Theo ông Trương Hữu Thành, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện nay EVNNPT giao Ban quản lý dự án các công trình điện miền Nam (SPMB) quản lý điều hành dự án Trạm biến áp 220 kV Năm Căn và Đường dây 220 kV Năm Căn - Cà Mau 2. Đây là dự án quan trọng, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và cũng được UBND tỉnh Cà Mau xác định là công trình trọng điểm trên địa bàn từ tháng 12/2020.
Theo kế hoạch, trạm biến áp được xây dựng tại xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, còn đường dây 220kV Năm Căn – Cà Mau 2 đi qua các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước, Phú Tân và huyện Năm Căn, có chiều dài khoảng 57,8 km gồm 160 vị trí móng trụ.
Tuy nhiên tới hiện nay, dự án còn rất nhiều vướng mắc về mặt bằng ở tất cả các địa phương có đường dây đi qua.
Ông Trương Hữu Thành, Phó tổng giám đốc EVNNPT nêu các khó khăn và kiến nghị giải pháp |
Để công trình hoàn thành kịp tiến độ đưa vào vận hành nhằm phát huy hiệu quả vốn đầu tư công, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, EVNNPT kiến nghị UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo UBND huyện U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước và huyện Năm Căn tiếp tục vận động các hộ chưa đồng ý nhận tiền hiểu mục đích, ý nghĩa, chủ trương của dự án để các hộ dân đồng thuận nhận tiền và bàn giao mặt bằng nhằm thi công đảm bảo tiến độ.
EVNNPT cũng kiến nghị các Sở ngành, địa phương liên quan hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục chuyển đổi đất rừng sản xuất sang đất năng lượng và thủ tục trồng rừng thay thế theo quy định hiện hành. Hội đồng bồi thường các huyện, Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh sớm hoàn thành công tác kiểm đếm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ phần ảnh hưởng hành lang trình cấp thẩm quyền phê duyệt để EVNNPT/SPMB phối hợp chi trả tiền cho các hộ dân bị ảnh hưởng phục vụ công tác kéo dây ngay sau khi hoàn thành thi công đúc móng, dựng trụ nhằm đảm bảo tiến độ dự án.
Trường hợp các hộ vẫn cố tình không chấp hành chủ trương và nhận tiền bồi thường, các huyện sớm củng cố hồ sơ để tổ chức cưỡng chế thu hồi đất theo quy định pháp luật.
Đối với 2 dự án thuộc Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC) gồm đường dây 110 kV An Xuyên – Vĩnh Thuận hiện còn 23/30 hộ dân tại vị trí móng trụ 4,5,6,7 không đồng ý nhận tiền mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động. Vị trí móng số 1 và ngăn lộ mở rộng trạm 110 kV An Xuyên các hộ không đồng ý nhận tiền mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động.
Đối với dự án xuất tuyến đường dây 110 kV mạch kép từ trạm 220 kV Năm Căn đã có 26/37 hộ nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng. EVNSPC đang phối hợp với Sở Công Thương Cà Mau để chủ trì mời địa chính quyền địa phương phối hợp giải quyết vướng mắc nhằm sớm khởi công dự án.
Đoàn công tác đi thực địa hiện trường |
Có mặt tại cuộc làm việc, ông Hoàng Trọng Hiếu, Phó chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển Điện lực cho hay, đây là các dự án có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Cà Mau, bên cạnh nâng cao độ tin cậy cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, các dự án còn có ý nghĩa giải tỏa nguồn điện gió, điện mặt trời từ đó mang lại nguồn thu ngân sách lớn cho tỉnh.
Vì vậy, ông Hoàng Trọng Hiếu đề nghị tỉnh Cà Mau tăng cường tuyên truyền vận động các hộ dân bàn giao các vị trí móng còn lại để chủ đầu tư tổ chức thi công. Trong quá trình vận động tuyên truyền, những hộ dân có khả năng cao chống đối, địa phương cần sớm củng cố hồ sơ để khi đủ điều kiện sẽ bảo vệ thi công hoặc cưỡng chế.
Đồng thời ông Hoàng Trọng Hiếu cũng đề nghị chủ đầu tư các dự án tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương để hỗ trợ, vận động người dân, đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng, sớm hoàn thành dự án. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh Cà Mau để báo cáo, thảo luận, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc phát sinh. Chủ đầu tư quản lý đơn vị thi công thi công đúng theo tiến độ cam kết, đảm bảo an toàn trên công trường và trong quá trình thi công hạn chế tối đa nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu của hộ dân.
Chia sẻ thực tế này, ông Lâm Văn Bi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng cho biết, tỉnh Cà Mau xác định rõ đây là các dự án trọng điểm phục vụ cho chính nhu cầu của tỉnh nên trong thời gian qua đã chỉ đạo quyết liệt để từng bước tháo gỡ vướng mắc.
Sở Công Thương được giao là cơ quan đầu phối thường xuyên họp, làm việc với các đơn vị để giải quyết vướng mắc và khi gặp khó khăn vướng mắc, vượt quá thẩm quyền báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh giải quyết kịp thời.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu các huyện đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị tham gia dự án tuyên truyền, vận động người dân hiểu thêm về ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án điện nhằm sớm bàn giao mặt bằng các dự án trong tháng 11/2022.
Trong trường hợp đã thực hiện tính toán bồi thường đầy đủ theo các quy định của pháp luật nhưng các hộ dân vẫn cố tình chống đối thì các huyện cần xây dựng biện pháp bảo vệ thi công hoặc cưỡng chế nếu thấy cần thiết.