Đem lại cuộc sống, nụ cười cho trẻ tật nguyền
Gặp Bác sỹ Lê Đức Tố khi ông vừa bước ra từ phòng khám của Bệnh viện STO Phương Đông - nơi ông là sáng lập viên kiêm Giám đốc. Trong bộ trang phục blouse trắng, trông ông nhanh nhẹn và trẻ trung hơn so với tuổi 72.
| ||
Bác sỹ Lê Đức Tố, Giám đốc Bệnh viện STO Phương Đông |
“Sáng nay có một bà bệnh nhân đến đây khám, đưa tôi cái phong bì. Tôi không nhận, bà ấy cứ ấn vào tay, nói nếu bác sỹ không nhận, lần sau không đến khám nữa. Tôi không có cách nào từ chối đành bảo cô điều dưỡng phòng khám nhận mang gửi ngoài bộ phận lễ tân để mai mốt nếu ai khó khăn thì hỗ trợ. Có những bệnh nhân đến đây chữa bệnh, khi thanh toán, thiếu tiền viện phí, tôi cho họ tiền tàu xe để về”, bác sỹ Lê Đức Tố cho biết.
Đó chỉ là một trong số những câu chuyện “thường ngày” ở bệnh viện của bác sỹ Tố - người đầu tiên đưa ra quy trình chẩn đoán và phẫu thuật hiệu quả nhất cho bệnh nhân bị xơ hóa cơ Delta (bệnh chim sệ cánh) vào những năm 2006 - 2007.
Bác sỹ Lê Đức Tố sinh ra trong một gia đình nho học, có truyền thống mấy đời làm thuốc.
Ông nội của Bác sỹ Tố là thầy thuốc giỏi, về sau là Thành Hoàng làng Quang Sởi; thân sinh ông là cụ Lê Đức Mật, vừa dạy học vừa bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Có lẽ với truyền thống gia đình lương y nên ông đã theo đuổi học nghề y như một lẽ tự nhiên.
Nhờ sự nỗ lực học tập, rèn luyện, năm 26 tuổi, ông đã là giảng viên của trường Đại học y Thái Bình. Ông làm nghiên cứu sinh ở Đại học Y Odessa (Liên Xô cũ) về đề tài “ghép xương”, 37 tuổi, ông nhận bằng Tiến sĩ y khoa về chấn thương chỉnh hình. Bác sỹ Tố cũng là người mở đầu việc ứng dụng phương pháp IliZarov - có thể phục hồi chức năng vận động cho người khuyết tật do bại liệt, bại não, di chứng chấn thương, dị tật bẩm sinh gây biến dạng ở chi thể, và đặc biệt là kéo dài chi, phẫu thuật xơ hoá cơ Delta…
Đã có những bài báo gọi ông là “Ông bụt”, “Ông tiên” của những đứa trẻ tật nguyền tại hàng chục tỉnh thành trên cả nước. Trong suốt cuộc đời làm nghề, ông được nhiều tổ chức từ thiện trong nước và quốc tế mời làm phẫu thuật viên chính trong nhiều chương trình từ thiện. Họ giải thích bằng một lý do rất đơn giản khi mời ông: “Bác sỹ Tố luôn hết lòng vì bệnh nhân, không bao giờ đặt nặng vấn đề vật chất, nên chúng tôi rất muốn cộng tác với ông”.
Bác sỹ Tố đã mổ cho 25.000 ca bệnh. Một năm trung bình mổ 1.200 ca, trong đó tới gần 70% là mổ từ thiện.Có những tỉnh, ông mổ từ thiện tới 100 ca/tuần. Nhiều nhất là các tỉnh phía Bắc như Thái Bình (1.500 ca), Nam Định (2.000 ca), Ninh Bình (1.000 ca), và các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh (1.000 ca).
Khi được hỏi về những kỷ niệm hay những ca phẫu thuật đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm nghề của mình, ông kể với chúng tôi về thời gian cộng tác với bệnh viện Quận Phú Nhuận, TPHCM. Khi đó, ông đã từng mổ cho 10 cô gái bị tật nguyền bẩm sinh, tuổi từ 18 đến 30. Cuộc sống của 10 cô gái này rất khó khăn, vì họ không thể kiếm được một công việc để có thu nhập. Hơn nữa, cả 10 cô gái đều không thể lập gia đình do bị khuyết tật. Sau khi được Bác sỹ Tố mổ chỉnh hình, các cô gái này lần lượt có việc làm ổn định, lập gia đình và sinh con.
Hay ở Thái Bình, ông có mổ cho một cô bé (lúc đó mới 13-14 tuổi), bị dị tật đi lật ngửa bàn chân lên. Đường vào nhà cô bé là một con đường đất rất khó đi. Nhưng khi nhà nước làm đường nhựa chạy qua nhà mình thì cô tỏ ra không vui, vì chân của cô bé không đi được giày dép, nên sẽ rất đau đớn khi phải di chuyển trên mặt đường bê tông, nhựa đường cứng hơn đường đất. Sau này, cô bé được bác sỹ Tố phẫu thuật, đưa bàn chân trở về tư thế gần như bình thường, cô bé đã trúng tuyển vào trường đại học Huế và cô đã tốt nghiệp đại học. Cô là người đã được VTV3 mời đến dự chương trình người đương thời với Bác sỹ Tố năm 1998.
Đối với Bác sỹ Tố, trường hợp em bé tên Trung, người Xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An là một kỷ niệm không thể quên. Ngay từ khi mới sinh, hai chân của em bị quặt ngược lên vai, bất hạnh hơn nữa là sau khi sinh con được mấy ngày thì người mẹ sợ quá đã bỏ bé lại với cha và bà nội, bỏ nhà đi biệt tích.
Người cha đã đưa bé đi nhiều nơi tìm cách chạy chữa, nhưng nơi nào họ cũng từ chối không chữa được. Lần đó Bác sỹ Tố đi khám bệnh từ thiện tại tỉnh Nghệ An, tình cờ biết đến trường hợp này. Ông đã đề xuất với một hội từ thiện của Úc để tài trợ 100% chi phí chữa bệnh cho bé Trung và đã được họ chấp thuận. Bác sỹ Tố đã quyết định đưa bé Trung từ Nghệ An vào TP. Hồ Chí Minh để mổ tại bệnh viện STO Phương Đông.
Ca mổ đã mang lại cho bé Trung một cuộc sống hoàn toàn mới. Theo lời ông kể, trước đó, mỗi khi có người lạ đến, bé Trung không bao giờ chịu tiếp xúc, mà chỉ lấy tay che mặt chạy vào một góc tối trong nhà. Nhưng từ khi được Bác sỹ Tố biến dị tật bẩm sinh thành đôi chân lành lặn, bé Trung đã tự tin hơn nhiều, mỗi lần ông có dịp ghé thăm, bé đều chạy ra tận cổng nhà đón. Sau này, ông được biết thêm, tổ chức từ thiện của Úc còn tài trợ nuôi bé Trung và một người Anh của bé ăn học trong suốt nhiều năm.
Bác sỹ Tố cho chia sẻ với chúng tôi về niềm vui khi nhiều trường hợp trẻ em khuyết tật được ông chữa lành bệnh đã học xong đại học, có công ăn việc làm, thậm chí có người được ra nước ngoài công tác, học tập nâng cao. Nhiều bậc phụ huynh đã nói với ông: “Bác sỹ là người sinh ra con cái chúng tôi lần thứ hai”.
Khi được hỏi về động lực nào khiến bác sỹ tận tâm đối với các chương trình từ thiện, ông chia sẻ: “Trẻ em bị tật nguyền thường rơi vào những gia đình có hoàn cảnh nghèo khó hoặc ở nông thôn, giả sử họ có tiền đi nữa thì nhiều người cũng không biết đi chữa ở đâu. Trong khi đó, mình có điều kiện hơn, hay nói cách khác, việc chữa trị cho các cháu nằm trong tầm tay của mình, nên mình mong muốn mang lại niềm vui , niềm hy vọng cho bản thân các cháu nói riêng và gia đình, cộng đồng, xã hội nói chung – và đó cũng là trách nhiệm của một người thầy thuốc đối với xã hội”.
Lập Bệnh viện tư để làm việc thiện
Năm 2007, Bệnh viện STO Phương Đông do bác sỹ Lê Đức Tố sáng lập đi vào hoạt động theo chủ trương xã hội hóa y tế của Bộ Y tế, nhằm giảm áp lực quá tải cho hệ thống các bệnh viện công lập. Đến nay, trong 6 năm hoạt động, Bệnh viện STO Phương Đông đã thực hiện khám và điều trị cho hơn 92.000 lượt bệnh nhân, trong đó hơn 23.500 ca phẫu thuật.
Chỉ tính riêng trong năm 2013, bệnh viện đã phẫu thuạt chỉnh hình và điều trị miễn phí 100% cho tổng số 119 trẻ em tàn tật và bệnh nhân nghèo. Trung bình mỗi năm, Khoa Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện STO Phương Đông phẫu thuật miễn phí cho trẻ em khuyết tật vận động từ 120 – 150 ca. Khoa Mắt của bệnh viện cũng phẫu thuật, và điều trị miễn phí cho gần 3.000 bệnh nhân về mắt.
Kinh doanh bệnh viện tư thường hướng đến mục tiêu lợi nhuận, nhưng với bác sỹ Lê Đức Tố, ông lại xem đây là bàn đạp để thực hiện mơ ước của mình, đó là được giúp đỡ trẻ em khuyết tật, người bệnh nghèo; được chia sẻ cho lớp bác sỹ trẻ những kinh nghiệm điều trị thuộc lĩnh vực chấn thương, chỉnh hình; được học học những kỹ thuật điều trị hiện đại mới và áp dụng một cách có hiệu quả vào công tác khám chữa bệnh; được để lại cho đời nhiều kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn có giá trị.
Là sáng lập viên kiêm Giám đốc Bệnh viện STO Phương Đông, song bác sỹ Lê Đức Tố lại không nhận mình là doanh nhân. Ông bảo từng có nhiều tổ chức bình chọn giải thưởng đến bệnh viện ông để mời tham gia giải thưởng, ông đều từ chối.
“Tôi chỉ nghĩ mình là người hành nghề bình thường, làm chuyên môn. Nên có những đơn vị đến Bệnh viện vận động, bảo tôi làm doanh nhân tâm tài, doanh nhân tiêu biểu, rồi doanh nghiệp này doanh nghiệp kia… có cúp. Tôi bảo không. Tôi không làm cái đó”, bác sỹ Lê Đức Tố nói và cho biết mục đích chính của ông khi làm kinh doanh là được chủ động trong công tác chuyên môn, được đi đây, đi đó làm từ thiện đóng góp cho xã hội.
Giờ đây, khi đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”, Bác sỹ Lê Đức Tố này vẫn hàng ngày miệt mài với phòng khám, phòng mổ, thăm hỏi bệnh nhân, đồng thời dành thời gian cho việc viết sách. Ông đang tập hợp tài liệu để viết một quyển sách có quy mô lớn: tổng hợp tất các các loại bệnh tật về xương, khớp rồi cách phẫu thuật điều trị.
“Tôi viết cuốn này vì mình có quá nhiều bệnh nhân, quá nhiều tài liệu, có hàng chục ngàn tấm ảnh bệnh nhân. Khi mổ, mình rút ra nhiều kinh nghiệm quý lắm”, Bác sỹ Tố nói.
Bác sỹ Tố đã chủ biên nhiều cuốn sách chuyên ngành đã được Nhà xuất bản Y học in ấn và phát hành, như “Tật bẩm sinh ở cơ quan vận động”, Một số kỹ thuật mới trong chấn thương chỉnh hình” xuất bản năm 1993; “Đại cương phẫu thuật chỉnh hình bại liệt ở chi dưới”, “Giải đáp về tăng chiều cao và điều trị ngắn chi” xuất bản năm 1997. Và có nhiều tài liệu, bài viết đã được đăng tải trên các báo và tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước.
Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam, chúc cho “ông bụt” của những trẻ em tật nguyền luôn mạnh khỏe và hạnh phúc, chúc cho những dự định, mơ ước của ông sẽ trở thành hiện thực.
Thanh Tân