Ngoại lực
Cục Hàng không Việt Nam vừa có Công văn số 4933/CHK - VTHK gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về việc xử lý các kiến nghị của Bamboo Airways sau khi cơ quan quản lý nhà nước về hàng không có cuộc họp với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các nhà cung cấp dịch vụ hàng không.
“Nội dung báo cáo và đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam là khá tích cực”, một lãnh đạo Bamboo Airways cho biết.
Cụ thể, tín hiệu tích cực đầu tiên là Cục Hàng không Việt Nam ủng hộ chủ trương tăng quy mô đội tàu bay lên trên 30 tàu nhằm hỗ trợ Bamboo Airways mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trong quá trình tăng quy mô đội tàu bay, Cục Hàng không Việt Nam lưu ý Bamboo Airways cần đảm bảo năng lực về tài chính, nguồn nhân lực khai thác đội tàu và phù hợp với hạ tầng cảng hàng không Việt Nam.
Tín hiệu tích cực thứ hai là tại cuộc họp giữa Bamboo Airways và các công ty cung cấp dịch vụ hàng không do Cục Hàng không Việt Nam chủ trì hôm 28/8, tất cả các đối tác chuyên ngành hàng không đều khẳng định đã hỗ trợ Bamboo Airways trong suốt giai đoạn vừa qua, đặc biệt là trong giai đoạn tái cơ cấu này. “Các công ty sẵn sàng tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Bamboo Airways trên cơ sở các bên tôn trọng những thỏa thuận, cam kết đã ký kết và thống nhất”, ông Đinh Việt Sơn, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết.
Liên quan đến đề xuất giãn, hoãn các khoản nợ, hỗ trợ tăng thêm dư nợ, đồng thời miễn giảm lãi phạt các khoản nợ quá hạn để giảm áp lực tài chính hỗ trợ Hãng duy trì hoạt động, Cục Hàng không Việt Nam cho biết là không có thẩm quyền yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ hàng không hỗ trợ Bamboo Airways thông qua hình thức thanh toán, giãn nợ hay hoãn nợ.
Hiện tại, các khoản nợ lớn nhất của Bamboo Airways là với ACV và các công ty cung cấp dịch vụ hàng không có yếu tố vốn nhà nước. Vì vậy, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, có ý kiến chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý có giải pháp đối với kiến nghị này của Bamboo Airways.
Trước đó, vào giữa tháng 8/2023, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 6354/VPCP - DMDN gửi các bộ: GTVT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý kiến nghị của Bamboo Airways.
Theo đó, Thủ tướng đề nghị Bamboo Airways cần nỗ lực tái cơ cấu, vươn lên trở thành doanh nghiệp lớn mạnh; chủ động báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để các cơ quan kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc theo chức năng, nhiệm vụ.
Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bamboo Airways và các cơ quan liên quan nghiên cứu báo cáo của Công ty tại văn bản nêu trên để xem xét, hỗ trợ, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và quy định pháp luật nhằm phát triển hãng hàng không này. Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước làm việc với Bamboo Airways để tháo gỡ khó khăn về vấn đề vốn và tham gia cổ phần của các ngân hàng có đủ điều kiện. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đẩy mạnh tái cấu trúc toàn diện
Trong khi chờ đợi những hỗ trợ cụ thể từ bên ngoài, bản thân Bamboo Airways cũng đẩy mạnh tiến trình tái cấu trúc toàn diện để nâng cao hiệu quả hoạt động, cũng như lựa chọn cổ đông chiến lược để đồng hành với các kế hoạch phát triển bền vững trong tương lai.
Vào cuối tuần trước, Bamboo Airways tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023, thông qua kiến nghị của ông Lê Thái Sâm, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways về việc giao HĐQT tổ chức, thực hiện rà soát xác định nguồn vốn của Công ty, tăng/giảm vốn điều lệ nhằm mục tiêu tái cấu trúc Công ty và huy động vốn từ cổ đông chiến lược.
“Việc lựa chọn cổ đông chiến lược được thực hiện nhằm mục tiêu tái cấu trúc về mặt tài chính, đảm bảo hoạt động của Công ty và tăng cường nguồn vốn để thực hiện các chủ trương mở rộng quy mô tàu bay, mở rộng mạng bay, nâng cao dịch vụ trong tương lai”, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết.
Trong Văn bản số 2475/BAV - CV gửi Bộ GTVT vào cuối tháng 8/2023, Bamboo Airways cho biết, trong quá trình tái cấu trúc, Hãng rất cần sự tham gia hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân có tiềm lực tài chính cũng như kinh nghiệm quản trị và tái cấu trúc.
Vì vậy, Bamboo Airways đề xuất Bộ GTVT có ý kiến đề nghị Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho phép Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) được tham gia vào quá trình tái cấu trúc Hãng với vai trò là một nhà đầu tư.
Để duy trì dòng tiền, đảm bảo tính thanh khoản, Bamboo Airways cũng đề xuất Bộ GTVT có ý kiến đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại phối hợp cung cấp gói tín dụng với lãi suất và các điều kiện vay vốn ưu đãi, đồng thời thực hiện giãn, hoãn các khoản nợ đến hạn và tái cấp lại các hạn mức tín dụng cho Bamboo Airways.
Tại Văn bản số 2475, Bamboo Airways còn đề xuất cho phép Hãng được phép hoãn thời gian thanh toán đến hết năm 2024 đối với phí dịch vụ cất cánh, hạ cánh và phí dịch vụ điều hành bay phát sinh trong năm 2023 và năm 2024.
Bên cạnh đó, Bamboo Airways đề xuất Bộ GTVT xem xét chấp thuận gia hạn việc giảm 50% giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đối với các chuyến bay nội địa cho các hãng hàng không từ năm 2022 đến hết năm 2024; có ý kiến tham mưu đề xuất cơ quan có thẩm quyền miễn giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay về mức 1.000 đồng/lít, ít nhất đến hết năm 2024 để hỗ trợ giảm áp lực tài chính cho các hãng hàng không Việt Nam.
“Đề xuất này của Bamboo Airways cũng từng được các hãng hàng không trong nước kiến nghị nhiều lần và đây là những khoản hỗ trợ quan trọng, nhất là trong bối cảnh thị trường hàng không chưa phục hồi bền vững như dự kiến”, lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp vận tải hàng không Việt Nam đánh giá.