Thời sự
Du lịch khám chữa bệnh: Mảnh đất hoang màu mỡ?
Lê Tân - 26/02/2014 14:24
Trong khi thị trường du lịch khám chữa bệnh trên thế giới không ngừng phát triển, thì tại Việt Nam, mọi thứ vẫn giậm chân tại chỗ. >>> Du lịch chữa bệnh: Tỷ đô nhưng chưa dễ thu tiền >>> Chăm sóc bệnh nhân không phải sự ban phát >>> Bệnh viện FV và đối tác Singapore thực hiện ghép gan

Thị trường tỷ đô bị bỏ hoang

Công ty Kiểm toán Deloitte cho biết, doanh thu của du lịch khám chữa bệnh tại châu Á là rất khả quan, với mức tăng trưởng 20-30%/năm, tạo ra một thị trường 4 tỷ USD mỗi năm cho khu vực này. Hầu hết các nước châu Á như Thái Lan, Singapore, Ấn Độ, Philippines, Hàn Quốc và Malaysia đều đóng góp vào doanh thu này, nhưng trên tất cả những bản thống kê thì Việt Nam không thấy xuất hiện.

Việt Nam có thể phát triển tốt thị trường du lịch khám chữa bệnh

Tại Hội nghị Du lịch Khám chữa bệnh toàn cầu lần 6 (năm 2013) được tổ chức tại Nevada (Mỹ), Việt Nam vẫn là cái tên không hề được nhắc đến trên bản đồ du lịch khám chữa bệnh của thế giới.

“Theo tôi, Việt Nam hoàn toàn có thể làm tốt được trên thị trường này, vì trình độ y tế của chúng ta không kém các nước trong khu vực. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, cho đến nay, ngành du lịch khám chữa bệnh của Việt Nam vẫn hoàn toàn bị bỏ hoang”, bác sỹ Nguyễn Hữu Tùng, Phó chủ tịch Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM cho biết.

Mới đây, phát biểu tại buổi trao Huân chương Lao động hạng nhì cho Bệnh viện C Đà Nẵng, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến một điều mà những người làm quản lý y tế luôn băn khoăn và là một thực tế tồn tại nhiều năm nay, đó là hàng tỷ USD ở trong nước đang được người dân mang ra nước ngoài khám chữa bệnh mỗi năm.

Xác nhận con số đó, bác sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Hòa Hảo (TP.HCM) cho rằng, tiềm năng về du lịch khám chữa bệnh của Việt Nam rất lớn.

“Nếu nói về du lịch khám chữa bệnh, thì Hòa Hảo đã có từ nhiều năm nay, nhưng chủ yếu là làm ‘tự phát’. Sở dĩ chúng tôi chưa đầu tư vào lĩnh vực này một phần vì đã quá tải với dịch vụ khám chữa bệnh y tế thông thường, một phần do chưa có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước”, ông Hải nói và cho rằng, muốn làm du lịch khám chữa bệnh thì cần kết hợp nhiều ngành.

Nhiều rào cản

Trong một hội nghị về y tế được tổ chức tại TP.HCM, đại diện đến từ Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Bộ chưa có chủ trương phát triển ngành du lịch khám chữa bệnh. Và quan điểm của Bộ là cần phải tập trung giải quyết vấn đề quá tải bệnh viện là chính.

Về vấn đề này, bác sỹ Trương Vĩnh Long, Phụ trách Y khoa của Tập đoàn Hoa Lam - Shangri-La cho rằng, hầu hết các bệnh viện ở Việt Nam chưa chú trọng đến dịch vụ này. Có nhiều nguyên nhân để lý giải chuyện này, nhưng lý do cốt yếu nằm ở khâu quản lý bệnh viện.

Thậm chí, một người trong ngành y tế còn cho biết, họ không muốn tham gia những hội nghị quốc tế về du lịch khám chữa bệnh, dù những hội nghị này đều được tổ chức quy mô, bài bản và có rất nhiều thông tin bổ ích. Lý do là, những kinh nghiệm hay của nước ngoài rất khó triển khai ở Việt Nam, vì vậy, tham gia hội nghị chỉ tốn tiền mà thôi.

Trong nhiều lần trò chuyện với chúng tôi, bác sỹ Nguyễn Hữu Tùng cho rằng, chưa hề có một động thái nào từ cơ quan quản lý ủng hộ cho chuyện phát triển ngành du lịch khám chữa bệnh. “Tiềm năng thu hút ngoại tệ của ngành này là rất lớn và cơ quan quản lý cũng thấy được điều này. Tuy nhiên, muốn phát triển thì cần có sự phối hợp tổng thể giữa các bộ: Y tế, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tư pháp, Công an, Kế hoạch và Đầu tư. Có lẽ vì thế mà họ e dè”, bác sỹ Tùng phân tích.

Còn theo bác sỹ Trương Hải Yến, Giám đốc viện Mắt TP.HCM, Luật Khám chữa bệnh cần thay đổi cho phù hợp thì mới hy vọng thúc đẩy y tế phát triển. “Đối với du khách quốc tế, cần cởi mở hơn về giấy phép, còn đối với đội ngũ bác sỹ thì cần xem xét cho họ có thể hành nghề ở nhiều nơi, tùy khả năng chuyên môn, năng lực và thời gian của họ. Khi đó, tuyến dưới và bệnh viện tư nhân sẽ có cơ hội mời chuyên gia giỏi làm việc cố định và mạnh dạn đầu tư”, bác sỹ Yến cho biết thêm.

Tin liên quan
Tin khác