Tiêu dùng
Du lịch chữa bệnh: Tỷ đô nhưng chưa dễ thu tiền
Lê Tân - Vũ Anh - 07/10/2013 15:37
Mặc dù Việt Nam có nhiều tiềm năng về phát triển dịch vụ du lịch khám chữa bệnh, nhưng giờ chưa phải là thời điểm để doanh nghiệp vào cuộc.  

Thị trường tỷ đô

Báo cáo của Công ty McKinsey & Company cho thấy, thị trường du lịch kết hợp chữa bệnh trên thế giới tăng từ 40 tỷ USD năm 2004 lên đến 100 tỷ USD năm 2012.

Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển dịch vụ du lịch khám chữa bệnh như các nước lân cận. Ảnh: Đức Thanh

Còn theo một báo cáo khác từ Công ty Kiểm toán Deloitte, doanh thu du lịch khám chữa bệnh tại châu Á rất khả quan, với mức tăng trưởng 20-30%/năm, tạo ra một thị trường 4 tỷ USD/năm cho khu vực này, trong đó các nước Thái Lan, Singapore, Ấn Độ, Philippines, Hàn Quốc và Malaysia đóng góp lớn nhất.

Tại Thái Lan, theo thống kê trong vài năm trở lại đây, dịch vụ khám chữa bệnh kết hợp du lịch đã đem lại doanh thu không dưới 1 tỷ USD.

Đặc biệt, năm 2009, nước này thu được từ du khách 1,2 tỷ USD với riêng dịch vụ này.

Theo giới phân tích, với chính sách y tế của các nước phương Tây và tỷ lệ già hóa dân số, nhu cầu du lịch khám chữa bệnh của người dân không ngừng tăng cao.

Đây là triển vọng đối với bất kỳ quốc gia châu Á nào, những nơi có mức giá dịch y tế thấp hơn nhiều. Chẳng hạn, nếu một dịch vụ thay khớp ở Mỹ có giá khoảng 40.000 USD, thì ở Ấn Độ chỉ là 6.000- 8.000 USD, Thái Lan là 10.000 USD và Singapore là 11.000 USD.

Bác sỹ Nguyễn Hữu Tùng, Phó chủ tịch Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM cho biết, dù đa số người dân của các nước tiên tiến đều có bảo hiểm y tế công và tư, nhưng chi phí cho khám chữa bệnh vẫn rất cao, nhất là với người nghỉ hưu và người có thu nhập trung bình. Hơn nữa, với hệ thống y tế của các quốc gia phát triển, không phải người dân muốn khám chữa bệnh lúc nào cũng được. Do đó, người ta có khuynh hướng tìm đến các nước có nền kinh tế thấp hơn, với chi phí y tế rẻ hơn để khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, điều đáng nói là, trong khi các nước ở khu vực châu Á, đặc biệt là các nước lân cận Việt Nam làm rất tốt dịch vụ này và đây được coi là chủ trương lớn của họ nhằm thu hút ngoại tệ, thì đáng tiếc là Việt Nam hoàn toàn đứng ngoài cuộc chơi.

“Việt Nam hoàn toàn có thể làm được như họ, nhưng lại không làm, hoặc làm rồi bỏ dở. Trong khi đó, mỗi năm có đến 40.000 lượt người đem tiền đi chữa bệnh ở nước ngoài, với tổng chi phí hàng tỷ USD”, bác sỹ Tùng nói.

Vẫn là con số không

Anh Trần Quốc Khánh (Tân Bình, TP.HCM), một nhân viên của công ty du lịch chuyên tổ chức du lịch khám chữa bệnh cho khách hàng Việt Nam qua Singapore cho hay, khách nước ngoài rất quan tâm tới dịch vụ này tại Việt Nam, nhưng anh chỉ biết hướng dẫn họ đến các phòng khám như: SOS, Victoria Healthcare hay Bệnh viện FV. “Người nước ngoài khi khám bệnh thường rất kỹ tính. Nếu bệnh viện không được công nhận đạt chuẩn hoặc có các chứng nhận đáng tin cậy, thì họ không chấp nhận vào khám”, anh Khánh nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, trình độ kỹ thuật y tế của Việt Nam không thua kém những nước lân cận. Vấn đề ở đây là chưa có sự quan tâm và đầu tư đúng mức từ ngành y tế. Đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, chủ trương của Nhà nước là phát triển y tế khám chữa bệnh cho người dân là chính, nên chưa chú trọng vào lĩnh vực du lịch khám chữa bệnh và chưa coi đây là ngành dịch vụ hái ra tiền giống như các nước lân cận.

Là một người có thâm niên trong đầu tư vào y tế tư nhân, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Hòa Hảo TP.HCM cũng nhìn thấy tiềm năng rất lớn từ du lịch kết hợp khám chữa bệnh. Song ông không thể nhảy vào đầu tư một cách bài bản, vì lĩnh vực này chưa có bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phía các cơ quan quản lý.

“Chúng tôi chưa đầu tư vì đây là dịch vụ đòi hỏi phải kết hợp nhiều ngành và phải có tín hiệu từ cơ quan quản lý trước. Hiện phần lớn người nước ngoài đến Hòa Hảo chữa bệnh vì các nơi khác không làm tốt và buộc phải chuyển đến”, ông Hải nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Tùng cho rằng, lãnh đạo Bộ Y tế chưa thật sự nhìn thấy được cơ hội từ lĩnh vực này. “Việt Nam có bờ biển dài, nhiều danh lam, thắng cảnh, nhiều di tích lịch sử, nhiều di sản vật thể và phi vật thể hấp dẫn khách thập phương. Hơn nữa, Việt Nam có sẵn một số lượng khách lớn trên 4 triệu Việt kiều luôn hướng về quê hương, sẵn lòng hỗ trợ kỹ thuật cũng như sẵn sàng trở thành khách hàng”, bác sỹ Tùng nói.

Cần được bật đèn xanh

Không phải ngẫu nhiên mà các nước lân cận có doanh thu hàng tỷ đô mỗi năm trong lĩnh vực du lịch khám chữa bệnh. Với một chiến lược bài bản, hằng năm, họ đều tổ chức các hội thảo, hội nghị thu hút đầu tư trong lĩnh vực này.

Với Việt Nam, hầu hết các bác sỹ đều cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được như vậy và doanh nghiệp hoàn toàn có thể đầu tư vào lĩnh vực du lịch khám chữa bệnh, nếu được các cơ quan chức năng bật đèn xanh về mặt chính sách.

Theo bác sỹ Trương Hải Yến, Giám đốc Viện Mắt TP.HCM, Luật Khám chữa bệnh cần thay đổi cho phù hợp thì mới hy vọng thúc đẩy y tế phát triển. “Cụ thể, đối với du khách quốc tế, cần cởi mở hơn về giấy phép, còn đối với đội ngũ bác sỹ thì cần xem xét để họ có thể hành nghề ở nhiều nơi, tuỳ khả năng chuyên môn, năng lực và thời gian của mình. Khi đó, tuyến dưới và bệnh viện tư nhân sẽ có cơ hội mời chuyên gia giỏi làm việc cố định và mạnh dạn đầu tư hơn”, bác sỹ Yến đề nghị.

Đồng quan điểm, bác sỹ Nguyễn Hữu Tùng cho rằng, muốn tận dụng được tiềm tăng của thị trường du lịch khám chữa bệnh, Chính phủ phải có chủ trương thông suốt tới các bộ Y tế, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư.

Tuy nhiên, đại diện Cục quản lý Khám Chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, thời điểm này chưa thích hợp để có những chính sách khuyến khích phát triển dịch vụ cao cấp tại Việt Nam. Bởi lẽ, nguồn lực đầu tư của Việt Nam chưa sẵn sàng cho việc này. “Muốn phát triển, thì phải phân chia nguồn lực, ảnh hưởng đến cơ cấu nguồn lực về vốn, con người giữa dịch vụ khám chữa bệnh công - tư và điều này sẽ làm hệ thống khám chữa bệnh đã yếu lại càng yếu thêm”, vị đại diện này nói.

Sai lầm khi coi du lịch là văn hóa.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam

Lâu nay, chúng ta vẫn hô hào du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng về bản chất lại không như vậy, khi nhận thức của các cấp lãnh đạo chưa thấu đáo, thậm chí là sai khi tuyên truyền và xếp du lịch vào nhóm văn hóa - xã hội.

Chính vì du lịch chưa được xếp vào ngành có đóng góp lớn cho nền kinh tế, nên mới có tình trạng đầu tư manh mún. Đã sắp hết năm rồi mà ngành du lịch vẫn chưa được giải ngân tiền ngân sách quảng bá cho năm du lịch 2013.

Các nước lân cận có dịch vụ du lịch khám chữa bệnh phát triển vì họ coi đó là mục tiêu kinh tế. Còn ở Việt Nam, du lịch là văn hóa và làm nhiệm vụ chính trị. Nếu tồn tại kiểu tư duy như vậy thì du lịch, dù phát triển dưới hình thức nào, cũng rất khó khăn.

Muốn thu hút khách tham gia các tour du lịch chữa bệnh, phải tạo cho họ lòng tin. Mà điều này chỉ có được thông qua những điều mà du khách được mắt thấy, tai nghe, như phong cách chuyên nghiệp của bác sỹ, phương tiện khám chữa bệnh hiện đại... Tuy nhiên, cả 2 yếu tố này ở Việt Nam vẫn còn thiếu.

Bên cạnh đó, trình độ ngoại ngữ của bác sỹ còn hạn chế, gây khó khăn khi phát triển loại hình này. Các công ty du lịch có thể giúp phiên dịch, nhưng tâm lý của bệnh nhân là muốn nghe chính bác sỹ chữa trị chia sẻ, dặn dò.

Tin liên quan
Tin khác