dự án diễn ra trong bối cảnh hết sức khó khăn do dịch COVID-19, giá vật liệu tăng cao và khó khăn giải phóng mặt bằng… Song với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự nỗ lực của chủ đầu tư, nhà thầu và sự đồng thuận của nhân dân, đến nay, dự án đã hoàn thành các hạng mục, được thông xe.

Dự án Đầu tư xây dựng đường tỉnh lộ 287 được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 1915/QĐ-UBND ngày 26/10/2018 với quy mô chiều dài toàn tuyến hơn 10km; điểm đầu tại Km13+686,53 thuộc Nút giao với Quốc lộ 38 mới, điểm cuối tại Km23+818 thuộc Nút giao với Quốc lộ 18. Quy mô mặt cắt ngang theo tiêu chuẩn đường đô thị rộng 48,5m, gồm 8 làn xe. Giai đoạn này, dự án mới đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng (TCVN 4054-2005), bề rộng nền đường rộng 12m, mặt đường cấp cao A1, tải trọng thiết kế trục 12T/trục; xây dựng các công trình trên tuyến và hệ thống bảo đảm an toàn giao thông đồng bộ. Tổng mức đầu tư hơn 377,6 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn khác.

Dự án được thông xe, đáp ứng tối ưu nhu cầu đi lại của nhân dân các địa phương trong và ngoài tỉnh, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông trên tuyến Quốc lộ 38 và Quốc lộ 18, bảo đảm trật tự an toàn giao thông toàn tuyến, tạo thông thương phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương có tuyến đường đi qua và tạo động lực thúc đẩy sự phát triển hài hoà, bền vững chung của tỉnh.

TP.HCM muốn bố trí thêm 1.026 tỷ đồng làm dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài
Sáng 10/7, tại ngày họp đầu tiên kỳ họp thứ 10, HĐND TP.HCM khóa X, UBND Thành phố đã trình tờ trình điều chỉnh quy mô và nguồn vốn để triển khai thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài theo phương thức đối tác công tư (PPP).

UBND Thành phố cho biết dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đã được HĐND Thành phố đã ban hành các Nghị quyết số 101/NQ-HĐND ngày 19/10/2021 và Nghị quyết số 65/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 với một số nội dung chính về quy mô, tổng mức đầu tư dự án.

Điểm đầu của tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Ảnh: Lê Toàn

Cụ thể, về quy mô đầu tư, theo quy hoạch, mặt cắt ngang đoạn qua địa phận TP.HCM (từ đầu tuyến đến trước nút giao Đường tỉnh 787B) đáp ứng 8 làn xe; đoạn còn lại trên địa phận tỉnh Tây Ninh đáp ứng 6 làn xe; giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch hoàn chỉnh của đường cao tốc.

Chiều dài toàn tuyến khoảng 50,0 km, trong đó đoạn qua TP.HCM là 23,7 km, đoạn qua địa phận tỉnh Tây Ninh là 26,3 km.

Giai đoạn 1 thực hiện đầu tư quy mô 4 làn xe. Tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) 15.900 tỷ đồng, trong đó: chi phí xây dựng là 5.417 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư; chi phí khác và lãi vay trong quá trình xây dựng là 1.836 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư là 7.433 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 1.214 tỷ đồng.

Đến nay, UBND TP.HCM đề xuất HĐND xem xét, chấp thuận đầu tư giai đoạn 1 có quy mô đáp ứng 6 làn xe; giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch hoàn chỉnh của đường cao tốc.

Tăng chiều dài toàn tuyến lên khoảng 51,171 km. UBND Thành phố cho biết chiều dài tuyến tăng do điều chỉnh cục bộ hướng tuyến qua khu vực kho đạn K75 thuộc huyện Củ Chi, TP.HCM và qua trận địa pháo binh thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh được Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải thống nhất.

Về tổng mức đầu tư (giai đoạn 1), UBND Thành phố cũng đề xuất tăng lên 21.527 tỷ đồng, trong đó: Chi phí xây dựng là 9.885 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư, chi phí khác và lãi vay trong quá trình xây dựng là 2.748 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư là 6.900 tỷ đồng (trên địa bàn TP.HCM là 5.395 tỷ đồng (giảm 506 tỷ so với 5.901 tỷ); trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là 1.505 tỷ đồng (giảm 27 tỷ so với 1.532 tý); chi phí dự phòng là 1.994 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn tham gia dự án, phần vốn Nhà nước tham gia dự án là 9.827 tỷ đồng, tương đương 46% tổng mức đầu tư dự án; Phần vốn nhà đầu tư BOT là 11.700 tỷ đồng, tương đương 54% tổng mức đầu tư dự án.

UBND Thành phố cho rằng, để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn thực hiện, đẩy nhanh tiến độ trình duyệt chủ trương đầu tư dự án, triển khai xây dựng dự án theo tiến độ cam kết với Chính phủ.

Trên cơ sở kết luận của Hội đồng thẩm định liên ngành, UBND thành phố báo cáo HĐND Thành phố xem xét, quyết nghị thống nhất chủ trương điều chỉnh quy mô dự án và cho phép Thành phố bố trí thêm 2.900 tỷ đồng từ nguồn vốn Ngân sách Thành phố tham gia vào hỗ trợ cho công tác xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật dự án PPP.

Việc tăng thêm này nhằm nâng cao tỷ lệ % góp vốn Nhà nước trong dự án, tăng tính khả thi để thu hút các nhà đầu tư tham gia. Số vốn này sẽ được bố trí và giải ngân trong kế hoạch đầu tư công trung hạn gian đoạn 2026 - 2030, do đó sẽ không làm ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 mà HĐND Thành phố đã thông qua.

UBND Thành phố cũng sẽ xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ tài chínhvề phương án chi 2.900 tỷ đồng ở bước tiếp theo.

Như vậy, tổng vốn Ngân sách Thành phố cần bố trí theo phương án này là 6.927 tỷ đồng, tăng 1.026 tỷ đồng so với phương án trình HĐND Thành phố trước đây; trong đó, 4.027 tỷ đồng bố trí trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 và 2.900 tỷ đồng bố trí trong kế hoạch trung hạn 2026 - 2030.

Tại kỳ họp, UBND Thành phố trình HĐND Thành phố xem xét danh mục các dự án cần thu hồi đất trong năm 2023, trong đó có dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Dự án này dự kiến thu hồi khoảng 204 ha đất ở các xã Tân Phú Trung, Tân Thạnh Đông, Tân Thạnh Tây, Phước Vĩnh An, Tân An Hội, Nhuận Đức, Phước Hiệp, Trung Lập Hạ, Trung Lập Thượng và Phước Thạnh (huyện Củ Chi).

Tiến độ thực hiện dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài

- Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trước ngày 31/8/2023.

- Phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trước ngày 31/12/2023.

- Khởi công dự án trước ngày 30/4/2025.

- Hoàn thành, thông xe dự án trước ngày 31/12/2027 (đồng bộ với thời điểm dự kiến thông xe tuyến cao tốc Phnom Pênh - Bavet do nước bạn Campuchia thực hiện, đã được khởi công vào ngày 7/6/2023).
TP.HCM kiến nghị chuyển đổi 193,5 ha đất lúa để làm dự án
Tại kỳ họp thứ 10, HĐND TP.HCM, UBND Thành phố đã trình tờ trình về việc thông qua danh mục chuyển mục đích đất trồng lúa trên địa bàn Thành phố để làm dự án.
Theo đó, có 11 Dự án có chuyển mục đích đất trồng lúa, với diện tích 193,5 ha. Trong đó, có 8 dự án đăng ký mới năm 2023, với 188,11 ha; 1 dự án 0,62 ha đã có nghị quyết nay trình lại và 2 dự án đã có nghị quyết nhưng quá 3 năm, nay trình lại với tổng diện tích 4,32 ha.
TP.HCM trình danh mục 11 dự án có chuyển mục đích đất trồng lúa, với diện tích 193,5 ha. Ảnh: Lê Toàn

Danh mục các dự án được trình gồm:

- Dự án tu bổ, tôn tạo, tái hiện, xây dựng mới di tích lịch sử quốc gia khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán (nơi cố Tổng bí thư Trần Phú hy sinh);

- Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn);

- Xây dựng cầu Dân Sinh (Vĩnh Lộc B, Bình Chánh); xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài;

- Trạm biến áp 500kV Củ Chi và các đường dây đấu nối;

- Dự án xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp đường Trần Đại Nghĩa (từ đường Tân Kiên - Bình Lợi) đoạn từ cầu Kênh B đến đường Thanh Niên;

- Phát triển nâng cấp 1 tuyến Nguyễn Cửu Phú (Võ Văn Vân - Nguyễn Văn Linh);

- Kè chống sạt lở bờ Rạch Tôm nhánh Phú Xuân từ đầu vàm Phú Xuân đến hạ lưu 1000m;

- Bờ kè chống sạt lở bờ tả thượng lưu rạch Ông Lớn 2 (Phước Kiển, Nhà Bè);

- Công trình chống sạt lở bờ trái thượng lưu cầu Long Kiểng (Nhà Bè);

- Nạo vét trục thoát nước rạch Xóm Củi (quận 8, Bình Chánh và Nhà Bè);

- Xây dựng vành đai 2 đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội;

- Nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh đoạn từ cầy Xây Dựng đến nút giao thông vành đai 2 (kể cả hạng mục cầu Xây Dựng).

UBND Thành phố đánh giá các dự án trên là dự án công trình công cộng, phục vụ nhu cầu cần thiết của địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ chỉnh trạng phát triển đô thị.

Qua rà soát, nhận thấy các dự án trên đã đầy đủ pháp lý để triển khai thực hiện trong năm 2023 như: đã được Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố về chủ trương đầu tư dự án, Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công hàng năm, đồng thời, hiện nay các công trình, dự án này vẫn đang tiếp tục thực hiện các bước để hoàn thành các thủ tục thu hồi đất, giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.

Diện tích đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên đã được rà soát, phù hợp với chỉ tiêu đất trồng lúa được chuyển mục đích còn lại được duyệt theo Nghị Quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ.

Trong danh mục dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, hiện các Sở ngành đang triển khai thực hiện nội dung lập phương án sử dụng tầng đất mặt và xác định trách nhiệm nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định của pháp luật về trồng trọt đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa sang mục đích khác theo quy định.

Sau khi được HĐND Thành phố thông qua, UBND Thành phố sẽ chỉ đạo các Sở ngành, UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức tổ chức thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Cà Mau phấn đấu sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 570.000 tấn/năm vào năm 2030
Tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 570.000 tấn, tốc độ tăng trưởng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt trung bình 3,93%/năm.
Theo đó, Tỉnh Cà Mau sẽ khai thác hợp lý tiềm năng và lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững phù hợp với đặc thù của tỉnh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh; đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đến năm 2025, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 470.000 tấn, tốc độ tăng trưởng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt trung bình 2,15%/năm. Chủ động sản xuất, cung ứng được trên 60% nhu cầu tôm giống (tôm sú, tôm thẻ chân trắng), 90% nhu cầu cua giống; sản xuất đủ giống các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn.

Ảnh minh họa

Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đầu mối thiết yếu đáp ứng yêu cầu sản xuất trên 70% các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ trên 40% sản phẩm nuôi trồng thủy sản. Phấn đấu khoảng 30.000 ha tôm - rừng, tôm - lúa được chứng nhận các tiêu chuẩn hữu cơ, sinh thái và các tiêu chuẩn quốc tế khác.

Phát triển diện tích nuôi tôm siêu thâm canh khoảng 5.000 ha, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến 200.000 ha. Sắp xếp lại các hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển phù hợp với điều kiện tự nhiên nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển. Thí điểm nuôi một số đối tượng có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện thực tế.

Đến năm 2030, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 570.000 tấn, tốc độ tăng trưởng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt trung bình 3,93%/năm. Chủ động sản xuất, cung ứng được trên 75% nhu cầu tôm giống (tôm sú, tôm thẻ chân trắng), 100% nhu cầu cua giống đảm bảo chất lượng; sản xuất đủ giống các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn.

Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đầu mối thiết yếu đáp ứng yêu cầu sản xuất trên 80% các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ trên 60% sản phẩm nuôi trồng thủy sản. Phấn đấu có khoảng 50.000 ha tôm - rừng, tôm - lúa được chứng nhận các tiêu chuẩn hữu cơ, sinh thái và các tiêu chuẩn quốc tế khác. Phát triển diện tích nuôi tôm siêu thâm canh khoảng 8.000 ha, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến 250.000 ha. Đầu tư kết cấu hạ tầng để mở rộng nuôi thương phẩm trên biển các đối tượng có giá trị kinh tế quy mô lớn theo hướng tập trung; nghiên cứu phát triển sản xuất giống một số loài hải sản mới có giá trị cao, phù hợp với điều kiện vùng biển của tỉnh.

Tổng vốn thực hiện kế hoạch hơn 2.730 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương chiếm 34,71%; vốn địa phương chiếm 1,54%; nguồn vốn khác (ODA, doanh nghiệp) chiếm 63,74%.

TP.HCM cần 960.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông đến năm 2030
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết Thành phố cần 960.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển các công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố đến năm 2030.
Trong phiên thảo luận tại hội trường của Kỳ họp thứ 10, HĐND TP.HCM diễn ra vào chiều nay (ngày 11/7), ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố đã dành thời gian chia sẻ các vấn đề mà đại biểu quan tâm.

Đề cập đến nhu cầu nguồn vốn đầu tư cho các Dự án hạ tầng giao thông của Thành phố, ông Mãi cho biết dự kiến từ nay đến năm 2030, Thành phố cần hơn 960.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông. Nhu cầu vốn lớn song ngân sách của Thành phố khó để đáp ứng đủ mà cần kết hợp đầu tư công và phát huy nguồn vốn xã hội qua hình thức PPP mà Nghị quyết 98 đã cho cơ chế.

Do đó, ông cho biết sẽ khai thác tốt những cơ chế có trong Nghị quyết 98 để phát huy nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng giao thông.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.

Về kinh tế giao thông, ông Phan Văn Mãi nhìn nhận phát triển hạ tầng giao thông phải đi liền với hình thành hạ tầng đô thị, công nghiệp, dịch vụ, logictics, du lịch. Trên cơ sở đó, mô hình TOD là sự tập trung tiêu biểu của kinh tế giao thông mà muốn làm được mô hình này thì điều kiện tiên quyết là đảm bảo quy hoạch. Hiện Nghị quyết 98 được ban hành trong thời kỳ Thành phố đang rà soát quy hoạch, đây là cơ hội để Thành phố hiện thực các mục tiêu trên.

Liên quan đến những vấn đề trên, trong phiên giải trình sáng nay, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Thành phố cho rằng kinh tế giao thông là khái niệm mới. Và kinh tế giao thông là dùng giao thông kích thích sự phát triển kinh tế của khu vực và ngược lại, khi đầu tư thì có ngay nguồn khai thác thực tiễn.

Ông Lâm cho biết, sau quá trình làm việc với các đơn vị tư vấn thì Thành phố đang học tập và triển khai kinh tế giao thông. Ví dụ đối với dự án rạch Xuyên Tâm hay kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, Thành phố đang chỉ đạo tổ nghiên cứu rà soát quy hoạch dọc theo 2 bên sông để nghiên cứu điều chỉnh, phát huy hiệu quả, tạo thêm quỹ đất dọc theo tuyến đường ven sông, ven kênh rạch, vừa tạo cảnh quan vừa tạo không gian.

Cao hơn, Thành phố cũng đã thành lập tổ nghiên cứu phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD), theo đó sẽ nghiên cứu quy hoạch xung quanh các nút giao của tuyến Vành đai 3 và các tuyến giao thông khác cùng quy hoạch xung quanh các nhà ga của các tuyến Metro.

Đối với nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng, ông Lâm cho biết Thành phố vừa đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ, cho thấy nguồn lực dành cho giao thông so với kế hoạch thực hiện chỉ đạt 30%, đó là nguyên nhân thực hiện các dự án chậm, thực hiện quy hoạch giao thông chậm.

Ngoài ra, một số dự án có nguồn lực nhưng triển khai thực hiện không đạt tiến độ. HĐND Thành phố đã có nhiều phiên giám sát các dự án và chỉ ra nguyên nhân lớn nhất là khâu giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư.

Để giải quyết các vấn đề này, ông Lâm cho biết trong Nghị quyết 98 có nhiều cơ chế để phát huy nguồn lực. Ví dụ, đầu tư dự án theo hình thức BT - thanh toán bằng tiền (trước đây BT thanh toán bằng đất). Ngoài ra, từ nay về sau, Thành phố sẽ thực hiện các dự án theo tinh thần và bài học từ Vành đai 3 để đẩy nhanh dự án.

Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi, cho biết dự kiến thứ Bảy tuần này, Thành uỷ Thành phố sẽ tiến hành sơ kết nửa nhiệm kỳ, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố đề xuất Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố trước mắt không điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu mà hạ quyết tâm đạt được cao nhất thông qua các giải pháp đột phá gắn với Nghị quyết 98 của Quốc hội, Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị.

Theo ông, mặc dù đến giờ này, các doanh nghiệp tại Thành phố vẫn còn rất khó khăn, do đó Thành phố sẽ rất tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quý III, hoàn thành đề án hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lãi vay…

Người đứng đầu chính quyền Thành phố cũng nhìn nhận tình hình thu ngân sách của Thành phố tháng 6 giảm so với tháng 5 và các tháng trước đó, tuy nhiên Thành phố sẽ cố gắng giữ được mức thu dự kiến theo kế hoạch.

“Chúng ta quyết tâm thu cho đúng, không bỏ sót, làm sao quản lý cho được doanh nghiệp trốn thuế nhưng không lạm thu, phải gắn hoàn thuế đối với các trường hợp đã rõ để có chính sách nuôi dưỡng nguồn thu”, ông Mãi nhấn mạnh.
Đồng Nai trao giấy phép đầu tư 2 dự án FDI với số vốn 30 triệu USD 
UBND tỉnh Đồng Nai vừa trao giấy phép đầu tư cho 2 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư 30 triệu USD. 
Chiều 11/7, UBND tỉnh Đồng Nai trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 Dự án đầu tư nước ngoài (FDI). Đây alf 2 dự án đầu tư mới nhất được tỉnh Đồng Nai cấp phép.

Đầu tiên là Dự án nhà máy Ziehl-Abegg Việt Nam được Công ty Ziehl-Abegg SE (Đức) đầu tư để sản xuất các sản phẩm liên quan đến hệ thống thông gió.  Dự án có vốn đầu tư 20 triệu USD.

Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai trao giấy phép đầu tư cho đại diện Công ty Ziehl-Abegg Việt Nam

Dự án thứ hai là Nhà máy công nghệ HKC (Việt Nam) được doanh nghiệp thuê nhà xưởng tại Nhơn Trạch để sản xuất màn hình tivi. Dự án do Tập đoàn HKC Overseas Limited (Trung Quốc) đầu tư với vốn đăng ký 10 triệu USD

Phát biểu tại buổi lễ trao giấy chứng nhận đầu tư, ông Joachim Ley, đại diện Công ty Ziehl-Abegg Việt Nam cho biết, Nhà máy Ziehl-Abegg tại Đồng Nai sẽ tiến hành sản xuất hàng loạt dự kiến vào cuối năm 2024.

Doanh nghiệp cam kết sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý và phát triển bền vững. Doanh nghiệp cũng hướng đến sản xuất động cơ điện và quạt hiện đại, hiệu suất cao giúp giảm lượng khí thải và góp phần tạo ra một thế giới sạch cho các thế hệ tương lai.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai bà Nguyễn Thị Hoàng (bên phải) trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty công nghệ HKC (Việt Nam)

Về  phía địa phương bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, hai dự án được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đợt này đều là những dự án có quy mô tương đối lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế địa phương.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai lưu ý, trong quá trình triển khai dự án nhà đầu tư cần chú trọng bảo vệ môi trường để cùng chính quyền địa phương hướng đến phát triển công nghiệp xanh và bền vững.

“Chính quyền địa phương sẽ không ngừng nỗ lực để tạo ra một môi trường đầu tư thông thoáng, an toàn, minh bạch, hỗ trợ tối đa cho sự phát triển của các doanh nghiệp và xem sự phát triển của doanh nghiệp là sự thành công của chính chúng tôi” bà Nguyễn Thị Hoàng khẳng định.

Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, tính từ đầu năm đến ngày 5/7/2023, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được thêm 37 dự án đầu tư FDI mới với số vốn đầu tư đăng ký là 144,6 triệu USD.

Đồng thời, có 52 dự án FDI tăng vốn với số vốn tăng thêm là 545,7 triệu USD. Tổng số vốn FDI thu hút trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 682,6 triệu USD.

Năm 2023, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai tiếp tục tập trung thu hút các dự án có vốn đầu tư lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, lao động có tay nghề, những dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Tỉnh hạn chế những dự án sử dụng nhiều lao động phổ thông, quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, gây ảnh hưởng đến môi trường.

Đầu tư 1.844 tỷ đồng xây nhà ga T2, sân đỗ tàu bay Cảng hàng không Đồng Hới
Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay, Cảng hàng không Đồng Hới do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đề xuất.
Phối cảnh Nhà ga T2 Cảng hàng không Đồng Hới.

UBND tỉnh Quảng Bình vừa có công văn số 1329/UBND – TH gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp liên quan đến đề xuất thực hiện Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay - Cảng hàng không Đồng Hới của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV).

Theo ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, Cảng hàng không Đồng Hới là một trong những cảng hàng không quan trọng tại khu vực Bắc Trung Bộ, phục vụ cho nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa đến với tỉnh Quảng Bình, khu vực phía Nam Hà Tĩnh, Khu kinh tế Vũng Áng và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, công suất thiết kế hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực.

Theo ý kiến của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ACV đã lập kế hoạch, cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025, bao gồm nguồn vốn đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Đồng Hới công suất 3 triệu hành khách/năm.

 Hiện nay, ACV nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay - Cảng hàng không Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình theo quy định của Luật Đầu tư.

Dự án này có diện tích đất dự kiến sử dụng 15,016 ha; tổng vốn đầu tư khoảng 1.844 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư từ 100% vốn góp của ACV. Dự án dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng vào quý I/2026, thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm.

Để triển khai đồng bộ các thủ tục chuẩn bị đầu tư nhằm đẩy nhanh thực hiện Dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị Bộ GTVT cho ý kiến về sự cần thiết đầu tư dự án; sự phù hợp của dự án với các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành giao thông vận tải trong đó có quy hoạch cảng hàng không, sân bay; sự phù hợp của kế hoạch đầu tư, phương án đầu tư, quy mô đầu tư dự án, tổng vốn đầu tư, diện tích sử dụng đất; các yêu cầu đối với kinh doanh nhà ga hành khách và sân đỗ máy bay và các nội dung khác của dự án liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến về sự phù hợp của phương án đầu tư dự án của nhà đầu tư; thẩm quyền, trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án; các yêu cầu đối với dự án theo quy định của Luật Đầu tư và các pháp luật khác có liên quan và các nội dung khác thuộc lĩnh vực quản lý của ngành.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho ý kiến về tính khả thi của nguồn vốn thực hiện dự án (ACV đề xuất sử dụng 100% vốn góp của ACV); sự phù hợp của tiến độ góp vốn, huy động các nguồn vốn với tiến độ thực hiện dự án; và các nội dung khác của dự án liên quan đến lĩnh vực của ngành.

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV cho biết, nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, đơn vị này sẽ khởi công Nhà ga hàng khách T2 vào quý III/2024, hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý I/2026.

ACV cũng muốn Bộ GTVT cùng với UBND tỉnh Quảng Bình thống nhất chủ trương cho phép ACV triển khai thủ tục thi tuyển phương án kiến trúc nhà ga song song với thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đặc biệt, đơn vị đang vận hành khai thác Cảng hàng không Đồng Hới hiện hữu kiến nghị UBND tỉnh Quảng Bình bố trí kinh phí và đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng 10,6 ha đất quốc phòng; sớm hoàn thiện thủ tục thủ tục điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng để có thể giao mặt bằng phục vụ thi công nhà ga T2 và sân đỗ trước quý II/2024.

Quảng Ninh dành hơn 18.740 tỷ đồng ngân sách chi cho đầu tư công năm 2024
Tại kỳ họp thứ 14 - kỳ họp giữa năm, HĐND tỉnh Quảng Ninh khoá XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông thông qua Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công năm 2024 của tỉnh.
Theo đó, căn cứ kế hoạch vốn đầu tư công và các giả định cho giai đoạn 2023 - 2025, nguồn vốn dành cho chi đầu tư công năm 2024 của Quảng Ninh là 18.740,445 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 850 tỷ đồng, ngân sách cấp tỉnh là 12.697,46 tỷ đồng, ngân sách huyện là 5.192,984 tỷ đồng. 

Đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương sẽ được phân bổ toàn bộ cho Dự án Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến thị xã Đông Triều (giai đoạn 1).

Còn nguồn vốn ngân sách tỉnh được phân bổ để hỗ trợ các địa phương chưa tự cân đối theo tiêu chí chấm điểm là 1.000 tỷ đồng; phân bổ cho Chương trình mục tiêu quốc gia: 1.000 tỷ đồng; phân bổ vốn cho các dự án chuyển tiếp sang năm 2024 là hơn 6.233,3 tỷ đồng; các dự án khởi công mới là 2.722,557 tỷ đồng… Đối với nguồn vốn ngân sách cấp huyện thì UBND cấp huyện sẽ trình HĐND cùng cấp phân khai chi tiết theo quy định.

Các đại biểu biểu quyết thông qua các dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp thứ 14 của HĐND tỉnh Quảng Ninh khoá XIV.

Đối với nguồn vốn đầu tư công năm 2023, HĐNQ tỉnh đã đồng ý điều chỉnh giảm trên 155 tỷ đồng phần vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ nguồn vốn đầu tư công; bổ sung nguồn vốn tiết kiệm chi thường xuyên năm 2023 trên 732 tỷ đồng sang chi đầu tư phát triển để phân bổ vốn hỗ trợ vốn chấm điểm cho các địa phương tự cân đối ngân sách và hỗ trợ đầu tư xây dựng 16 trụ sở công an xã tại TX.Đông Triều và TP.Móng Cái. Bổ sung nguồn thêm 245 tỷ đồng từ nguồn tài trợ của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Thực hiện điều chỉnh giảm gần 500 tỷ đồng của 12 dự án (dự án cầu Tình Yêu; đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338 giai đoạn 1; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu tái định cư, khu hành chính xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn; 4 trường học theo tiêu chí chất lượng cao tại Đầm Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ, Vân Đồn…) được bố trí vốn ngân sách tỉnh năm 2023. Lý do điều chỉnh là vì tiến độ giải ngân chậm để phân bổ cho 18 dự án có khối lượng hoàn thành, tỷ lệ giải ngân lớn và các dự án khởi công mới (đường nối KCN Cái Lân qua KCN Việt Hưng đến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; tuyến đường nút giao Đầm Nhà Mạc đến KCN Bắc Tiền Phong; đường nối từ tỉnh lộ 342 đến QL279 qua trung tâm xã Sơn Dương…).

Theo đó, HĐND tỉnh cũng đã thông qua việc điều chỉnh, bổ sung nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn (2021-2025) vốn ngân sách cấp tỉnh. Cụ thể, điều chỉnh giảm nguồn vốn 1.463,287 tỷ đồng để xử lý theo quy định. Điều chỉnh tăng nguồn vốn 245 tỷ đồng từ nguồn tài trợ của (TKV) cho dự án Đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Phổi tỉnh Quảng Ninh.

Như vậy, tổng nguồn vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Quảng Ninh sau điều chỉnh bổ sung là 93.660,376 tỷ đồng. Ngân sách cấp tỉnh sau điều chỉnh là 62.376,376 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh còn lại chưa phân bổ sau điều chỉnh: 19.599,522 tỷ đồng.

Theo Ban kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, việc điều chỉnh, bổ sung nguồn vốn đầu tư công thực sự cần thiết và cấp bách, đảm bảo theo đúng luật định, nhất là đối với nhiều dự án được bố trí nguồn vốn năm 2023 chưa thể giải ngân. Mà lý do khiến các dự án này chậm do vướng mắc giải phóng mặt bằng, nguồn đất đắp, bãi đổ thải, dẫn đến có tỷ lệ giải ngân thấp, không đảm bảo mục tiêu theo kế hoạch. Số vốn được điều chỉnh là để bổ sung vốn cho các dự án hoàn thành, các dự án quan trọng, trọng điểm thuộc các ngành, lĩnh vực và hỗ trợ các địa phương đầu tư các dự án động lực có sức lan tỏa rộng và tác động lớn tới phát triển kinh tế của địa phương để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.

Dự án đường nối Sơn Dương - Đồng Lâm (TP Hạ Long) hiện đã đạt 70%. Ảnh: Nguồn baoquangninh.

Từ những vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh cũng đã thông qua nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 303/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND tỉnh về phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025.

Như vậy, thông qua kỳ họp HĐND tỉnh phiên giữa năm này, bằng việc kịp thời ban hành các nghị quyết điều chỉnh vốn đầu tư công, Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vốn thường xuyên. Cùng với đó gắn trách nhiệm người đứng đầu, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư thực hiện các dự án khởi công mới năm 2023-2025. Đồng thời, tỉnh cũng tập trung tháo gỡ ngay các vướng mắc, khó khăn và giải quyết triệt để yếu kém do nguyên nhân chủ quan trong tổ chức thi công và giải ngân của từng dự án (về nguồn vật liệu san lấp, vị trí đổ thải, giải phóng mặt bằng…).

Quảng Ninh cũng đã kiên quyết điều chuyển vốn theo quy định đối với các dự án đầu tư có khả năng giải ngân cao, có nhu cầu bổ sung vốn, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, phê duyệt hợp đồng. Phấn đấu đến 30/9/2023 giải ngân 80%, đến 31/12/2023 giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư giao đầu năm.

An Giang đề xuất 4 dự án vốn ODA có tổng mức đầu tư hơn 7.727 tỷ đồng
Theo UBND tỉnh An Giang, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh vẫn đảm bảo khả năng vay đối với khoản vay lại của các dự án.
Thông tin từ UBND tỉnh An Giang, tỉnh này đã có các văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ tài chính đề xuất 4 Dự án sử dụng vốn ODA với tổng mức đầu tư 7.727.191 triệu đồng.

Các dự án đó là: Dự án hệ thống trữ nước ngọt gắn với hạ tầng phục vụ liên kết sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên (thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu - Chương trình DPO).

Quy mô đầu tư xây dựng Dự án gồm nạo vét kênh Trà Sư với chiều dài L = 39,7 km; xây dựng cống trên kênh Trà Sư và 12 cống hở qua đê; nâng cấp đê với chiều dài L = 42,6 km; tạo mặt bằng để xây dựng khu dân cư, khu công nghiệp với diện tích 55 ha; xây dựng 02 hồ trữ nước: hồ chứa 1 với diện tích lòng hồ 315 ha, hồ chứa 2 với diện tích 1.300 ha (thuộc khu rừng tràm Lâm trường tỉnh đội) và kết hợp trữ nước ngọt trong rừng tràm Trà Sư (với diện tích 850 ha).

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 3.185.908 triệu đồng, từ vốn ngân sách trung ương thuộc khoản vay Chương trình DPO là 1.653.482 triệu đồng (trong đó, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cấp phát 90% là 1.488.134 triệu đồng; địa phương vay lại 10% là 165.348 triệu đồng) và vốn đối ứng ngân sách địa phương là 1.532.426 triệu đồng.

Dự kiến thời gian thực hiện dự án giai đoạn 2024-2030.

Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng thúc đẩy thương mại khu vực biên giới Tịnh Biên tỉnh An Giang. Dự án gồm các hợp phần: Cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng thích ứng phó biến đổi khí hậu; bố trí tái định cư thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường khả năng phục hồi khí hậu trong quản lý đô thị.

Tổng mức đầu tư dự kiến 2.419.822 triệu đồng. Nguồn vốn đầu tư dự kiến từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Trong đó, vốn vay ODA (dự kiến vốn vay của ngân hàng Tái thiết Đức- KfW) 1.635.521 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 67,6% tổng mức đầu tư; vốn đối ứng trong nước 784.301 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 32,4% tổng mức đầu tư.

Dự kiến thời gian thực hiện dự án 2023-2027.

Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Dự án có 2 hợp phần, trong đó, hợp phần 1 là cải thiện nâng cao năng lực thoát nước và vệ sinh môi trường, gồm: cải tạo hồ khóm Long Thạnh A; cải tạo kênh mương số 2; xây dựng mạng lưới thu gom nước thải; trạm xử lý nước thải sinh hoạt.

Hợp phần 2 là cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật thích ứng biển đổi khí hậu, gồm: xây dựng kè bờ hữu sông Tiền, đoạn từ kè hiện hữu đến bến phà Tân Châu - Hồng Ngự, phường Long Thạnh; xây dựng kè bờ hữu sông Tiền, đoạn từ kè hiện hữu đến UBND xã Vĩnh Xương cũ; cải tạo tuyến đường Nguyễn Thị Định kéo dài đến đường dẫn cầu Tân An.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 1.141.103 triệu đồng, từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Trong đó, vốn vay ODA (dự kiến KfW) 846.908 triệu đồng, chiếm 74,20 % tổng mức đầu tư; vốn đối ứng 294.195 triệu đồng, chiếm 25,80 % tổng mức đầu tư.

Dự kiến thời gian thực hiện dự án 2024-2028.

Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu TP. Châu Đốc là 1 trong số 4 dự án sử dụng nguồn vốn ODA do UBND tỉnh An Giang đề xuất

Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang. Dự án gồm xây dựng công trình kè chống xói lở, ngập lụt với tổng chiều dài dự kiến 2,57 km trên sông Châu Đốc và kênh Vĩnh Tế; xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải để cải thiện hiệu quả hệ thống thu gom nước thải hiện có. 

Tổng mức đầu tư dự kiến 980.358 triệu đồng, nguồn vốn đầu tư dự kiến từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Trong đó, vốn vay ODA (dự kiến vốn AFD) 667.000 triệu đồng, chiếm 68,04 % tổng mức đầu tư; vốn đối ứng 313.358 triệu đồng, chiếm 31,96 % tổng mức đầu tư.

Dự kiến thời gian thực hiện dự án 2024-2028.

Theo UBND tỉnh An Giang, các dự án trên phù hợp với Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và dự thảo Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về khả năng vay lại, UBND tỉnh An Giang cho rằng, căn cứ Nghị quyết số 39/NQ-HĐND ngày 8/12/2020 của HĐND tỉnh An Giang và Quyết định số 2883/QĐ-UBND ngày 14/12/2020 của UBND tỉnh An Giang về việc kế hoạch vay, trả nợ 5 năm giai đoạn 2021-2025 của ngân sách tỉnh An Giang, thì mức dư nợ của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025 là 3.162.425 triệu đồng, chiếm 44,11% hạn mức dư nợ vay tối đa của tỉnh là 7.169.701 triệu đồng, số còn được vay cho giai đoạn 2021-2025 là 4.007.276 triệu đồng. Do đó, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh An Giang vẫn đảm bảo khả năng vay đối với khoản vay lại của các dự án.

Đề xuất Thủ tướng duyệt Dự án KCN Lương Điền - Ngọc Điền trị giá 1.764 tỷ đồng
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Lương Điền - Ngọc Liên, tỉnh Hải Dương do Công ty cổ phần Khu công nghiệp Lương Điền Ngọc Liên là nhà đầu tư.
Phối cảnh Khu công nghiệp Lương Điền - Ngọc Liên.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Báo cáo số 4881/BC - BKHĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả thẩm định Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Lương Điền - Ngọc Liên do Công ty cổ phần Khu công nghiệp Lương Điền Ngọc Liên đề xuất.

Tại Báo cáo này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Hồ sơ dự án được Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương tiếp nhận ngày 30/12/2020 và gửi lấy ý kiến thẩm định theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014.

Thủ tục đầu tư đối với Dự án được thực hiện trong giai đoạn chuyển tiếp giữa Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2020. Nhà đầu tư đã bổ sung, hoàn thiện hồ sơ dự án theo quy định.

Trên cơ sở Hồ sơ dự án, ý kiến của 7 Bộ và UBND tỉnh Hải Dương và các nội dung thẩm định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rằng, Hồ sơ dự án đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án theo nội dung quy định tại khoản 4 Điều 33 Luật Đầu tư và khoản 5, Điều 32 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP.

Cụ thể, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Lương Điền - Ngọc Liên có mục tiêu đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp có quy mô sử dụng đất 149,897 ha, trong đó bao gồm phần diện tích đất công trình năng lượng (0,0189 ha) được giữ nguyên hiện trạng và có biện pháp bảo đảm an toàn về hành lang lưới điện tại xã Lương Điền và xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Tổng vốn đầu tư của Dự án là 1.764,589 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Nhà đầu tư là 268,709 tỷ đồng; tiến độ thực hiện dự án là không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất. Thời hạn hoạt động của Dự án là 50 năm kể từ ngày Dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.

Nhà đầu tư thực hiện Dự án phải đảm bảo góp đủ vốn chủ sở hữu để thực hiện Dự án theo đúng cam kết và tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai; đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 02/2022/NĐ-CP khi thực hiện hoạt động kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp.

Công ty cổ phần Khu công nghiệp Lương Điền Ngọc Liên chỉ được thực hiện Dự án sau khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, bao gồm được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa và có trách nhiệm nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định tại khoản 3 Điều 134 Luật Đất đai và Điều 45 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.

Đơn vị này cũng sẽ phải thực hiện đầy đủ các thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện Dự án.

UBND tỉnh Hải Dương có trách nhiệm bảo đảm tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về sự phù hợp của Dự án với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong đó lưu ý ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; tiếp thu ý kiến của các Bộ.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hải Dương phải bảo đảm điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong quá trình cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án; có kế hoạch bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa khác để bù lại đất trồng lúa bị chuyển đổi theo quy định của Luật Đất đai; thực hiện đúng các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Đặc biệt, UBND tinh Hải Dương được kiến nghị chỉ đạo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương và các cơ quan có liên quan kiểm tra, xác định Nhà đầu tư đáp ứng điều kiện được Nhà nước cho thuê đất tại thời điểm cho thuê đất; giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện Dự án, việc sử dụng vốn góp chủ sở hữu theo cam kết và việc đáp ứng đủ các điều kiện của Nhà đầu tư quy định tại Điều 4 Nghị định số 02/2022/NĐ-CP khi thực hiện hoạt động kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp.

Gần 300 tỷ đồng đầu tư tuyến đường nối dài phía Đông sông Nhật Lệ, Quảng Bình
Dự án đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão và hậu cần nghề cá tại TP. Đồng Hới sẽ có chiều dài gần 3km, tổng mức đầu tư 298 tỷ đồng.
Sáng 12/7, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết vừa có tờ trình gửi HĐND tỉnh về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đường và kè nối từ cầu Nhật Lệ 2 đến Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão và hậu cần nghề cá (phía Nam cầu Nhật Lệ 3), TP. Đồng Hới.
Khu vực dọc bờ sông Nhật Lệ, TP. Đồng Hới, Quảng Bình. Ảnh: Ngọc Tân

Theo đó, quy mô dự án 298 tỷ đồng, sử dụng từ nguồn Ngân sách vượt thu năm 2021 và năm 2022. Dự án được thực hiện trong 2 năm 2023-2025. Quy mô đầu tư dự án bao gồm một tuyến chính dài khoảng 2,36km và một tuyến kết nối dài khoảng 0,6km. Tổng chiều dài toàn bộ dự án khoảng 2,96km.

Điểm đầu tuyến chính sẽ có vị trí tại khu vực công viên cây xanh phía Nam cầu Nhật Lệ 2, điểm cuối tuyến tại phía Nam cầu Nhật Lệ 3, tiếp giáp với Khu neo đậu tàu thuyền trú bão và hậu cần nghề cá xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới.

Tuyến kết nối có điểm đầu tại điểm cuối tuyến chính và điểm cuối tại vị trí giao với trục đường quy hoạch 36m xã Bảo Ninh.

Dự kiến, dự án sẽ được giao cho Sở GTVT Quảng Bình làm chủ đầu tư. Mục tiêu dự án đó là từng bước tạo nên mạng lưới giao thông đô thị TP. Đồng Hới hoàn cảnh, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo định hướng phát triển của tỉnh. Tạo điểm nhấn và thu hút đầu tư các dự án khu đô thị ven biển, khai thác có hiệu quả quỹ đất ven biển. Thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đặc biệt trong việc khai thác các tiềm năng, thế mạnh về du lịch, dịch vụ biển, hậu cần nghề cá cũng như nâng cao năng lực phòng tránh, và chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, chống xói lở bờ sông…

Theo UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, dự án dự kiến sẽ được các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Bình thông qua tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVIII (2021-2026) diễn ra từ ngày 12-14/7.

Khởi công 2 tuyến đường 2.630 tỷ đồng kết nối đến sân bay Long Thành 
Ngày 14/7, tại Đồng Nai, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khởi công xây dựng 2 tuyến đường số 1 và số 2 để kết nối vào sân bay Long Thành.
Hai tuyến đường khởi công ngày 14/7 thuộc Dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu thuộc Dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1.
Lãnh đạo ACV và tỉnh Đồng Nai nhấn nút khởi công xây dựng 2 tuyến đường kết nối vào sân bay Long Thành. Ảnh: Lê Quân

Đối với tuyến số 1 dài 4,3 km nối từ sân bay Long Thành đến Quốc lộ 51 để đi TP.HCM và các tỉnh phía Tây sân bay.

Tuyến đường này cũng được dùng để vận chuyển máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác thi công xây dựng các hạng mục sau này của Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Còn tuyến số 2 dài 3,5 km trùng với 1 đoạn của tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Tuyến số 2 được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100 km/h.

Đây là 2 tuyến tuyến đường rất quan trọng kết nối các trục đường xung quanh như Quốc lộ 51, cao tốc TP.HCM – Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để đến sân bay Long Thành.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.630 tỷ đồng, thời gian thi công là 2 năm 4 tháng.

Sơ đồ tuyến số và tuyến số 2 kết nối đến sân bay Long Thành.

Mặc dù dự án đã tiến hành khởi công, nhưng đến nay tuyến số 1 mới bàn giao 70% mặt bằng, tuyến 2 chưa có bằng mặt bằng. Ngoài ra, nhu cầu vật liệu thi công rất lớn với khối lượng đất khoảng 1 triệu m3, cát khoảng 10.000 m3, đá khoảng 214.000 m3 đang là những thách thức cho các nhà thầu xây dựng 2 tuyến đường này.

 



Tin liên quan
Tin khác