“Tăng vai trò chức năng của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp”
PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Nền kinh tế vừa trải qua 6 năm với nhiều thay đổi bất thường, nhưng cũng chính thời gian này, 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) đạt được những kết quả đáng kể. Điều này cho thấy nỗ lực lớn và phần nào chứng minh tính hiệu quả của mô hình cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.
PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. |
Dù vậy, phải nhìn thẳng vào thực tế để thấy hoạt động của mô hình này còn nhiều khó khăn.
Đơn cử như tính độc lập của vai trò chủ sở hữu vốn giữa Ủy ban được giao chức năng này với các cơ quan khác và các doanh nghiệp thành viên. Khi không minh định được thì rất khó điều hành.
Có những việc Ủy ban phải xin ý kiến một đơn vị cấp vụ nào đó ở Bộ. Cơ chế vận hành trong không gian ấy rất khó khăn cho Ủy ban. Thực tế là, chúng ta đang có những quy định, thể chế khiến nhiều việc không thể làm tốt được, dù có năng lực.
Tới đây, điều cần ưu tiên là phải đẩy nhanh công cuộc tái cấu trúc vốn nhà nước để định hình mô hình Ủy ban một cách rõ ràng, đảm bảo vận hành nhanh hơn, hiệu quả hơn. Định hình tài sản nhà nước, gắn với nó là chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện vốn, còn phần quản trị kinh doanh là việc của doanh nghiệp.
Thực tế đã chứng minh trao quyền càng cao, tính chịu trách nhiệm càng cao thì hoạt động của các cơ quan đều mạnh hơn. Bởi vậy, cần tăng cường vai trò chức năng của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp gắn với tính độc lập của hệ thống doanh nghiệp nhà nước như một thực lực của nền kinh tế.
“Tiến tới một mô hình cơ quan độc lập chịu sự giám sát của Quốc hội, Chính phủ”
TS. Nguyễn Đức Kiên, Chuyên gia kinh tế
Việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã tách chức năng sở hữu vốn và chức năng quản lý nhà nước. Sau 6 năm hoạt động, mô hình này có một số điểm sáng.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Chuyên gia kinh tế. |
Một là, không làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty chuyển về.
Hai là, thực hiện vai trò đại diện tiếng nói cho các doanh nghiệp nhà nước trình cấp có thẩm quyền, đặc biệt là nhận diện rõ những bất cập doanh nghiệp nhà nước phải đối mặt trong nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ba là, hỗ trợ, cùng các doanh nghiệp nhà nước trưởng thành hơn ngay trong giai đoạn khó khăn, dịch bệnh.
Nhiều doanh nghiệp nhà nước ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt, tham gia cung cấp các điều kiện vật chất để Chính phủ điều hành kinh tế. Có thể nhắc tới Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết định giảm 23.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp khó khăn. ACV giảm 8.700 tỷ đồng chi phí lệ phí cất hạ cánh, sân lăn, đường băng hỗ trợ doanh nghiệp hàng không vận tải.
Đó là, những ví dụ cho thấy vai trò lớn của khu vực doanh nghiệp nhà nước đang đóng góp, giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Bênh cạnh đó, doanh nghiệp nhà nước cũng là công cụ vật chất điều tiết nền kinh tế trong thời điểm biến động, bất ổn, ví dụ các chuyến bay đưa người Việt Nam ở nước ngoài về do đại dịch Covid-19 đều do Vietnam Airlines thực hiện và chịu chi phí.
Song cũng phải thấy rõ, đánh giá doanh nghiệp nhà nước luôn phải nhìn ở 2 khía cạnh, gồm thực hiện nhiệm vụ chính trị và sản xuất kinh doanh.
Đây là thời điểm cần tiếp tục kiện toàn bộ máy Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Cụ thể cần có những quy định cụ thể về quyền và chức năng của Ủy ban tại Luật thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69/2014) đang được dự thảo, có thể tiến tới trở thành cơ quan độc lập chịu sự giám sát của Quốc hội, Chính phủ.
Giải pháp tốt nhất là cải cách triệt để, xây dựng luật để Ủy ban hoạt động theo luật (như với mô hình Kiểm toán nhà nước), làm rõ chức năng, vai trò và trao quyền cho cơ quan này thật cụ thể, thật rõ ràng.
Còn điều kiện chưa thể làm được thì phải sửa luật một cách hợp lý hơn, dựa trên các ý kiến chuyên gia hiến kế, trên thực tế hoạt động của cơ quan đại diện vốn nhà nước và phản hồi của các doanh nghiệp.
Đây cũng là cơ hội định hướng bước đi cụ thể để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, là cơ hội để tập trung trí lực, thay đổi các quy định không còn phù hợp. Những yếu tố thể chế hoàn toàn có thể xử lý được để tài sản quốc gia vận hành hiệu quả, có tính cạnh tranh quốc tế.
Để làm được điều này, đòi hỏi những vấn đề rất căn cốt của Ủy ban được quy định rõ, được luật hóa, như chức năng, vị trí, vai trò. Cùng với đó là việc quyết liệt trong thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
“Nhà nước cũng là một nhà đầu tư, tuân thủ các luật chơi của thị trường”
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)
Với khu vực doanh nghiệp nhà nước, cần làm rõ câu hỏi: Chúng ta muốn các doanh nghiệp nhà nước đi đến đâu, từ đó tìm ra giải pháp phù hợp.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). |
Trên thực tế, có nhiều nhóm doanh nghiệp nhà nước với đặc thù khác nhau. Có nhóm giữ vai trò quan trọng với an ninh kinh tế, như dầu khí, điện, xăng dầu; có nhóm giữ vai trò công ích - xã hội như môi trường đô thị, thủy nông, cấp thoát nước, công viên cây xanh; có nhóm lại hoàn toàn theo thị trường, như dược phẩm, thép, lương thực, hóa chất, phân bón…
Do đó, nên phân nhóm và có những quy định, cách thức quản lý khác nhau bởi mỗi nhóm doanh nghiệp cần những giải pháp tái cơ cấu khác nhau.
Việc tách bạch quản lý nhà nước và quản lý vốn nhà nước gắn với cơ quan đại diện sở hữu chủ quản như Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần tiếp tục được thúc đẩy. Theo đó, loại trừ những ngành, lĩnh vực đặc thù, vốn nhà nước nên được quản lý, vận hành như đồng vốn của các khu vực kinh tế khác, nhà nước cũng là một nhà đầu tư, tuân thủ các luật chơi của thị trường.
Khi quyết định duy trì doanh nghiệp nhà nước trong các ngành thì cần trả lời câu hỏi, vì sao phải giữ? Nếu không đo đạc về lợi nhuận thì phải đo đạc về hiệu quả với nền kinh tế.
Chẳng hạn, như ngành năng lượng, phải làm rõ họ có vai trò an ninh năng lượng thế nào, nếu không rõ như vậy sẽ vướng víu trong việc đầu tư hệ thống, dẫn tới thiếu điện, không theo kịp nhu cầu phát triển.
Kinh nghiệm ở Anh, ngành đường sắt đã phải mất 15 - 20 năm cơ cấu lại. Theo đó, nhà nước sở hữu và quản lý hệ thống ray và tín hiệu, tư nhân hoá tàu. Các công ty chạy tàu đấu thầu giấy phép chạy tuyến, tạo ra cạnh tranh dịch vụ , nên từ năm 2004 tàu hoả của họ có dịch vụ tốt, có wifi… Nhờ đường sắt tiện lợi, một mặt nhà nước thu được tiền vận hành và đầu tư hạ tầng một mặt thúc đẩy được giãn dân ra ngoại ô, thực hiện được mục tiêu vĩ mô chiến lược của nhà nước.
Lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước hiện chuyển về ngân sách, nhưng cũng phải tính đến cho họ tái đầu tư. Trường hợp này, chúng ta quay trở lại câu hỏi, giữ lại lợi nhuận để làm gì?
Nếu có lợi ích chiến lược khác thì chủ sở hữu nên có quyền rút lợi nhuận đó. Nếu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có công cụ để đầu tư thì có thế rút vốn ra, đưa vào công cụ đó. Đơn vị đại diện chủ sở hữu phải có thêm quyền về tăng vốn, rút vốn.
Thế giới đã có các mô hình thành công, Việt Nam có lợi thế quan sát học hỏi để áp dụng.